Sa Thầy với di họa chiến tranh

Chủ Nhật, 12/11/2006, 08:27

Theo một thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện Sa Thầy có hơn 200 bà mẹ sinh con dị tật - trong đó có những đứa trẻ mới 11 tuổi mà đã bị ung thư. Nặng nề nhất là xã Sa Nghĩa, nằm ở cuối nguồn nước của những con suối đổ về sông Sê San và sông Sa Thầy.

Đúng 6h sáng ngày 23/10/2006, 27 bác sĩ thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam - dioxin Việt Nam và Hội Từ thiện Ngọc Tâm, do bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam - dioxin Việt Nam dẫn đầu, rời thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum để lên đường lên huyện biên giới Sa Thầy.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho biết: “Mục tiêu chính của chuyến công tác này là lấy mô mỡ của 60 phụ nữ sống trong những vùng trước đây bị ảnh hưởng của chất dioxin, rồi gửi sang Cộng hòa Liên bang Đức làm xét nghiệm, nhằm đánh giá lượng tồn dư dioxin trong cơ thể, để có hướng phòng và ngăn ngừa hậu quả”. Bên cạnh đó, đoàn còn khám và điều trị miễn phí các bệnh phụ khoa, tặng quà cho 600 chị em phụ nữ và 100 trẻ em  người dân tộc.

Để có cái nhìn chính xác, bác sĩ Nguyễn Hữu Thâm, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy đã đưa chúng tôi lên xã Rờ Kơi. Mặc dù chiến tranh trôi qua đã hơn 30 năm, nhưng từ đỉnh đến chân các ngọn đồi tại đây, vẫn chỉ là lau lách cùng những bụi cỏ dại lúp xúp khác hẳn với phần phía đông rừng già xanh tốt.

Chất dioxin ngấm trong lòng đất, cứ từ từ theo nước mưa chảy xuống các con suối, xuôi về xã Sa Nghĩa nên chẳng lấy làm lạ khi số bà mẹ ở Sa Nghĩa sinh con dị tật chiếm 1/3 tổng số toàn huyện.

Ông Y Gin, trong chiến tranh là đại úy bộ đội địa phương - người đã chỉ bằng 3 viên đạn AK, bắn rơi 1 trực thăng UH1B, khiến 12 lính Mỹ và 2 phi công thiệt mạng, nói: “Ba năm 1966, 1967, 1968, có những buổi sáng sớm, sương mù chưa tan thì một tốp máy bay 2 chiếc, bay rất thấp, phun ra những luồng khói trắng đục. Lúc đầu chỉ nghĩ nó phun khói ngụy trang để đổ quân, nên du kích, bộ đội, bám công sự sẵn sàng chiến đấu. Một lát, ai cũng thấy cay mắt, khó thở, tức ngực... Vài ngày sau, lá cây trên các ngọn đồi - kể cả cỏ, bắt đầu héo vàng, rồi rụng".

Suốt chiều dài 12km tính từ đồi Charlie đến xã Sa Nghĩa, bây giờ nhìn vẫn thông thống tầm mắt. Bà Y Pui, có con trai tên là A Doa (người Gia Rai con gái mang họ Y, con trai họ A), bị dị tật vùng hàm mặt, kể: “Lúc nó phun thuốc là lúc mình mang thai A Doa được 1 tháng. Cái nước dưới suối uống cũng có mùi cay, cái rau trên rừng, củ khoai môn ăn cũng đắng”.

Đứa con trai sinh ra với một khối u lớn ở ngay góc hàm. Nhiều bà con trong chiến tranh đã bỏ làng, chạy dạt sang những vùng khác để tránh bom đạn. Sau giải phóng, họ quay về quê cũ khôi phục ruộng nương nhưng nhiều người vẫn chịu hậu quả bi đát của chất dioxin. Một gia đình có 2, 3 đứa con dị tật là điều... "bình thường"! Hơn 30 năm trôi qua, thế mà cây cỏ mọc hai bên bờ suối vẫn quặt quẹo, nước suối trong vắt nhưng chẳng có bóng dáng một con cá...

Sa Thầy trước đây là trọng điểm về an ninh của tỉnh Kon Tum. Sau giải phóng, tàn quân Fulro vẫn lét lút hoạt động. Khi các cơ quan chức năng bóc gỡ toàn bộ mạng lưới của chúng, đồng thời kêu gọi những người lầm đường, lạc lối trở về với gia đình, bản làng, thì tình hình an ninh trật tự mới chuyển biến tốt.

Có thể nói đời sống của bà con người dân tộc ở tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Sa Thầy nói riêng, đã thay đổi rất nhiều. Nạn du canh du cư hoàn toàn chấm dứt, bà con trồng khoai mì bán cho những nhà máy chế biến tinh bột, mỗi hécta có giá từ 13 đến 15 triệu đồng - trong lúc một chiếc xe gắn máy chỉ có 7 triệu đồng, nên nhà nào cũng có xe, thậm chí có nhà 3-4 chiếc.

