Trông giữ xe dưới gầm cầu vượt cao tốc trên cao (vành đai 3):

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phớt lệnh “cấm”

Thứ Năm, 28/03/2013, 13:58
Hằng ngày vẫn có hàng chục nghìn mét vuông đất thuộc gầm cầu vượt đường cao tốc trên cao (vành đai 3) của Hà Nội bị “xẻ thịt” công khai mà không bị xử lý. Trước sự việc này, UBND TP yêu cầu Sở GTVT Hà Nội có báo cáo nhưng Sở GTVT… không hồi âm.

Sau nhiều năm tồn tại “ký sinh” dưới gầm cầu đường bộ, quý I năm 2013, một số bãi trông giữ xe gầm cầu vượt Ngã tư Vọng, Ngã tư Sở, đầu cầu Chương Dương đã bị cơ quan chức năng “xóa sổ” để trả lại cảnh quan, đẩy lùi nguy cơ cháy nổ đe dọa sự an toàn của hàng nghìn người dân sinh sống xung quanh. Tuy nhiên, “xóa” nơi này, lại dồn nơi khác. Thực tế là hằng ngày vẫn có hàng chục nghìn mét vuông đất thuộc gầm đường cao tốc trên cao (vành đai 3) của Hà Nội bị “xẻ thịt” công khai mà không bị xử lý. Trước sự việc này, UBND TP yêu cầu Sở GTVT Hà Nội có báo cáo nhưng Sở GTVT… không hồi âm.

Cầu Thanh Trì là cây cầu lớn nhất bắc qua sông Hồng của Hà Nội được biết đến như một giải pháp căn bản góp phần giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông của Thủ đô Hà Nội. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian, phần gầm cầu vượt dẫn lên cầu Thanh Trì đoạn từ đầu bán đảo Linh Đàm nối đường Nguyễn Xiển, đoạn cắt đường Giải Phóng các cơ sở kinh doanh bãi đỗ xe, sửa xe ôtô mọc lên như nấm...

Theo ghi nhận của PV, đoạn gầm cầu giao với đường Giải Phóng sát với Bến xe Nước Ngầm ngoài các bãi gửi xe ngày đêm quây rào thép, các garage ôtô, điểm rửa xe cũng công khai cắm biển.... đua nhau mở ra như một sự hiển nhiên được cấp phép. Việc sản xuất, kinh doanh không chỉ gây ra sự lộn xộn, gây ô nhiễm môi trường, tự ý treo biển quảng cáo làm mất mỹ quan đô thị.

Các dịch vụ trông xe, sửa xe, rửa xe dưới gầm cầu vượt cạn Pháp Vân.

Trên thực tế, gầm cầu cao tốc trên cao, đường vành đai 3 (đoạn từ Nguyễn Xiển – Hoàng Liệt – Pháp Vân) có 193 khoang với tổng diện tích 193.853m2 do Xí nghiệp Khai thác điểm đỗ xe 6 thuộc Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội quản lý. Các khoang này được rào chắn bằng lưới thép và bằng tôn; có 10 khoang (mỗi khoang rộng 350m2) sử dụng để làm nhà xưởng, bãi đỗ xe gồm: 2 khoang (đoạn phố Hoàng Liệt) dùng để gò hàn và sửa chữa ôtô; 1 khoang dùng để chứa máy móc, chủ yếu là máy tiện; 7 khoang (đoạn Pháp Vân) dùng làm bãi đỗ xe tải, chuyển hàng hóa. Và các khoang còn lại được sử dụng để trông giữ phương tiện (xe ôtô khách, ôtô tải, xe máy).

Theo khẳng định của lãnh đạo Công an TP Hà Nội, việc trông giữ phương tiện và sử dụng vào các mục đích khác như trên đều không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền. “Chỉ có các văn bản về việc bàn giao, tiếp nhận, quản lý, trong đó có Quyết định số 513, ngày 25/5/2011 của Giám đốc Sở GTVT Hà Nội giao cho Tổng Công ty Khai thác điểm đỗ xe quản lý; chỉ sử dụng vào mục đích trông giữ ôtô, xe máy với thời hạn 1 năm, không thực hiện các dịch vụ khác” – vị lãnh đạo này cho biết.

Trước tình trạng này, Công an TP Hà Nội đã vào cuộc kiểm tra và nhận thấy, một số khoang đã không sử dụng để trông giữ phương tiện mà sử dụng làm bãi đỗ xe để trung chuyển hàng hóa hoặc sử dụng sửa chữa ôtô, kho chứa máy móc, thiết bị gây lộn xộn về trật tự đô thị, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao; Đặc biệt có dấu hiệu Xí nghiệp Khai thác điểm đỗ xe 6 giao một số khoang cho cá nhân khai thác, sử dụng.

Cũng qua kiểm tra, Công an TP Hà Nội đã có kiến nghị, trong đó yêu cầu chấm dứt sử dụng gầm cầu cao tốc trên cao để làm bãi đỗ xe để trung chuyển hàng hóa hoặc sửa chữa ôtô, kho chứa máy móc, thiết bị, trông giữ phương tiện và các hoạt động kinh doanh dịch vụ; giao cho các đơn vị chức năng trồng cỏ, hoa để đảm bảo an toàn cho cầu, đảm bảo vệ sinh, mỹ quan đô thị; trường hợp nếu TP đồng ý sử dụng gầm cầu được làm bãi đỗ xe tạm thời thì UBND TP ra quyết định để đảm bảo tính pháp lý cho đơn vị sử dụng (Quy định tại Thông tư 39 của Bộ GTVT).

Ngay sau khi có kết quả điều tra của Công an TP, ngày 4/3 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi chỉ đạo về việc kiểm tra trông giữ phương tiện tại gầm cầu này, trong đó yêu cầu Sở GTVT Hà Nội chủ trì đề xuất phương án giải quyết, báo cáo UBND TP trước ngày 6/3. Tuy nhiên, yêu cầu này không được Sở GTVT Hà Nội đáp ứng. Và đến ngày 22/3, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi tiếp tục yêu cầu Sở GTVT Hà Nội khẩn trương và nghiêm túc thực hiện, báo cáo TP trong tháng 3/2013.

Liệu cuối tháng 3, Sở GTVT Hà Nội có thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố?

Thanh Huyền
.
.
.