Sau Tết,lại căng thẳng chuyện vé tàu, vé máy bay

Thứ Năm, 26/02/2015, 08:27
Vé máy bay gần như kín chỗ, vé tàu chỉ còn ghế tăng cường. Nếu khách không có kế hoạch từ trước thì thời điểm này, rất khó mua vé để vào TP Hồ Chí Minh. Đấy là nhận định của các hãng hàng không, cũng như ngành Đường sắt. Dự báo, phải sau rằm tháng Giêng (sau ngày 5/3) thì tình trạng khan hiếm vé tàu, vé máy bay nội địa mới kết thúc.
Tăng tần suất bay vẫn không đủ

Chiều 25/2, trao đổi với phóng viên, các hãng hàng không cho biết, đến thời điểm này, toàn bộ vé máy bay từ Hà Nội cũng như các tỉnh  đi TP Hồ Chí Minh đã được đặt hết; những chiếc vé “rơi rớt” cũng đang được rất nhiều người “săn”, có cơ hội là “chộp” ngay. Dự báo phải sau rằm tháng Giêng, vé máy bay mới bớt khan hiếm. Cụ thể, đại diện Hãng hàng không Jetstar cho hay: Mỗi ngày hãng có khoảng 9 chuyến bay từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng - TP.HCM là 2 chuyến, Thanh Hóa-TP HCM là 3 chuyến...

Mỗi chuyến bay có 180 ghế, song do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, nên hầu hết các chuyến bay từ nay đến ngày 5/3 gần như không còn chỗ trống. Nếu còn thì vé cũng cao, chứ không thể rẻ như ngày thường. Ngược lại với chiều từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Bắc, miền Trung chiều sau Tết thì còn rất nhiều chỗ, khách có thể thoải mái đặt, giá vé lại linh động, không quá cao.

Tương tự, đại diện Hãng hàng không Vietjet cũng chia sẻ thêm: mặc dù trước Tết, hãng đã nhận thêm chiếc tàu bay A320 mới, nâng số lượng đội máy bay của Vietjet lên 21 chiếc ngay trong mùa cao điểm Tết Nguyên đán để phục vụ cho các nhu cầu đi lại tăng rất cao của hành khách. Thế nhưng, sau Tết,  mỗi ngày hãng có 16 chuyến bay Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, song hầu hết số chỗ ngồi đã được khách đặt từ trước Tết. Kiểm tra trên hệ thống vé cho thấy, từ nay đến hết ngày 28/2, vé đã gần như không còn. Sang đến tháng 3, tình trạng “khan vé” tại hãng này cũng chưa giảm nhiệt, nếu chỗ còn thì vẫn ở mức giá cao.

Không chỉ có hai hãng hàng không giá rẻ “hết vé”, ngay cả Hãng hàng không quốc gia cũng rơi vào cảnh người dân chấp nhận giá cao, cũng khó mua vé nếu không đặt trước. Mặc dù từ ngày 28/1 đến 18/3 (tức từ mùng 9 tháng Chạp đến 28 tháng Giêng Âm lịch), Vietnam Airlines có kế hoạch thực hiện thêm khoảng 1.200 chuyến bay tăng tải trên các đường bay có nhu cầu lớn về tải. Tổng số chuyến khai thác trong giai đoạn cao điểm Tết đạt gần 18.900 chuyến, tăng 12% so với thường lệ.

Ảnh: Thiện Hoàng.

Trên thực tế, dịp Tết Ất Mùi 2015, cả 3 nhà khai thác bay gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jestar Pacific Airlines đều tăng thêm chuyến bay đi/đến các tỉnh, thành. Tuy nhiên, với lượng hành khách tăng cao, thậm chí có đường bay như TP HCM - Vinh, TP HCM - Hải Phòng, Thanh Hóa tăng  đến hơn 100%, số lượng chuyến bay không đủ đáp ứng.

