Sẽ xem xét những trường hợp không được bổ nhiệm chức danh

Thứ Tư, 06/01/2010, 14:22
Sau khi bài báo “Vì sao đủ tiêu chuẩn vẫn không được bổ nhiệm chức danh?” được đăng tải, Báo CAND đã nhận được phản ánh của một số nhà giáo cho rằng, với quy trình bổ nhiệm như hiện nay, sẽ có ứng viên không được bổ nhiệm dù họ đã được trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. Đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, Báo CAND xin trở lại vấn đề này.

>> Vì sao đủ tiêu chuẩn vẫn không được bổ nhiệm chức danh?

Trong lá thư gửi đến Báo CAND, một nhà giáo vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2009 cho biết, về mặt nguyên tắc thì cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm GS, PGS phải theo đúng chuyên ngành mà cơ sở đó có nhu cầu, nhưng trên thực tế, có những ngành giao thoa thì rất cần phải vận dụng linh hoạt và quan trọng nhất là hiệu trưởng và người đứng đầu cơ sở giáo dục phải có cái tâm.

Nhà giáo này dẫn chứng, có GS toán nhưng lại là thành viên của hội đồng chức danh tin học; có GS về địa chất nhưng lại là thành viên của hội đồng chức danh giáo sư cơ sở Viện Khoa học giáo dục; có GS về vật lý nhưng 15 năm qua, vị GS này chuyên hướng dẫn nghiên cứu sinh về khoa học giáo dục. Đây là những GS đã được công nhận và bổ nhiệm từ nhiều năm trước, nhưng mới đây nhất ở ĐH Quốc gia Hà Nội có ứng viên được công nhận PGS Vật lý, nhưng vẫn được bổ nhiệm PGS ở Khoa Điện tử (ĐH Công nghệ); có ứng viên được công nhận tiêu chuẩn chuyên ngành tự động hóa nhưng vẫn được bổ nhiệm ở chuyên ngành viễn thông.

Trên thực tế còn có khoa Sư phạm kỹ thuật, nhưng chủ nhiệm khoa là PGS toán và phó chủ nhiệm khoa là PGS cơ lý thuyết. Cũng theo nhà giáo này cung cấp thì ở nhiều trường ĐH có PGS toán nhưng được bổ nhiệm ở khoa công nghệ thông tin, PGS sinh học được bổ nhiệm ở khoa sư phạm kỹ thuật.

Lễ vinh danh các GS, PGS trong lĩnh vực y tế (Ảnh: PV).

Trong một lá thư khác gửi đến Báo CAND, một giảng viên ĐH Bách khoa bày tỏ: "Đây là vấn đề thú vị và nhạy cảm. Tất cả tuỳ thuộc vào "cái tâm" của thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học. Do quá trình chuyển đổi, khoa học nước nhà đang chuyển mình trên con đường hội nhập với thế giới nên việc học tập mô hình công nhận chức danh của các nước phát triển phải có bước đi thận trọng. Nếu làm máy móc, sẽ xảy ra hệ luỵ khôn lường và không tránh khỏi "chạy" bổ nhiệm GS, PGS; đồng thời sẽ loại bỏ các GS, PGS có tên ngành không phù hợp, tạo kẽ hở để các cơ sở giáo dục loại bỏ các nhà khoa học chân chính".

Vậy những nhà giáo đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS ở những ngành có tính chất "giao thoa" thì có được bổ nhiệm làm GS, PGS? Và làm thế nào để không xảy ra tình trạng "chạy" bổ nhiệm khi mà ranh giới "liên ngành" rất mỏng manh?

Chúng tôi đã trao đổi vấn đề này với PGS.TS Nguyễn Hữu Bạch, Chánh Văn phòng Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước. PGS Bạch cho biết, đúng là có những ngành giao thoa hai, ba lĩnh vực, nhưng nếu cùng một hướng nghiên cứu thì vẫn có thể bổ nhiệm được (ví dụ toán - tin, lịch sử - lịch sử Đảng); thậm chí cơ sở giáo dục chuyên về nông lâm nghiệp không cần chuyên sâu về vật lí thì vẫn có thể bổ nhiệm PGS vật lý đối với những ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn ở chuyên ngành tin, có thể đảm nhiệm dạy vật lý đại cương…

GS.TSKH Đỗ Trần Cát, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước cho hay bản chất của việc tách khâu công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh và bổ nhiệm chức danh thành hai khâu độc lập là để tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các hiệu trưởng, thủ trưởng cơ sở giáo dục (công nhận do Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, bổ nhiệm do đề xuất của hiệu trưởng trường đại học lên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT). Nhưng theo GS Đỗ Trần Cát, quan trọng nhất là hiệu trưởng, người cầm cân nảy mực phải thực sự nghiêm túc thì việc bổ nhiệm mới chính xác, không bỏ lọt người tâm huyết với giáo dục.

Ông Nguyễn Hải Thập, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT (đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ bổ nhiệm chức danh GS, PGS) cho biết: Bộ đang chờ đề xuất của các cơ sở giáo dục để tập hợp, đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bổ nhiệm. Thực tế hiện nay, đội ngũ GS, PGS đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục rất ít, tỉ lệ GS/giảng viên là 1,1%, PGS/giảng viên là 4,9%, trong khi theo cơ cấu chức danh thì chúng ta phải đạt tỉ lệ 15% GS và hơn 20% PGS/giảng viên.

Với sự "khan hiếm" này, ông Nguyễn Hải Thập dự báo, chúng ta bổ nhiệm từ nay đến năm 2020 chưa chắc đã đạt cơ cấu chức danh. Vì thế, năm 2009 này về cơ bản ứng viên nào đã được công nhận đạt tiêu chuẩn thì sẽ được bổ nhiệm. Trường hợp nào không được bổ nhiệm, nếu có đơn gửi Bộ GD&ĐT thì Bộ sẽ xem xét và yêu cầu cơ sở giáo dục lí giải vì sao không bổ nhiệm. Nếu cơ sở lí giải không thỏa đáng thì Bộ sẽ yêu cầu phải bổ nhiệm cho trường hợp đó.

Thu Phương

.
.