Săn thằn lằn núi Bà Đen

Thứ Hai, 23/04/2007, 12:15
Một nhóm thợ săn vừa tới, sau khi lôi ra những chiếc giỏ đựng những con thằn lằn núi to gấp 4-5 lần thằn lằn nhà, vừa câu bằng cần câu dài chừng 1,5 mét ở cạnh núi Bà gần quán, hỉ hả khoe với tôi: "Thu hoạch được vài ký thôi!".

Nhà nước đã nghiêm cấm việc săn bắt thằn lằn núi. Thế nhưng, khi những quán nhậu biết mùi của thằn lằn núi, nó lập tức trở thành món ăn đặc sản của giới mày râu ở vùng biên giới Tây Ninh, người dân đổ xô đi "truy sát" các chú thằn lằn núi.

Buôn bán tràn lan

Tới ngã tư xã Ninh Sơn, nằm sát với thị xã Tây Ninh, hỏi đường nơi bán thằn lằn núi ai cũng biết. Cứ đi về hướng bờ kênh Tây thì sẽ rõ - một anh xe ôm bảo tôi.

Dưới trời nắng đến cháy da thịt, tôi lần mò đến quán cà phê ngã tư không tên ngay gần đó. "Có bán thằn lằn núi không anh?"- tôi hỏi. Anh chủ quán nhìn tôi biết người lạ nên dò xét: "Có".

Anh chủ quán cùng cô vợ đang rửa ly tách bảo tôi mặt hàng này bị Công an, Kiểm lâm cấm bán ở đây nên phải giấu đi nơi khác, nhưng số lượng khách cần bao nhiêu cũng có cả. Trả lời thắc mắc vì sao phải giấu giếm, anh chị chủ quán bảo "sợ Công an phạt 4 triệu nếu bắt quả tang".

Ngồi đợi vài phút, ông chủ quán ù xe chạy và xách về đúng một kí trong một chiếc lồng sắt rồi ra giá 120.000đ, tôi trả giá 100.000đ, nhưng anh chị chủ quán không chịu.

Lấy lí do quá đắt, tôi bảo rẻ thì mua về ăn cho… cường dương, hay chữa bệnh hen suyễn chứ giá này đắt quá. Nói đoạn, tôi lên xe vù đi về phía phố bán thằn lằn núi trên đường đi vào bờ kênh Tây.

Quả không sai, đoạn đường này có đến hàng chục quán cà phê dựng chiếc bảng "có bán thằn lằn núi" nguệch ngoạc trước quán.

Tôi thử tấp xe vào quán cà phê sân vườn Uyên Ương của bà chủ Thanh Đào. Sau khi uống ly cà phê đá, thử hỏi chuyện có bán thằn lằn không, một cô gái bảo là có và thông báo giá "80.000đ/ký cậu ạ".

Một nhóm thợ săn vừa tới, sau khi lôi ra những chiếc giỏ đựng những con thằn lằn núi to gấp 4-5 lần thằn lằn nhà, vừa câu bằng cần câu dài chừng 1,5 mét ở cạnh núi Bà gần quán, hỉ hả khoe với tôi: "Thu hoạch được vài ký thôi!".

Họ là những người nông dân ở địa phương này, vài năm qua thấy khách phương xa khi ghé Tây Ninh cần loại thằn lằn núi, thế là họ chuyển nghề. Anh Dũng - một thợ săn bảo tôi: "Thông thường, mỗi ngày chúng tôi cũng câu được vài ba ký, kiếm được vài "xị".

Núi Bà thì rộng lắm, chúng tôi phải chia nhau đi theo từng nhóm thì mới câu nhiều được". Vừa lau mồ hôi, Tận - một tay thợ săn có nghề khác vừa ra giá 70.000đ mỗi kí. Bà chủ quán mập ú ép giá xuống còn 60.000đ rồi nhanh nhảu đem những chiếc lồng sắt bỏ lên bàn cân, trước khi đem thả hết vào những cái lồng (cuỗi) to sau vườn.

Các tay thợ săn lấy tiền nhanh gọn, xong lại kêu lại chủ quán vài chai rượu Gò Đen, mà theo lời Tận thì để "giải mỏi'.

Xóa sổ thằn lằn núi

Rời quán cà phê này, tôi vào một quán cơm có nối thông với một quán cà phê sân vườn. Khi tôi đến, có một toán "lính săn" đi về phía núi. "Làm cho tôi nửa kí thằn lằn núi ăn đi bà chủ, ăn cho khỏi bị bệnh suyễn"- tôi hỏi. Bà chủ cho biết mùa này săn thằn lằn núi được nên giá rẻ, chứ trước đây là mùa mưa giá 150.000đ còn không có mà bán cho khách.

Theo các nhà khoa học, thằn lằn núi ngoài chức năng chữa bệnh hen suyễn rất hiệu quả còn có công hiệu cường dương, chữa bệnh còi xương, khó ngủ, chậm tiêu hoá... Có lẽ vì tính năng này mà người ta thích ăn thằn lằn núi.

Lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương cũng đã ra tay truy bắt rất sát sao. Thế nhưng, người dân ở đây biết được nhu cầu tìm hàng của khách phương xa nên vẫn cố tình ngụy trang buôn bán. Rồi đây, núi Bà Đen sẽ vắng bóng thằn lằn núi?!

Phạm An Hòa
.
.
.