Sắp hút hết 150 tấn dầu do sự cố bị lật của tàu Vietsun Integrity

Thứ Sáu, 25/10/2019, 08:39
Liên quan đến vụ tàu Vietsun Integrity chở 285 container bị lật trên sông Lòng Tàu (huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh), theo đại diện Cục Hàng hải TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 24-10, Công ty cổ phần Dịch vụ Vận tải biển Hải Vân (HaivanShip) phối hợp với Công ty Trục vớt cứu hộ (Visal) đã hút được hơn 130 tấn dầu từ khoang chứa dầu của tàu bị lật.


Trong ngày, các đơn vị liên quan đã họp bàn tìm phương án trục vớt tàu Vietsun Integrity và thu gom 285 container bị chìm theo tàu. Dự tính đến cuối tháng 11-2019, toàn bộ công tác trục vớt tàu và thu gom container sẽ hoàn tất…

Ngày 24-10, tại hiện trường vụ chìm tàu Vietsun Integrity, các đơn vị liên quan vẫn đang tổ chức hút dầu và thu gom dầu loang. Các phao vây được triển khai xung quanh thân tàu, nhiều vệt dầu loang từ trong tàu đã thoát ra ngoài, nổi trên mặt nước.

Tuy nhiên lượng dầu này không thoát ra ngoài môi trường xung quanh. Tính đến thời điểm hiện tại, các đơn vị tham gia khắc phục sự cố tàu Vietsun Integrity lật đã hút và thu gom được khoảng 130 tấn dầu từ tàu chìm (có khoảng 37 tấn dầu sạch, 33 tấn thu gom trên sông.

Các đơn vị làm nhiệm vụ ngăn dầu từ tàu Vietsun Integrity thoát ra môi trường nước.

Bên trong tàu còn khoảng 20 tấn dầu, tuy nhiên không thể xử lý kịp thời trong ngày bởi sau khi hút hết dầu, các đơn vị còn tính toán phương án tháo rửa két chứa dầu nhằm tránh dầu thoát ra ngoài môi trường.

Tại hiện trường, thợ lặn vẫn tiếp tục tiếp cận các khoang của tàu để khảo sát, hỗ trợ việc hút dầu. Các container trôi nổi được cố định dọc bờ sông Lòng Tàu. Nhiều container được tàu kéo đưa về điểm tập kết đưa lên sà lan rời khỏi hiện trường.

Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến, Trưởng đoàn công tác Văn phòng Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu hộ sau khi cùng đoàn đi khảo sát hiện trường vụ lật tàu Vietsun Integrity cho hay, các lực lượng của Quân đội, Công an cùng phối hợp với Bộ GTVT, UBND TP Hồ Chí Minh triển khai các đơn vị công tác khắc phục sự cố chìm tàu.

Ngày 31-10, các bên sẽ chốt phương án xử lý và theo dự tính đến cuối tháng 11-2019, công tác trục vớt, xử lý môi trường sẽ hoàn tất.

“Từ sau sự cố lật tàu, các đơn vị đã làm rất tốt công tác xử lý tràn dầu, không để dầu tràn ra ngoài gây ảnh hưởng đến môi trường nước và ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản của bà con Cần Giờ, không để luồng giao thông trên sông từ TP Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu và chiều ngược lại bị ách. Công tác chốt phương án xử lý tàu lật dự kiến kéo dài bởi các container bị lật theo tàu không rời khỏi thân tàu do vướng phải các chốt gù. Tiếp cận các vị trí này rất nguy hiểm bởi các container này có thể rơi ra bất cứ lúc nào. Các tổ cứu hộ đã triển khai hệ thống rada camera kiểm tra tổng quan toàn bộ con tàu và họp bàn phương án xử lý an toàn.”, Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến cho biết.

Theo ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Cảng vụ hàng hải TP Hồ Chí Minh, tính đến thời điểm hiện tại có khoảng 50 container trôi nổi đã được thu gom. Riêng số container ở vị trí tàu bị lật sẽ được trục vớt theo tàu.

Các container dính theo tàu khó có thể xử lý nhanh bởi các gù sắt bị biết dạng sau sự cố, các container dính chùm theo từng khối lớn khó bóc tách từng container ra vì làm không đúng qui trình sẽ gây ảnh hưởng đến các đơn vị cứu hộ, đặc biệt là con người.

Công tác khắc phục sự cố tàu chìm vẫn được các đơn vị chức năng tổ chức khẩn trưởng theo đúng phương án kế hoạch. Khu vực tàu chìm vẫn được phong tỏa. Các ca nô quần thảo trên tuyến sông Lòng Tàu để cảnh báo các phương tiện tránh xa khu vực nguy hiểm.

Vì không thể đi thẳng theo sông Lòng Tàu để hướng ra biển, các phương tiện di chuyển theo các con sông khác khiến đoạn đường di chuyển xa hơn, chi phí vận tải tăng lên.

Do là cao điểm của xuất nhập khẩu hàng hóa vào những tháng cuối năm nên nhu cầu vào các cảng xuất nhập hàng tăng cao nên nhiều chủ tàu đành chấp nhận giảm tải để đi theo luồng khác, mất chi phí nhiều lần cho hoa tiêu dẫn đường.

Mặc dù chưa phát hiện vết dầu loang ra khỏi khu vực tàu bị lật tuy nhiên để tránh thiệt hại đến việc nuôi trồng thủy sản của người dân ở Nhà Bè, Cân Giờ, Chi cục Thủy sản TP Hồ Chí Minh đã có công văn khẩn gửi các Hội Nông dân ở 2 huyện này cảnh báo về môi trường nước nuôi trồng thủy sản tại khu vực này để giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

Trong công văn khẩn, Chi cục Thủy sản TP Hồ Chí Minh lưu ý các hộ nuôi thủy sản lồng bè trên sông chú ý theo dõi nguồn nước, tình hình sức khỏe của vật nuôi để có biện pháp di chuyển lồng bè đến nơi an toàn. Các hộ nuôi thủy sản trên đầm được khuyến cáo không lấy nước từ sông vào ao khi chưa qua xử lý để nuôi thủy sản để tránh thiệt hại.

Các khu nuôi trồng thủy sản lớn như Hiệp Phước (Nhà Bè), Bình Khánh, Tam Thôn Hiệp (Cần Giờ) với hàng trăm héc ta nuôi tròng tôm, cua, cá được cảnh báo cẩn trọng khi sử dụng nguồn nước.

Ông Hồ Ngọc Thiện, Trưởng phòng Kinh tế huyện Cần Giờ cho biết, sau khi có công văn khẩn về khả năng dầu sau sự cố lật tàu Vietsun Integrity tràn ra môi trường nước, phía phòng Kinh tế đã chủ động thông tin cho các hộ nuôi trồng nên nhiều hộ nuôi trồng đã ý thức được việc xử lý khi sử dụng nguồn nước để tránh thiệt hại.

Anh Thư
.
.
.