Sau cuộc Tổng diễn tập phòng, chống cúm gia cầm tại Hà Nội: Không thể chủ quan

Thứ Hai, 28/11/2005, 07:44

Đây vẫn chỉ là cuộc diễn tập trên quy mô nhỏ. Nếu dịch xảy ra trên quy mô lớn, cần chuẩn bị tốt hơn nữa, nhằm tránh mất bình tĩnh và chỉ đạo kịp thời các tình huống dịch trong thực tế.

Cuộc diễn tập được chia làm 4 phần: Diễn tập cơ chế điều hành phòng, chống dịch khẩn cấp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp; diễn tập giám sát, khoanh vùng và xử lý môi trường tại nơi xảy ra dịch; triển khai bệnh viện dã chiến (từ Bệnh viện Xanh Pôn) và triển khai bệnh viện tuyến thành phố (đến Bệnh viện Đức Giang) điều trị cấp cứu cho 100 bệnh nhân bị cúm H5N1. Hơn 300 đại biểu là lãnh đạo Bộ Y tế, UBND Tp. Hà Nội, đại diện các sở và các tổ chức quốc tế WHO, JICA... đã đến tham dự buổi diễn tập.

Tình huống giả định là bệnh dịch cúm lây từ gia cầm sang người. Ngay sau khi nhận được tin báo, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Tp. Hà Nội đã họp khẩn cấp với đầy đủ các thành viên để triển khai các biện pháp cấp bách, quyết định chuyển hoạt động của ngành Y tế sang cấp độ đáp ứng tình trạng khẩn cấp phòng, chống dịch. Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (270 giường bệnh) được chuyển nhiệm vụ tiếp nhận điều trị bệnh nhân cúm để đáp ứng khả năng khi có số lượng bệnh nhân lớn.

Sau cuộc họp khẩn cấp, 3 đội chống dịch cơ động của Trung tâm Y tế dự phòng TP và Quân khu Thủ đô nhanh chóng tập kết cách ổ dịch 50m. Một bệnh viện dã chiến được đặt tại Trường Tiểu học Việt Hưng. Các bác sĩ lâm sàng đến nhà 60 bệnh nhân khám phân loại, cho các bệnh nhân uống ngay Tamiflu và kháng sinh.

Chuyển "bệnh nhân" đi điều trị.

Ông Nguyễn Quốc Triệu, Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội đã đánh giá: "Đến thời điểm này, cuộc diễn tập HN-05 đã đạt được 3 mục tiêu. Thứ nhất, lãnh đạo y tế và UBND Tp. Hà Nội đã chuyển sang trạng thái chủ động đối phó nếu dịch bệnh xảy ra. Qua cuộc diễn tập này, kinh nghiệm và kỹ năng của các cán bộ, nhân viên y tế sẽ được nâng cao, có khả năng ứng phó nhanh với dịch bệnh. Trang thiết bị cũng được chuẩn bị sẵn sàng. Tôi cho rằng, buổi diễn tập hôm nay do được chuẩn bị kỹ lưỡng nên dù lực lượng tham gia đông, nhưng các khâu phối hợp với nhau rất tốt". Để chuẩn bị cho buổi diễn tập này, Ban tổ chức đã mua 1.200 bộ quần áo bảo hộ, huy động 20 xe cứu thương tham gia.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến, buổi diễn tập chưa đặt ra tình huống có bệnh nhân tử vong tại nhà hoặc tại bệnh viện dã chiến, mà chỉ diễn tập xử lý bệnh nhân tử vong ở bệnh viện thu dung Đức Giang. Việc xử lý môi trường chưa được quan tâm đúng mức, mặc dù đã được tập duyệt kỹ. Đây vẫn chỉ là cuộc diễn tập trên quy mô nhỏ. Nếu dịch xảy ra trên quy mô lớn, cần chuẩn bị tốt hơn nữa, nhằm tránh mất bình tĩnh và chỉ đạo kịp thời các tình huống dịch trong thực tế.

Trả lời câu hỏi: Khi nào cho bệnh nhân uống thuốc Tamiflu là thích hợp, GS-TS Hoàng Thủy Long, Ủy viên Ban chỉ đạo cuộc diễn tập cho biết: Sau khi lấy mẫu bệnh phẩm, phải cho bệnh nhân uống Tamiflu ngay khi mới nghi ngờ mắc cúm.

Thuốc Tamiflu chỉ có tác dụng trong 48h đầu. Nếu uống thuốc quá chậm sẽ làm giảm tác dụng của thuốc. Ngược lại, uống quá sớm, Tamiflu sẽ tác động đến sự phân lập virus và có thể ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm. Vì thế, đây cũng là vấn đề cần thống nhất

Nhóm PVXH
.
.
.