Sách lậu hoành hành

Thứ Sáu, 16/03/2007, 09:45
Chưa đầy một tháng đầu năm 2007, Đội Văn hóa thuộc Phòng An ninh - Văn hóa tư tưởng Công an Hà Nội (PA 25) đã liên tiếp phá vỡ 3 vụ làm sách lậu. Có vẻ như những biện pháp xử lý của cơ quan chức năng vẫn chưa đủ mạnh để những kẻ in sách lậu chùn tay.

Những vụ này, hầu hết tập trung gương mặt không còn là mới trong làng làm sách lậu. Tuy nhiên, từ đó cũng nhìn ra một vấn đề, đó là phương pháp quản lý của chúng ta và đặc biệt là hình thức xử lý các trường hợp đã vi phạm chưa đủ tính răn đe đối với việc làm sách lậu.

Bắt đầu từ vụ in sách lậu bị công an phát hiện những ngày cuối tháng 12/2006 tại cơ sở đóng sách sau in ở khu tập thể Bộ Tổng tham mưu, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Cơ sở này do ông Nguyễn Văn Thi làm chủ.

Tuy nhiên, ông Thi không phải là thủ phạm chính mà chỉ là người làm thuê lấy công. Với vai trò như vậy, song trước cơ quan pháp luật, ông Thi vẫn phải là người chịu trách nhiệm chính do Luật chỉ quy định đối với đối tượng thực hiện trực tiếp làm sách lậu như in ấn, đóng xén...

Còn thủ phạm chính lại không có quy định xử phạt. 6 đầu sách làm lậu tại cơ sở của ông Thi gồm: "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam", "Bí ẩn đời người và 12 con giáp", "Hỏi đáp về Luật giao thông đường bộ", "Giáo trình lý luận Nhà nước và pháp luật", "Vi tính thật là đơn giản", tập 1 và "Giáo trình Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam".

Theo ông Thi khai báo trước Cơ quan Công an, tất cả các đầu sách trên ông đều nhận được qua hợp đồng... miệng của một số người chuyên làm... xe ôm (!?). Trong khi đó những đầu nậu trực tiếp trả tiền công cho ông thì ông Thi lại chưa bao giờ biết mặt.

Ông chỉ biết một người tên là Điệp có số điện thoại 0953255689, một người tên Hưng, số điện thoại 0904282387 và người cuối cùng tên Thắng có cửa hàng ở số 1 đường Láng. Nhưng nói vậy, không có nghĩa ông Thi hoàn toàn vô tội.

Thực tế, ông Thi đã biết trước những cuốn sách thuê gia công của những người nói trên đều là sách lậu. Và ông Thi cũng đã có những “mánh khóe” để qua mắt các nhà chức trách nhằm bao che cho những ấn phẩm đó. Với giá gia công 1đồng/trang, ông Thi đã thuê hẳn một nhà cấp 4, cách cơ sở in không xa làm kho lưu giữ  những cuốn sách lậu, và mỗi lần gia công, ông chỉ chuyển một lượng ít sách  từ kho sang cơ sở đóng xén.

Hoàn thiện xong, ông lại chuyển số sách ấy đi ngay. Làm như vậy, theo ông Thi nếu chẳng may bị kiểm tra thì tội của ông cũng nhẹ đi do số lượng sách lậu cơ quan chức năng thu được chỉ chiếm số lượng không đáng kể. Với thủ đoạn của cả người trực tiếp lẫn gián tiếp làm sách lậu như trong vụ của ông Thi, có thể nói đã trở thành “công nghệ” chung của "cả làng" làm sách lậu.

Vụ sách lậu bị phá vỡ vào những ngày cuối tháng 1/2007 cũng vậy. Đó là cơ sở gia công sau in của ông Đào Xuân Quỳnh ở 48 Bạch Đằng, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, đã bị công an phát hiện  gia công 5 đầu sách không hợp pháp do không xuất trình được hợp đồng hoặc giấy tờ liên quan.

Tất cả số sách này hoặc ghi của Nhà xuất bản Văn học hoặc ghi Nhà xuất bản Phụ nữ nếu không thì ghi của Nhà xuất bản Đà Nẵng. Tuy nhiên, bên cạnh chi tiết cố gắng “hợp pháp” hóa như vậy thì có một đặc điểm rất mâu thuẫn và thể hiện rõ sự “giấu đầu hở đuôi” của những người làm sách trên là thời gian nộp lưu chiểu in trong sách hầu hết đều ghi năm 2002, 2003, 2004.

