Sắp hết thời được dùng dịch vụ truyền hình trả tiền giá rẻ?

Chủ Nhật, 03/05/2015, 08:42
Theo Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV), giá cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền (THTT) tại Việt Nam hiện đang ở mức thấp nhất trong khu vực ASEAN khi mà đơn giá thuê bao ở Việt Nam đang ở mức 4-5 USD/tháng, trong khi các nước khác, phí thuê bao THTT dao động từ 10 USD đến hơn 30 USD/thuê bao/tháng. 

Nhằm đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà cung cấp dịch vụ và hạn chế tình trạng bán sản phẩm dưới giá thành để “hút” thuê bao, VNPay TV đã đệ trình lên Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Đề án quản lý giá sàn dịch vụ THTT.

Theo Đề án của VNPayTV, đơn giá dịch vụ được chia ra làm nhiều mức cước. Cụ thể: Truyền hình analog đơn giá có 2 mức giá gồm: Gói kênh cơ bản ở mức 40-45 kênh (gồm 20 kênh thiết yếu, một số kênh thể thao, phim truyện nước ngoài) giá cước 60.000-65.000 đồng/tháng; gói kênh cơ bản thứ 2 ở mức 65 - 72 kênh giá cước 90.000 đồng/tháng. Truyền hình cáp HD với 110-120 kênh có giá 180 - 220.000 đồng/tháng. Gói kênh truyền hình số mặt đất với 75-85 kênh được đề xuất 65.000-80.000 đồng/tháng. Truyền hình số vệ tinh có đặc điểm không phải đầu tư chi phí cho hạ tầng, nhưng phải trả phí thuê vệ tinh được đề xuất có 3 mức giá sàn: 90.000 đồng/tháng, 180.000 đồng, 250.000 đồng/tháng. Các gói kênh với dịch vụ truyền hình IPTV được đưa ra mức 85.000 - 90.000 đồng/tháng.

Như vậy, với mức giá sàn mà VNPayTV đề xuất Bộ TT&TT có một số gói cước cao hơn khá nhiều so với mức cước mà các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ THTT đang áp dụng. Ví dụ, trong các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình vệ tinh, hiện Truyền hình An Viên đang cung cấp gói cơ bản 70 kênh với mức cước 33.000 đồng/tháng, thấp hơn 32.000 đồng so với mức giá sàn. VTC đang có gói dịch vụ thấp nhất là 60.000 đồng, K+ gói thấp nhất là 85.000 đồng, trong khi giá sàn thấp nhất của truyền hình vệ tinh được VNPayTV đề xuất là 90.000 đồng...

Điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu Đề án quản lý giá dịch vụ THTT được Bộ TT&TT phê duyệt và triển khai trong thực tế, sẽ có nhiều gói dịch vụ THTT sẽ phải tăng giá bán. Điều này sẽ mang lại nhiều lợi thế cho các nhà cung cấp dịch vụ THTT có thị phần lớn. Nhưng ngược lại sẽ gây nhiều khó khăn cho các nhà cung cấp dịch vụ THTT vừa mới gia nhập thị trường, thị phần còn nhỏ trong việc hút thuê bao. Mặt khác, người tiêu dùng cũng mất đi cơ hội được dùng dịch vụ THTT với mức giá rẻ như hiện nay.

Do đó, các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, về nguyên tắc, việc ban hành mức giá sàn dịch vụ để đảm bảo DN không bán dưới giá thành, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh là xu hướng tất yếu và đã được áp dụng tại nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, cơ quan chủ quản, ở đây là Bộ TT&TT cũng cần có sự tính toán chặt chẽ, khoa học và hợp lý để làm sao đảm bảo được hài hòa giữa lợi ích của DN đã chiếm thị phần lớn và DN mới gia nhập thị trường, đặc biệt là lợi ích của người tiêu dùng.

Huyền Thanh
.
.
.