Siết quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình

Chủ Nhật, 10/04/2016, 10:59
Đó là khẳng định của ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) xung quanh vấn đề quản lý các dịch vụ xuyên biên giới nói chung, dịch vụ truyền hình trả tiền xuyên biên giới nói riêng.


PV: Một trong những điểm mới trong Nghị định số 06 của Chính phủ vừa ban hành về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh - truyền hình là quy định cơ cấu tỷ lệ kênh chương trình nước ngoài trên tổng số kênh chương trình khai thác trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền của doanh nghiệp không vượt quá 30%. Vì sao phải khống chế tỷ lệ này, thưa ông?

Ông Hoàng Vĩnh Bảo: Đây là quy định mới vừa tạo điều kiện cho kênh chương trình nước ngoài được tham gia vào hệ thống dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền, vừa tạo động lực thúc đẩy công nghiệp sản xuất nội dung chương trình trong nước, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. 

Bên cạnh đó, quy định tỷ lệ 30-70% cũng phù hợp với đề án quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2025 đang được Chính phủ chỉ đạo triển khai và tỷ lệ này cũng đang được nhiều quốc gia áp dụng. Cũng giống như các quốc gia khác, Việt Nam không bảo hộ chương trình trong nước nhưng cũng không vì thế mà để kênh truyền hình nước ngoài tràn lan, làm ảnh hưởng quá lớn đến thuần phong mỹ tục, văn hóa và lợi ích quốc gia. 

Ngoài ra, việc quy định tỷ lệ 30/70 giữa các kênh trong nước và nước ngoài cũng là cơ hội để các doanh nghiệp truyền hình trả tiền tăng cường phát sóng các kênh truyền hình trong nước. Nếu các doanh nghiệp muốn tăng số lượng các kênh nước ngoài lên nhiều hơn thì cũng phải bổ sung thêm các kênh truyền hình trong nước cho đúng tỷ lệ quy định.

Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh-Truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT&TT.

PV: Truyền hình internet là một loại hình đang có sự phát triển mạnh. Nhà nước sẽ quản lý dịch vụ truyền hình Internet do các doanh nghiệp cung cấp từ nước ngoài vào Việt Nam như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Hoàng Vĩnh Bảo: Điều 22 của Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã nêu rõ: “Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài khi cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có người sử dụng tại Việt Nam hoặc có truy cập từ Việt Nam cần tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan của Việt Nam”. Tuy nhiên, trong bối cảnh các dịch vụ xuyên biên giới đang phát triển mạnh như hiện nay, việc phải có một Thông tư quản lý riêng trong lĩnh vực này là điều rất cần thiết. Hiện Bộ TT&TT đang trong quá trình xây dựng Thông tư quy định về cung cấp thông tin công cộng qua biên giới, trong đó có dịch vụ truyền hình internet từ nước ngoài vào Việt Nam. Sau khi Thông tư này được ban hành, những đơn vị cung cấp dịch vụ từ lãnh thổ nước ngoài vào Việt Nam cũng phải thực hiện đúng theo các chế tài của Việt Nam.

PV: Hiện nay việc tích hợp nội dung video trong các trang báo điện tử hoặc trang tin điện tử tổng hợp là một xu thế, vậy các trang có tích hợp video này có phải xin giấy phép hay không, thưa ông?

Ông Hoàng Vĩnh Bảo: Nhà nước khuyến khích các trang báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp đưa các nội dung video, clip nội dung của các đài truyền hình lên mạng bởi đây là dạng thông tin có tính thuyết phục cao. Tuy nhiên, nhà nước cũng đã quy định rõ, trang thông tin điện tử của doanh nghiệp không được phép cung cấp các video clip hoặc các kênh truyền hình lên trang web của mình nếu chưa được đồng ý. 

Đối với các trang thông tin điện tử, báo điện tử đưa lại nội dung đã phát sóng trên các đài truyền hình theo nguyên tắc dẫn lại thì không phải xin giấy phép nhưng khi đưa lên cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm về thông tin hình mà mình đã đưa. Còn nếu các đơn vị này tự sản xuất một kênh chương trình riêng, hoặc tự sản xuất nội dung thì bắt buộc phải xin cấp phép.

PV: Thưa ông, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có hướng xử lý như thế nào đối với các thông tin sai trái của các thế lực thù địch, các thông tin vi phạm đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục được phát tán trên mạng internet, đặc biệt là các trang mạng và mạng xã hội có máy chủ đặt tại nước ngoài?

Ông Hoàng Vĩnh Bảo: Đây là vấn đề khó, quản lý các thông tin có máy chủ đặt tại nước ngoài là vấn đề không dễ. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng áp dụng nhiều biện pháp. Thực tế cho thấy, nếu đơn vị nước ngoài nào có mục đích kinh doanh đều sẽ đặt máy chủ ở trong nước. Do đó, hướng quản lý thứ nhất là phối hợp. 

Cơ quan quản lý nhà nước sẽ yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới chủ động gỡ bỏ các thông tin không phù hợp khi được yêu cầu gỡ bỏ. Hướng quản lý thứ hai là sử dụng các biện pháp chặn kỹ thuật tổng hợp. Các biện pháp này hiện đang được rất nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Huyền Thanh
.
.
.