Trong khi thời điểm thu giữ số sách là năm 2007. Theo lời khai ban đầu của chủ cơ sở, khoảng 2.000kg thành phẩm của 5 đầu sách gia công nói trên đều không nhận trực tiếp với người thuê chính mà chỉ giao dịch qua điện thoại và trung gian.

Vụ làm sách lậu của cơ sở gia công hoàn thiện sau in của bà Nguyễn Thị Thanh ở số 8 khu tập thể 3/2, Phương Mai, Hà Nội cũng đầy đủ thủ đoạn của những người làm sách lậu. Vào 20h ngày 30/1/2007, Đội Văn hóa, PA25 phối hợp cùng Công an quận Đống Đa kiểm tra đột xuất cơ sở của bà Thanh và phát hiện 6.000 cuốn sách ở dạng bán thành phẩm lẫn thành phẩm đang được hoàn thiện sau in tại đây.

Số sách này gồm 8 đầu sách: "Các triều đại Việt Nam" ghi tên Nhà xuất bản Thanh niên, "Sách học tiếng Anh cấp tốc", ghi tên Nhà xuất bản Đồng Nai, "Cách dùng các thì tiếng Anh", ghi Nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh, "Headway Elementary và Pre-Intermadiate" ghi Nhà xuất bản Đà Nẵng và "Life Lines", ghi tên Nhà xuất bản Hải Phòng...

Trước Cơ quan Công an, bà Thanh khai 6.000 cuốn sách gia công sau in nói trên bà cũng chỉ nhận qua hợp đồng miệng với một người trung gian chứ ai là người trực tiếp trả tiền công thì bà không biết. Tuy "không biết" bất hợp pháp nhưng bà Thanh phải luôn chọn thời điểm gia công là tối đêm và vào ngày nghỉ.

Còn trong giờ hành chính, thời điểm mà cơ quan chức năng dễ dàng kiểm tra nhất thì bà Thanh bao giờ cũng gia công những ấn phẩm hợp pháp. Cũng cần phải nói lại rằng, bà Thanh đã từng bị Cơ quan Công an, Thanh tra Sở Văn hóa - thông tin Hà Nội kiểm tra và xử lý nhiều lần về việc gia công sách lậu.

Với những thủ đoạn làm sách lậu như trên, Cơ quan quản lý đặc biệt là Cơ quan Công an có biết rõ không? “Rất rõ từ chân tơ kẽ tóc, thậm chí đó là những “bài” quá quen thuộc đối với Cơ quan Công an”, Trung tá Nguyễn Tấn Ngọc, Đội trưởng Đội Văn hóa trả lời. Nhưng vấn đề là trên phương diện pháp luật chỉ có khung xử phạt đối với những người trực tiếp làm sách lậu. Còn những người làm gián tiếp cũng là thủ phạm thì bị xử lý quá nhẹ, thậm chí không xử phạt được.

Với hình thức xử phạt chỉ dừng ở mức độ hành chính, những người làm sách lậu sẵn sàng chịu phạt nếu bị bắt quả tang. Sau đó họ lại tiếp tục “ngựa quen đường cũ” do lợi  nhuận từ việc làm sách lậu cao. Cho nên mới có chuyện những người làm sách lậu kể cả trực tiếp và gián tiếp đều là những gương mặt không còn mới với cơ quan chức năng.

Ví dụ như trường hợp của D. “béo”. Đây có thể nói là ông trùm làm sách lậu tại Hà Nội, kể cả những vụ kể trên. Nhưng do Luật quy định như vậy mà D. “béo” vẫn nhởn nhơ thực hiện những vụ làm bất hợp pháp.

Như vậy, có thể hiểu với việc chưa đề ra cách quản lý phù hợp, Luật định còn lỏng lẻo và chưa nghiêm khắc, nạn làm sách lậu sẽ tiếp tục còn hoành hành và đương nhiên người chịu thiệt thòi đầu tiên và lâu dài nhất phải kể đến đó là bạn đọc!

T.Anh
.
.
.