Sẽ chấm dứt tình trạng chồng chéo trong xử phạt cơ quan báo chí

Thứ Sáu, 06/02/2015, 09:43
Ngày 5/2 tại Hà Nội, Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng (MEC) đã phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức hội thảo "Chế tài hành chính về xử lý thông tin sai sự thật trên báo chí: Ai cũng được phạt báo chí?".

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh cơ quan nhà nước thuộc nhiều lĩnh vực đang soạn thảo và đưa ra chế tài xử phạt nhà báo, cơ quan báo chí về hành vi “thông tin sai sự thật” liên quan đến lĩnh vực họ quản lý với nhiều mức phạt khác nhau, nhiều chủ thể phạt khác nhau gây ra sự chồng chéo trong quản lý báo chí và ảnh hưởng đến môi trường tác nghiệp báo chí.

Ngay sau khi nhiều cơ quan báo chí phản ánh về việc hiện có hơn 10 đầu mối là các bộ, ngành khác nhau đưa ra những quy định, chế tài riêng trong việc xử phạt nhà báo, cơ quan báo chí về hành vi “đưa tin sai sự thật” với mức phạt tối đa lên tới 100 triệu đồng, Thủ tướng Chính phủ đã có 2 văn bản thúc giục, yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì việc này.

Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, Bộ Tư pháp đã cùng với một số bộ, ngành trình lên Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến hành vi đăng, phát, cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật.

Cụ thể, dự thảo Nghị định sửa đổi quy định rõ: Các hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật trên các phương tiện thông tin đại chúng (do cơ quan báo chí, nhà báo thực hiện) được quy định tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước như lĩnh vực thống kê (Nghị định số 79/2013/NĐ-CP); lĩnh vực quản lý giá (Nghị định số 109/2013/NĐ-CP); lĩnh vực dạy nghề (Nghị định số 148/2013/NĐ-CP); lĩnh vực y tế (Nghị định số 176/2013/NĐ-CP)... được rà soát để quy định thống nhất tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí (Nghị định 159/2013/NĐ-CP).

Xử phạt các hành vi vi phạm này sẽ do cơ quan quản lý nhà nước về báo chí là Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thực hiện. Mức phạt đối với các hành vi này được giữ nguyên mức phạt tại các Nghị định xử phạt trong các lĩnh vực quản lý nhà nước... 

Theo kết quả khảo sát ý kiến của MEC, đa số ý kiến được hỏi đều tán thành với quyết định này bởi dự thảo Nghị định sửa đổi đã giải quyết được hai vấn đề căn bản, đó là sẽ chấm dứt được tình trạng chồng chéo trong việc xử phạt hành vi đưa tin sai sự thật khi quy từ 10 đầu mối về một đầu mối duy nhất, đồng thời đảm bảo được các điều kiện tác nghiệp cần thiết cho báo chí.

Việc quá nhiều đầu mối phạt báo chí sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tác nghiệp của nhà báo. Ảnh minh họa: Hải Thọ.

Về vấn đề này, ông Mai Phan Lợi, đại diện báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh cho rằng: Trong dự thảo nghị định trình lên Chính phủ các điều sửa đổi đều có một câu bất di bất dịch “Cơ quan báo chí, nhà báo khi thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm X khoản Y điều Z - của các Nghị định chính các ngành soạn thảo - thì xử phạt theo Nghị định 159/2013/NĐ-CP. Cụm từ này mới đọc cứ tưởng quy về một mối nhưng thực chất theo quy định của pháp luật lại là rất nhiều đầu mối mà Bộ TT&TT chỉ có mỗi việc “thi hành án”.

“Đúng là việc xử phạt sẽ do Bộ TT&TT ra quyết định nhưng việc xác định có hành vi vi phạm tại điểm X khoản Y điều Z nghị định A hay không lại do cơ quan quản lý chuyên ngành. Cơ quan quản lý chuyên ngành như tôi nói là các ngành tài chính, thống kê, hàng không, y tế, giáo dục… mà theo ý hiểu của tôi, các cơ quan này sẽ vẫn đóng vai trò “trọng tài” xác định có hành vi vi phạm hành chính về thông tin sai sự thật.

Theo quy định của pháp luật, với dự thảo như vậy họ sẽ là người theo dõi thông tin đăng trên báo, là người triệu tập các cơ quan báo chí, nhà báo đến để lập biên bản vi phạm hành chính. Họ chỉ không ra quyết định xử phạt thôi, mà biên bản ấy họ chuyển hồ sơ cho Bộ TT&TT để ra quyết định xử phạt theo Nghị định 159/2013/NĐ-CP”- đại diện Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh bày tỏ lo ngại.

Đồng quan điểm này, luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Thay vì mong muốn triệu tập phóng viên các báo tới cơ quan mình, rồi lập biên bản vì thông tin sai sự thật và chuyển văn bản sang Bộ TT&TT xử phạt, các bộ, ngành hãy lo xử phạt ngay trong ngành mình trước đi. Đó là xử phạt đối với những cán bộ có thẩm quyền cung cấp thông tin sai sự thật cho báo chí hoặc cung cấp thông tin chậm, không kịp thời, không đầy đủ. Việc xử phạt báo chí thông tin sai hãy để cho cơ quan quản lý báo chí thực hiện.

Tương tự, luật sư Đoàn Vũ Hải, đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng bày tỏ quan điểm: “Việc xử phạt báo chí phải để Quốc hội quyết định, không thể để các bộ, ngành có cớ, có công cụ để “trả đũa”, “trừng phạt” cơ quan báo chí thường xuyên thông tin những vấn đề không tốt của ngành mình”.

Từ phía Ban tổ chức, đại diện MEC khẳng định: Sẽ tổng hợp ý kiến, đề xuất để chính thức có văn bản kiến nghị gửi tới Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan đề nghị hủy bỏ đề xuất bổ sung Điều 8a, trong đó có việc xử phạt báo chí đưa tin sai sự thật với mức phạt 100 triệu đồng vào sau Điều 8 của Nghị định 159/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản.

Đồng thời MEC sẽ kiến nghị Chính phủ thống nhất giao một đầu mối xử phạt là Bộ TT&TT, xử phạt thông tin sai sự thật theo Nghị định 159/2013; bổ sung chế tài đối với cơ quan quản lý nhà nước vào Điều 9 Nghị định 159/2013 về việc chậm cung cấp thông tin, cung cấp thông tin sai và cung cấp thông tin không đầy đủ.

Huyền Thanh
.
.
.