Sẽ có Trung tâm Cảnh báo sóng thần quốc gia

Thứ Năm, 28/12/2006, 14:25
Sau vụ cảnh báo sóng thần "hụt" tại Đà Nẵng, Viện Vật lý địa cầu phối hợp với các cơ quan hữu quan đang ráo riết xây dựng mạng lưới quan sát động đất, sóng thần, thiết lập trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần quốc gia.

Đêm 26/12, hàng vạn người dân sinh sống ven bờ biển các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Cà Mau đã phải một phen hú vía vì thông tin có khả năng bị ảnh hưởng trực tiếp sóng thần. Ngay sau khi thông tin về sóng thần được phát đi trên truyền hình TW và địa phương, các địa phương đã sẵn sàng sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Và có thể nói, cuộc tập dượt này cũng đủ để cho Ban chỉ đạo PCLB TW, cùng các địa phương ven biển rút kinh nghiệm quí báu trong công tác chuẩn bị đối phó với sóng thần…

Lần này thảm họa không xảy ra

Ông Lê Bá Lợi, Phó Ban chỉ huy PCLB quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, cho biết: Chiều dài bờ biển bãi ngang chạy qua địa bàn quận chừng 5km, thuộc các phường Thọ Quang, Mân Thái và Phước Mỹ, với gần 50.000 dân sinh sống. Vì vậy, công tác sơ tán dân tránh sóng thần đêm 26/12 đã gặp không ít khó khăn…

Theo lời ông Lợi, chiều 26/12, như thường lệ, hết giờ làm việc, ông cùng các cán bộ của quận Sơn Trà về nhà, không nhận thông tin gì cả. Đến hơn 22h, Đài truyền hình VTV1 đưa thông báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia và Ban chỉ đạo PCLB TW về động đất 7,2 độ richter ở tọa độ 21,8 độ vĩ Bắc, 120,6 độ kinh Đông, phía Nam đảo Đài Loan và gây ra sóng thần, sẽ có khả năng ảnh hưởng đến vùng bờ biển Việt Nam từ Quảng Bình đến Cà Mau.

Tiếp theo, Đài Phát thanh truyền hình TP Đà Nẵng thông báo Công điện của Ban chỉ huy PCLB và Tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng, yêu cầu các địa phương sẵn sàng phương án sơ tán nhân dân ven biển và đang ở trên tàu, thuyền đến những vùng cao, hoặc nhà lầu 3 tầng trở lên; hoặc vào sâu trong đất liền từ 300m-500m để tránh sóng thần.

Hoảng hốt, ông Lợi điện thoại cho Chủ tịch quận mới hay, lãnh đạo quận cũng đang chỉ đạo các phường ven biển thông báo cho dân để chuẩn bị thực hiện phương án sơ tán khẩn cấp. Vì đã trải qua trận bão Xangsane (bão số 6) với hậu quả khủng khiếp nên ngay sau khi có thông tin về sóng thần, nhân dân vùng ven biển của quận Sơn Trà đều sẵn sàng sơ tán. Nhiều hộ gia đình cũng đã vội vã đóng cửa nhà, dùng xe máy chở tài sản và người lên phía Tây đường Ngô Quyền tìm nơi lánh nạn…  Nhưng, đến 23h thì Ban chỉ huy PCLB & TKCN TP Đà Nẵng có thông báo, không có sóng thần ảnh hưởng đến bờ biển nước ta.

Tương tự, các quận ven biển TP Đà Nẵng, như: Ngũ Hành Sơn, Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, các cán bộ lãnh đạo chính quyền địa phương đều túc trực xuống cơ sở đôn đốc, chuẩn bị phương án sơ tán dân tránh sóng thần khi có lệnh. Bên cạnh, các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, BCH Quân sự thành phố cũng nhanh chóng triển khai xuống giúp dân di dời, giữ gìn ANTT.

Sóng thần ảnh hưởng đến bờ biển TP Đà Nẵng thì những ngôi làng và các nhà hàng nằm ở chân sóng thế này sẽ bị chôn vùi.

Trung tá Đỗ Thảng, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp Bệnh viện 199, Bộ Công an, đóng tại địa bàn An Hải Đông, quận Sơn Trà, cũng cho hay: Bệnh viện 199 ở gần bờ biển Đông nên khi có thông tin qua Đài Truyền hình, Ban Giám đốc bệnh viện đã huy động toàn bộ y, bác sĩ, chuẩn bị di chuyển 55 bệnh nhân nội trú ở tầng trệt, cùng các trang thiết bị y tế lên các tầng cao. Mọi người đang bắt tay vào việc thì có thông tin sóng thần không ảnh hưởng nữa…

Không để nước đến chân mới nhảy

Rõ ràng, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng, cũng như các tỉnh, thành phố ven biển miền Trung nói chung, đã có được ý thức đối phó với sóng thần bằng kinh nghiệm đối phó với các trận bão, lũ. Đây là kinh nghiệm rất quí báu, cần được phát huy tốt hơn nữa. Tuy nhiên, đối phó với sóng thần không giống như bão, lũ.

