Sau sởi, lại thấp thỏm nỗi lo bệnh thủy đậu

Chủ Nhật, 27/04/2014, 15:33
Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm lây lan rất nhanh qua đường hô hấp và tiếp xúc gần cũng đang là mối lo ngại không chỉ của giới chuyên môn, bởi số ca nhiễm ghi nhận đang ngày càng gia tăng, trong khi “vũ khí” lợi hại ngăn chặn dịch là vaccin ngừa bệnh lại hết sạch từ lâu.

Trao đổi với PV Báo CAND ngày 26/4, Thạc sĩ-bác sĩ Lê Bửu Châu - Trưởng khoa Nhiễm B, BV Bệnh nhiệt đới cho biết, bệnh thủy đậu về cơ bản là một căn bệnh lành tính, người mắc tuân thủ điều trị đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ thì thường sau 7 tới 10 ngày có thể hết bệnh, nhưng nếu không biết là mắc thủy đậu, điều trị bác sĩ không đúng chuyên môn, bệnh có thể gây biến chứng rất nguy hiểm. Trong đó đáng ngại nhất là thủy đậu biến chứng thường gây viêm phổi và viêm não. Dễ gây tử vong. Theo BS Bửu Châu, mắc thủy đậu mà đã phải nhập BV Bệnh nhiệt đới được coi là bệnh nặng. Vì đa số được hướng dẫn, điều trị cách ly ngoại trú. Theo khuyến cáo của chuyên môn, ở trẻ em từ sau 12 tháng tuổi thì cha mẹ nên tiêm ngừa vaccin thủy đậu cho con. Sau 1 tháng tiêm nhắc lại một lần nữa. Tuy nhiên khuyến cáo trên đưa ra khi mà ta có vaccin, còn hiện tại thì TP.HCM đã hết sạch vaccin thủy đậu từ cả hơn 1 năm nay.

Bệnh nhân thủy đậu tại Khoa Nhiễm B - BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM phải nằm ghế bố do hết giường nằm (ngày 26/4).

Bác sĩ Phạm Bá Thảnh, Phòng Kế hoạch tổng hợp BV này cho biết, tính tới ngày 26/4 đã có tới 3.124 ca được khám, chẩn đoán mắc thủy đậu tại BV Bệnh nhiệt đới. So với cùng thời điểm năm ngoái đã tăng gấp 3 lần (1.111 ca vào 2013). Phân loại cho thấy, số ca là người dân ngụ tại TP HCM là chủ yếu. Ngoài ra, còn có bệnh nhân từ các khu vực lân cận nhập viện là Long An và Bình Dương. Trong 3.124 ca, số bệnh nhân người lớn mắc thủy đậu chiếm tỉ lệ cao: 1.617 ca. Và, tổng số ca phải nhập nội trú tại BV Bệnh nhiệt đới tính tới ngày 26/4 là 273 ca.

Năm 2013 chỉ có 148 ca nội trú. Và năm 2013 tại BV Bệnh nhiệt đới chỉ có 1 ca biến chứng do thủy đậu. Riêng từ đầu năm tới nay, BV Bệnh nhiệt đới ghi nhận đã điều trị cho 4 ca thủy đậu biến chứng. Và khoa Nội A - BV này là nơi điều trị chính cho bệnh nhân thủy đậu, tuy nhiên từ đầu năm tới nay, số trường hợp mắc thủy đậu gia tăng nên hiện bệnh nhân thủy đậu được đưa sang nằm ở cả khoa Nhiễm B.

Theo BS Bửu Châu, lo ngại nhất của thủy đậu biến chứng là nhiễm trùng da. Nguyên nhân do việc bể vỡ từ những nốt sang thương trên da bệnh nhân của thủy đậu. Từ đó có thể gây nhiễm trùng huyết, không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới tình trạng sốc nhiễm trùng và tử vong. Biến chứng lo ngại nữa là viêm phổi do nhiễm trùng huyết hoặc viêm não (dù rất hiếm). 

Theo BS Trương Hữu Khanh, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, toàn thành phố cũng như các BV chuyên khoa đang tập trung cho phòng ngừa và cứu chữa cho trẻ em mắc bệnh sởi, tuy nhiên thời điểm hiện tại cũng đang là “vào mùa” của bệnh thủy đậu. Chống dịch sởi nhưng cũng không thể lơ là với thủy đậu. Rất lo ngại là vaccin lại cạn kiệt. Với người lớn, nếu chưa tiêm ngừa bệnh này thì ngay khi có vaccin, biện pháp hữu hiệu nhất là cần tiêm ngừa ngay, phòng lây lan trong mùa dịch bệnh

H.Nga – Q.Duy
.
.
.