Xe nhiều, nên cũng nảy sinh nhiều bất cập. Trước cổng chợ huyện Sa Thầy, tôi chứng kiến một cảnh sát giao thông ra hiệu cho chiếc xe gắn máy vi phạm lỗi chở 4 người dừng lại. Anh thanh niên lái xe người dân tộc cười hồn nhiên: “Cái xe nó chở được bao nhiêu thì mình chở bấy nhiêu chứ. Nhưng xe mình yếu lắm, xe thằng A Hiu chở được 5 người cơ”.

Một cán bộ cảnh sát giao thông cho biết: “Huyện đã triển khai nhiều đợt tuyên truyền, vận động, tổ chức nhiều lớp học luật giao thông đến tận từng làng nhưng khi vi phạm, có bà con lại viện lý do là không... hiểu tiếng Kinh”.

Khoai mì trồng không tốn nhiều công chăm sóc, bán giá lại cao nên gần như 100% hộ đồng bào dân tộc sắm được tivi, 50% có máy kéo gắn rơ-moóc. Nhưng vẫn còn một bộ phận nhỏ - trong gia đình có người vượt biên, sang định cư ở Mỹ rồi gửi tiền về nên họ ít nhiều sinh ra tâm lý ỷ lại, trông chờ, hoặc tìm cách chạy sang Campuchia với hy vọng cũng sẽ được đi định cư ở Mỹ, nên vô tình tạo điều kiện để tổ chức phản động “Nhà nước Đềga” của Ksor Kơk tuyên truyền, xuyên tạc, rằng chính quyền đối xử chưa công bằng với đồng bào dân tộc.

Tại một số làng, bà con chỉ cho chúng tôi biết nhà nào mỗi tháng nhận được năm, bảy chục USD, nhà nào nhận được một, hai trăm USD. Những gia đình ấy liên tục tổ chức ăn nhậu, lắm cuộc nhậu kéo dài 2, 3 ngày. Khi hết tiền, họ bán khoai mì non với giá rẻ - chỉ khoảng 3 hoặc 4 triệu đồng/hécta để lấy tiền nhậu tiếp, hoặc cho “thuê” đất.

Anh A Ginh - người dân tộc Gia Rai giải thích: “Đất cấp cho họ, họ không làm. Họ cho người khác thuê một năm lấy vài triệu đồng”. Có những gia đình được cấp phân bón để canh tác, khi xe chở phân đến nơi, và cán bộ nông nghiệp bàn giao xong, họ bán luôn cho tài xế. Trung tá Lê Dinh Sơn Phó Công an huyện Sa Thầy, nói: “Xe chở 5 tấn phân vào, quay ra vẫn còn 3 tấn”.--PageBreak--

Lại có gia đình được cấp bò để chăn nuôi, nhưng sử dụng không đúng mục đích. Hỏi họ, họ trả lời: “Bệnh chết rồi”. Và từ năm 2001 đến 2005, Sa Thầy rộ lên chuyện vượt biên trái phép sang Campuchia. Trung tá Lêâ Dinh Sơn, cho biết: “Vượt biên do 2 nguyên nhân. Một là nghe theo lời kích động, xúi giục của bọn phản động Ksor Kơk bên Mỹ; hai là kinh tế một số gia đình cũng còn ít nhiều khó khăn, do họ có phần ỷ lại sự giúp đỡ từ bên ngoài, thiếu chủ động tổ chức sản xuất".

Chính vì thế, Lực lượng Công an huyện Sa Thầy có lẽ là một trong những đơn vị vất vả nhất nước. Anh em trinh sát hầu như không hề biết ngày chủ nhật nghỉ ngơi với gia đình là thế nào. Họ liên tục bám đất, bám dân, làm công tác dân vận. Có những làng trong một xã, nằm cách xa nhau năm bảy cây số, xe gắn máy chưa vào được thì phải đi bộ.

Nhiều cán bộ chẳng những nói thạo tiếng Gia Rai, mà còn thạo cả tiếng Ba Na, tiếng H'Lang, am hiểu phong tục, tập quán của bà con dân tộc chẳng khác gì người địa phương nên được bà con tin yêu, đùm bọc. Kết quả của những việc này là người dân đã chủ động báo cho Cơ quan Công an hành vi hoạt động của kẻ xấu, giúp Công an huyện ngăn chặn nhiều vụ âm mưu vượt biên.