Vậy làm thế nào để có tấm vé máy bay trong thời điểm này nếu có việc đột xuất? Theo lời khuyên của một số hành khách có kinh nghiệm “săn vé” cho rằng, cần có thời gian ngồi máy tính. Vì vé máy bay bán qua hệ thống điện tử nên cách tốt nhất là phải liên tục theo dõi máy tính, khi thấy có tình trạng hủy vé hoặc đổi ngày cần “ập” vào ngay, hoặc nếu không phải ra đại lý ngồi để chờ. Một cách nữa để kiếm được vé là người đi phải chịu khó ra sân bay chờ vé giờ chót, tức là sát đến giờ lên máy bay nhưng khách hủy vé đột ngột. Khả năng này rất mong manh, nhưng cũng có người mua được.

Nếu không chủ động đặt vé sớm, sau Tết, khách muốn bay sẽ dễ gặp cảnh “khan hiếm” vé.
Vé tàu Bắc -Nam: Chỉ còn chỗ tăng cường

Không chỉ vé máy bay, vé tàu Thống Nhất Bắc - Nam cũng rơi vào tình trạng tương tự. Trao đổi nhanh với phóng viên, đại diện ngành Đường sắt cho biết, trước trong và sau dịp Tết, ngoài các đôi tàu thường ngày, Tổng Công ty còn cho chạy thêm các tàu khách Thống Nhất: SE17/18, SE13/14 và các tàu TN3/4, TN5/6, TN7/8 giữa Hà Nội-Sài Gòn và ngược lại; cho chạy thêm các tàu khách Thống Nhất SE9/10 giữa Hà Nội-Nha Trang trước Tết và giữa Sài Gòn-Đồng Hới sau Tết; tàu SE11/12, SE15/16 giữa Vinh-Sài Gòn, tàu TN21/22 giữa Thanh Hóa-Sài Gòn và ngược lại. Song  cho đến thời điểm chiều 25/2, thì số ghế ngồi chính thống trên tàu Thống Nhất Bắc-Nam từ nay đến ngày 5/3 đã hết chỗ, khách muốn đi, thì chỉ còn ghế tăng cường (ghế phụ).

Tuy nhiên, lượng ghế này cũng không có nhiều, vì mỗi toa ghế ngồi, ngành Đường sắt chỉ tăng cường thêm khoảng 6-7 ghế phụ, còn toa giường nằm thì tăng cường thêm 1 ghế, vì vậy hành khách nên mua sớm, không nên sát giờ đi mới ra mua vé thì rất khó.  Lãnh đạo ngành Đường sắt cũng chia sẻ thêm: Do bán vé qua hệ thống điện tử, nên cũng hạn chế được tình trạng cò vé.

Các tỉnh miền Trung chưa phát hiện xe khách nhồi nhét khách

Trong 2 ngày 24 và 25/2, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi tổ chức ra quân kiểm tra, xử lý xe khách vi phạm trên các tuyến quốc lộ, trọng điểm là QL1A. Theo đó, phát hiện, xử lý hàng chục trường hợp xe ôtô chở khách vi phạm; tuy nhiên chỉ với các lỗi phổ biến, như: gắn thêm ghế, chạy quá tốc độ, chở vượt số khách quy định từ 2-3 người. Theo lực lượng CSGT Công an các địa phương so với các năm trước, ra Tết năm nay các nhà xe đã chấp hành pháp luật tốt hơn; nhất là không có tình trạng nhồi nhét khách.

Các biện pháp nghiệp vụ mà CSGT và các lực lượng chức năng triển khai quyết liệt như kiểm tra tải trọng xe, sử dụng máy bắn tốc độ xe, thiết bị phát hiện nhanh nồng độ cồn... đã khiến người tham gia giao thông ý thức hơn. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp vận tải hành khách đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên xe nên các tài xế không dám phóng nhanh vượt ẩu. Tuy nhiên, hiện tượng các xe khách chở vượt số người quy định bắt đầu gia tăng.

Nhóm PV Miền Trung

Đặng Nhật
.
.
.