Sâm Ngọc Linh đang dần tuyệt chủng

Thứ Ba, 27/11/2007, 15:28
Ở Kon Tum, giá mỗi ký củ sâm Ngọc Linh tươi chỉ bằng ngón tay từ 17-25 triệu đồng; còn sâm khô giá mỗi ký 65 triệu đồng. Trong khi hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đang tranh nhau quyền đăng ký và chỉ dẫn địa lý cây sâm Ngọc Linh, thì những kẻ xấu luôn tìm mọi cách xâm nhập núi Ngok Linh để trộm cắp sâm.

Sâm Ngọc Linh là cây dược liệu quí mọc quanh đỉnh núi Ngok Linh ở độ cao 1.500m trở lên, thuộc hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, nó được xem là loài sâm đặc hữu của Việt Nam, chất lượng có một số điểm hơn cả sâm Triều Tiên (Panax ginseng - C.A.May).

Hiện nay, dư luận đang xôn xao đồn đại rằng, giữa tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam đang tranh chấp quyền đăng ký và chỉ dẫn địa lý cây sâm Ngọc Linh. Sự thật của sự việc như thế nào?

Cuộc tìm kiếm "báu vật"…

Nhắc đến cây sâm Ngọc Linh, bác sĩ Sô Lây Tăng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Kon Tum, cho biết: Đồng bào Xêđăng sinh sống ở dãy núi Ngok Linh từ xa xưa đã tìm thấy nó, sử dụng để chữa trị một số bệnh tật, ngậm cho tăng lực khi đi rừng, vượt dốc cao và đặt tên là cây thuốc giấu, củ ngãi rợm con…

Thời chống Mỹ, thực hiện chủ trương Khu ủy Khu 5 dùng cây thuốc tại chỗ để chữa trị bệnh cho bộ đội và nhân dân, Ban dân y Khu 5 đã chỉ đạo điều tra dược liệu và người đầu tiên nhận định vùng núi Ngok Linh có nhân sâm là kỹ sư thực vật học Vũ Đức Minh.

Đến năm 1985, Hà Thị Dung, cán bộ Viện Sinh vật học Hà Nội cùng nhà khoa học Liên Xô, Viện Thực vật Komarov là I.V. Grushvitzky mới xác định nó là loài nhân sâm mới của thế giới lần đầu tiên gặp ở Việt Nam, đặt tên là Panax vietnamensis Ha et Gushv, Araliaceae…

Không để cây sâm Ngọc Linh tuyệt chủng!

Trao đổi với chúng tôi, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, giải thích: Hiện nay, Chính phủ đã phê duyệt và đầu tư kinh phí để thực hiện Dự án Bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh đến năm 2014, mở ra triển vọng phát triển cây sâm Ngọc Linh ở qui mô lớn, đáp ứng nhu cầu nội tiêu và hợp tác đầu tư với nước ngoài trong chế biến và xuất khẩu.

Vì vậy, UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo cho Sở Khoa học Công nghệ (KHCN) tỉnh phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ tư vấn thuộc Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) lập dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý cây sâm Ngọc Linh và đăng ký chủ trì thực hiện dự án với Bộ KHCN.

Ngày 17/8 vừa qua, UBND tỉnh Kon Tum đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam ủy quyền cho mình thực hiện đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý cây sâm Ngọc Linh theo qui định của Luật SHTT và Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ.

Trong thuyết minh dự án của Sở KHCN tỉnh Kon Tum cũng nêu, các kết quả khảo sát, nghiên cứu vùng sâm Ngọc Linh được phát hiện đầu tiên thuộc địa bàn các xã Măng Ri và Tê Xăng, rồi được di thực trồng tại các vùng khác trên núi Ngok Linh, vì vậy chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" dùng cho sản phẩm sâm củ đáp ứng đầy đủ điều kiện để được đăng ký bảo hộ.

Tỉnh Kon Tum đã đầu tư rất nhiều công sức, tiền của để bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh, bước đầu đã khôi phục lại vườn ươm giống có khả năng cung cấp giống mở rộng qui mô; giao cây sâm cho từng hộ gia đình trồng, chăm sóc…

Tại Quảng Nam, ở hướng Đông và Đông Nam núi Ngok Linh, có 16 vùng sâm mọc tại 3 xã: Trà Linh, Trà Nam và Trà Cang. Sau khi tái lập tỉnh, tỉnh Quảng Nam thành lập Trại Nuôi trồng và Phát triển dược liệu Trà Linh, mở rộng diện tích gieo ươm, trồng sâm giống, cung cấp giống cho đồng bào địa phương; đặc biệt hỗ trợ cho Kon Tum 35.000 cây con làm giống.

Những nỗ lực bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam cũng được Viện Dược liệu (Bộ Y tế) và tỉnh Kon Tum đánh giá cao. Do đó, ông Trần Minh Cả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, phúc đáp công văn của UBND tỉnh Kon Tum, cho rằng, việc quản lý chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm thuộc quyền sử dụng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh sâm của hai tỉnh; nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn về tính chất đặc thù của sản phẩm và điều kiện để sản xuất.

Việc UBND tỉnh Kon Tum đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam ủy quyền quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm Ngọc Linh là không phù hợp, đề nghị tỉnh Kon Tum chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan phối hợp với Quảng Nam để cùng thực hiện.

Và phía Sở KHCN tỉnh Quảng Nam lập thuyết minh cho dự án "Xây dựng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm Ngọc Linh tại tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum" đề nghị Sở KHCN tỉnh Kon Tum phối hợp thực hiện, nếu không sẽ thực hiện dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh - Quảng Nam!...

Hiện nay, ở Kon Tum, giá mỗi ký củ sâm Ngọc Linh tươi chỉ bằng ngón tay từ 17-25 triệu đồng; còn sâm khô giá mỗi ký 65 triệu đồng, nên bọn bất lương luôn tìm mọi cách xâm nhập núi Ngok Linh săn lùng, tìm kiếm, trộm cắp sâm của các trại giống…

Theo chúng tôi, cả hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam cần có biện pháp tối ưu nhất để bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh, không để nguồn dược liệu quí giá này bị tuyệt chủng

Long Vân
.
.
.