Một cán bộ trinh sát kể: “Người vượt biên thường từ huyện Sa Thầy sang huyện Ia D'rai, rồi từ đó qua Campuchia. Thấy họ đi, mình hỏi thì họ nói họ đi thăm bạn bè, hoặc đi làm rẫy...”. Nhiều người vượt biên sang Campuchia, chờ mãi chẳng thấy... ai đến đón, vừa đói, vừa bệnh tật, họ lại dắt díu nhau quay về. Vậy là Công an huyện cùng các ngành chức năng, một mặt tổ chức đón tiếp, mặt khác tạo điều kiện cho họ trở lại với cuộc sống bình thường bằng việc chữa bệnh, cấp cây, con giống, phân bón, gạo ăn, công cụ sản xuất.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Thâm cho biết thêm: “Bình thường, khi ốm đau, bệnh tật, bà con có thẻ bảo hiểm y tế, ngoài thuốc men miễn phí, mỗi người nằm viện còn được cấp 12 nghìn đồng tiền ăn/ngày, trong đó có 5 nghìn đồng do Chính phủ Thụy Điển tài trợ. Riêng với bà con nhẹ dạ nghe theo lời bọn xấu vượt biên, chúng tôi có chế độ chăm sóc đặc biệt”.

Chị Y Ding, một trong những người trước kia vượt biên, được các bác sĩ thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam - dioxin Việt Nam siêu âm, khám bệnh, cấp thuốc, được Hội Từ thiện Ngọc Tâm tặng quà, đã không giấu được xúc động: “Cái bụng mình không biết nói gì. Mình làm sai mà cán bộ không ghét mình, mình mang ơn lắm”.

Anh Ksor Krai, cũng là người đã từng nghe theo lời xúi giục, bỏ làng ra đi, tâm sự: “Khi mình về, không ai bắt mình, giam mình hết. Cán bộ chỉ gặp mình, khuyên mình đừng nghe lời bọn xấu. Bây giờ, mình lo làm ăn thôi. Mấy nhà chung quanh mình ai cũng giàu hết rồi”.

* * *

Địa điểm thứ hai - và cũng là nơi mà Hội Nạn nhân chất độc da cam - dioxin Việt Nam và Hội Từ thiện Ngọc Tâm dừng chân là xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, để khảo sát, khám, chữa bệnh, tặng quà cho 650 phụ nữ cùng 100 trẻ em.

Hai chị em Tuyết Mận bị nhiễm chất độc dioxin.

Trong chiến tranh, sân bay Phù Cát là nơi tập trung chất khai quang để đem đi rải, nên số bà mẹ sinh con dị tật ở Tuy Phước là 780 người trong tổng số 189 nghìn dân. Tại xã Phước Hưng, chúng tôi đến gia đình anh Đinh Văn Thái, có 3 người con bị di chứng của chất dioxin mà hiện tại chỉ 2 người còn sống.

Anh Thái kể: “Sau giải phóng, tôi tham gia công tác thanh niên, đi khai hoang, đi làm hồ thủy lợi. Và vì không biết nên tôi cùng nhiều người khác, tiếp xúc với chất độc do máy bay Mỹ thả, còn sót lại”. Những nơi mà anh Thái đến cũng chính là những điểm nằm trên bản đồ rải chất da cam của quân đội Mỹ. Khi lập gia đình, đứa con gái đầu lòng của anh là Đinh Thị Tuyết, sinh ra không có mắt (Tuyết năm nay đã 30 tuổi). Đứa con thứ hai cũng không có mắt - chết khi lên 5 tuổi, còn đứa thứ ba, Đinh Thị Thúy Mận, năm nay 26 tuổi, cũng không có mắt. Nghe hai chị em Tuyết, Mận nói về công việc nhà cửa, đồng áng như những người bình thường, chúng tôi không khỏi nao lòng.

Tiến hành thăm khám, bác sĩ Ngọc Phượng phát hiện cả hai chị em đều có nhãn cầu nhưng chưa rõ nhãn cầu phát triển ra sao, hoạt động thế nào vì bị da che kín. Sau khi hội ý, PV Chuyên đề ANTG đã điện thoại tới bác sĩ Thái Thành Nam, Giám đốc Bệnh viện Mắt Sài Gòn và bác sĩ Nam đã nhiệt tình nhận lời, mổ miễn phí hoàn toàn, trước hết là cho Đinh Thị Tuyết. Nghe được tin này, Tuyết xúc động: “Chỉ cần con biết phân biệt sáng, tối là hạnh phúc lắm rồi”.

Những người cùng tham gia công tác khai hoang, làm hồ thủy lợi với anh Thái ngày ấy, nay ở gần nhà là anh Năm Phương, có 1 con dị tật; anh Ba Đức, anh Năm Ngọc mỗi người cũng có 1 con bị dị tật. Và dù có biện minh, tránh né thế nào chăng nữa, tất cả những điều này đã là bằng chứng không thể chối cãi về hậu quả của chất dioxin mà quân đội Mỹ gieo rắc ở Việt Nam

Vũ Cao
.
.
.