Khi những cơn bão hình thành ở vùng biển phía Đông Philippines, Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Quốc gia đã phát đi tin báo bão xa; rồi sau đó là tin bão gần lúc bão vào biển Đông và tin bão khẩn cấp khi bão có khả năng đổ bộ vào bờ. Lũ lụt cũng thế, mưa lớn dẫn đến mực nước các con sông dâng lên và thông báo lũ từ cấp 1 tăng dần lên cấp 2, cấp 3… Từ đó, chính quyền và nhân dân các địa phương xảy ra bão, lũ có được thời gian để thực hiện phương án đối phó.

Thậm chí, những trận bão trong năm 2006, Chính phủ cùng các Bộ, ngành TW cũng về tận các tỉnh, thành miền Trung thành lập Ban chỉ đạo tiền phương, chỉ đạo chống bão từng giờ, từng phút. Còn thông tin về sóng thần đêm 26/12 thì quá đột ngột, bất ngờ. Do đó, địa phương làm tốt như TP Đà Nẵng cũng không tránh khỏi lúng túng với công tác di tản dân; tâm lý người dân các vùng ven biển bị  xáo trộn, hoang mang. Đó là chưa nói đến sự an nguy đối với lực lượng Công an khi thực hiện lệnh bám lại địa bàn giữ gìn ANTT...

Cho đến nay, hệ thống khoa học công nghệ và khả năng báo tin động đất, cảnh báo sóng thần của chúng ta trên thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu cảnh báo sóng thần. Theo Viện Vật lý địa cầu thì việc dự báo sóng thần hiện dựa vào các trung tâm quốc tế. Trong khu vực và thế giới có nhiều trung tâm cảnh báo động đất và sóng thần như: Hệ thống cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương của Mỹ (PTWS), Trung tâm Tư vấn sóng thần Đông Bắc Thái Bình Dương của Nhật Bản (NPTAP), các trung tâm cảnh báo sóng thần của Indonesia, Philippines sẵn sàng chia sẻ thông tin và kinh nghiệm. Bên cạnh đó, qua Internet, chúng ta có thể nhận được thông tin nhanh từ các Trung tâm quốc tế như USGS, IRIS (Mỹ), Trung tâm Địa học Potsdam (Đức) và nhiều trung tâm khác…

Như vậy, nếu khai thác hết các khả năng hiện nay, chúng ta có thể báo tin nhanh động đất từ 3,5 độ richter và lớn hơn trên toàn miền Bắc Việt Nam, động đất từ 4,5 - 5,0 ricter và lớn hơn trên toàn lãnh thổ Việt Nam và vùng biển Đông. Chúng ta cũng có thể đánh giá khả năng sóng thần trong vùng biển Đông khi động đất lớn hơn 6,5 độ richter qua thông tin từ các trung tâm quốc tế và khu vực.

Tuy nhiên, để làm được việc đó, trước mắt phải tăng cường thiết bị, nhân lực, thiết lập quan hệ với các trung tâm quốc tế và khu vực, thực hiện quy định cơ chế làm việc mới theo yêu cầu Quy chế báo tin động đất, cảnh báo sóng thần vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 11/2006.

Sẽ có Trung tâm Cảnh báo sóng thần quốc gia

Theo PGS Nguyễn Ngọc Thủy - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam), hiện tại việc xây dựng mạng lưới quan sát động đất, sóng thần, thiết lập trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần quốc gia đang được đơn vị này phối hợp với các cơ quan hữu quan ráo riết thực hiện.

Theo đó giai đoạn một dự kiến trong năm 2007 sẽ thiết lập hệ thống cảnh báo tin động đất, cảnh báo sóng thần trên cơ sở khai thác các thông tin động đất, sóng thần trong khả năng hiện có. Cụ thể khai thác triệt để các số liệu quan trắc của mạng lưới các trạm địa chấn hiện có, thu thập thông tin về động đất trên lãnh thổ Việt Nam và vùng biển Đông, theo dõi thông tin động đất từ các trung tâm quốc tế và khu vực. Đồng thời, thiết lập quan hệ với các trung tâm cảnh báo sóng thần của Mỹ, Nhật Bản và Philippines lắp đặt thiết bị nhận thông tin động đất, sóng thần trực tuyến từ các trung tâm này. Từ đó, sẽ thiết lập hệ thống truyền tin nhanh đến các cơ quan hữu quan và cộng đồng.

Giai đoạn hai được thực hiện trong hai năm 2008 - 2009 sẽ hoàn thiện hệ thống báo tin động đất, cảnh báo sóng thần quốc gia. Cụ thể, hoàn thiện mạng lưới trạm địa chấn quốc gia, trong đó có các trạm địa chấn của Nhật Bản và Trung tâm Phòng chống thiên tai châu Á đặt trên lãnh thổ Việt Nam, thiết kế và xây dựng trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần quốc gia cũng như hoàn thiện hệ thống truyền tin nhanh chóng đến các cơ quan hữu quan và cộng đồng

Xuân Luận - Long Vân
.
.
.