Sẽ xây hồ chứa nước ngọt trong rừng tràm U Minh Hạ để phục vụ dân sinh

Thứ Sáu, 26/02/2016, 10:57
Tại hội thảo công bố giai đoạn 1 Dự án “Sự sụt lún đất của bán đảo Cà Mau” do Bộ NN&PTNT phối hợp với Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Nauy (NGI) tổ chức vào tháng 6-2015, các chuyên gia NGI đưa ra kịch bản cảnh báo vùng đất Cà Mau đang dần bị sụt lún do khai thác mạch nước ngầm tràn lan, cộng với nạn phá rừng. 


Việc này sẽ dẫn đến hàng loạt hậu quả khó lường, trong đó có việc Cà Mau sẽ biến mất trong vài thập niên tới, nếu như ngành chức năng không có biện pháp can thiệp kịp thời.

Theo một thống kê mới nhất, hiện Cà Mau có gần 1.200 giếng khoan, tổng lượng nước được bơm hơn 373.000m3/ngày. Đáng ngại là giếng khoan chỉ tập trung vào một vài nơi ở đô thị. Do đó, khu vực này có thể xảy ra lún lớn hơn nhiều so với tốc độ sụt lún là 1,56 - 2,3cm/năm. Ngành chức năng của tỉnh Cà Mau cũng nhìn nhận việc khai thác mạch nước ngầm tràn lan như thời gian qua là rất đáng báo động. Trong tương lai, người dân Cà Mau sẽ thiếu nước ngọt để sử dụng.

Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân của sự sụt lún đất ở Cà Mau trong những năm qua là do việc khai bơm nước ngầm xảy ra ở những nơi có đất sét mềm, dễ bị nén liên kết với tầng đất sâu hơn hoặc tầng sỏi... Điều này làm cho diện tích đất tự nhiên của tỉnh bị mất dần; xói mòn bờ biển tăng do bờ biển chìm; rừng ngập mặn suy giảm dẫn đến xói mòn mạnh hơn và dâng sóng khi có bão; tăng độ mặn của nước trong kênh rạch và sông; xâm nhập mặn vào tầng ngậm nước ngầm... 

Vị trí được Chính phủ phê duyệt xây dựng tại Vườn quốc gia U Minh Hạ.

Các dữ liệu thu được từ vệ tinh cho thấy bờ biển khu vực Cà Mau bị thụt vào từ 100-1.400m trong 20 năm qua. Đánh giá sơ bộ cho thấy sụt lún có thể đã lên đến từ 30 - 70cm ở nhiều nơi.

Ông Tô Quốc Nam cho biết Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT nghiên cứu xây dựng các hồ chứa nước ngọt ở ĐBSCL, trong đó có Cà Mau nhằm chủ động ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu và thay đổi dòng chảy ở thượng nguồn.

Theo kế hoạch ban đầu, Cà Mau được Ngân hàng thế giới (WB) hỗ trợ vốn khoảng 20 triệu USD (tương đương 450 tỉ đồng) để xây dựng hồ sinh thái chứa nước ngọt. Diện tích mặt hồ dự kiến sau khi xây dựng là 190ha. Theo phương án được Chính phủ phê duyệt, hồ sẽ được xây tại Vườn quốc gia U Minh Hạ. 

Thế nhưng ngại rằng nếu xây hồ ở vị trí này, dự án sẽ gây ảnh hưởng đến diện tích rừng đặc dụng, nên phía WB không thống nhất. Tỉnh Cà Mau sau đó đã khảo sát và chọn nơi khác thuộc vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Hạ. Tại vị trí mới này, dự án sẽ ảnh hưởng đến gần 40 hộ dân nhận đất rừng giao khoán. Nếu tính toán số tiền hỗ trợ đền bù di dời, tái định cư… cần hơn 250 tỉ đồng, trong khi địa phương không có nguồn tiền này.

“Các chuyên gia phía WB đã tán đồng với lựa chọn của tỉnh, là xây hồ tại khu vực chức năng của Vườn quốc gia U Minh Hạ. Vị trí xây hồ không ảnh hưởng đến rừng đặc dụng được bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia. Tuy nhiên, về kinh phí xây hồ chỉ còn 10 triệu USD. Hiện phía WB đã chấp nhận cho Cà Mau bước vào thực hiện giai đoạn 2 của dự án; phía Viện Thủy lợi miền Nam đang lập dự án tổng (tiền khả thi). Nhanh nhất cũng phải năm 2017 mới tiến hành làm hồ” – ông Nam cho biết thêm.

Theo tính toán của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, với số tiền như thế, quy mô của hồ nước ngọt cũng sẽ được điều chỉnh thiết kế còn một nửa so với ban đầu, tức hồ rộng khoảng 100ha. Địa phương sẽ chủ động được hơn 5 triệu m3 nước phục vụ cho hơn 250.000 hộ dân trong tháng mùa khô. Và trong tương lai, nếu đấu nối được với nguồn nước ngọt từ sông Hậu dẫn về sẽ đảm bảo được lượng nước ngọt phục vụ người dân quanh năm.

Thái Bình
.
.
.