Rừng sưa núi Cấm trong "cơn sốt" gỗ sưa

Chủ Nhật, 27/09/2009, 08:04
Thông tin về những cây sưa liên tục bị kẻ xấu đốn hạ trong nội thành Hà Nội khiến rừng sưa núi Cấm càng được người dân Thi Sơn quản lý nghiêm ngặt hơn. Hằng ngày, luôn có 5 người lính già trong Ban Quản lý di tích thay nhau tuần tra quanh núi để bảo vệ. Công việc buổi tối được giao cho 16 Công an viên của xã cùng một số cán bộ, chiến sĩ Công an huyện...

Khu vực núi Cấm ở làng Quyển Sơn (xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam) chỉ rộng khoảng gần 1,5ha, trong lòng núi không chứa kho vàng hầm bạc nào, nhưng thời gian gần đây đang được lực lượng Công an huyện, xã, Hội Cựu chiến binh xã và người dân địa phương bảo vệ một cách cực kỳ cẩn mật, suốt 24/24 giờ. Một phần vì cái tên núi Cấm gắn liền với những truyền thuyết, tâm linh, nhưng lý do chính vẫn là vì trên núi có rất nhiều cây gỗ sưa quý hiếm, đối tượng đang bị bọn trộm cắp truy lùng ráo riết và dùng nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt.

Kho báu trong rừng Cấm

Những cây sưa trên núi Cấm chỉ nằm cách Hà Nội khoảng 70km, cách quốc lộ 1A khoảng 7km, và dù đã có "giấy thông hành" từ cấp tỉnh xuống, nhưng chúng tôi vẫn không dễ gì tiếp cận được với loài cây quý. Hầu như ít có cán bộ hay người dân địa phương nào muốn nói chuyện với khách lạ về cây gỗ sưa, nhất là những cây sưa trên núi Cấm.

Anh Đinh Văn Tuyến: "Gốc cây sưa này đã bị bọn trộm đánh dấu".

Thận trọng dẫn chúng tôi vạch cây cỏ rậm chằng chịt để vào rừng, anh Đinh Văn Tuyến, Phó trưởng Công an xã Thi Sơn, chậm rãi cho biết: "Từ ngàn năm nay, người dân địa phương đã coi núi Cấm là nơi tâm linh rất thiêng liêng, bất khả xâm phạm từ cành cây khô, ngọn cỏ dại, nên tất cả các loài cây trên núi Cấm đều được bảo vệ nghiêm. Gần đây, việc bảo vệ núi càng nghiêm ngặt hơn, do đám trộm cướp bị lợi nhuận lớn làm mờ mắt, coi thường tục lệ và luật pháp, đêm ngày nhòm ngó những cây sưa trên núi".

Thực ra thì sự tồn tại của cây sưa trên núi Cấm cũng mới được phát hiện gần đây, do một sự tình cờ. Mùa xuân năm 2006, có người khách du lịch sau khi trèo lên núi Cấm về thì đến cảnh báo với UBND xã Thi Sơn "nên quan tâm quản lý những cây sưa có rất nhiều trên núi".

Bao năm nay, người dân Thi Sơn chỉ để ý tới những vạt rừng nở hoa trắng muốt suốt gần một tháng, và nghĩ đó là hoa trắc, chứ chẳng hề nghĩ đó là cây sưa (hay huê mộc vàng, hoàng đàn, trắc thối, Dalbergia Tonkinensis Prain…) đang có giá trị "tiền tỉ" trên thị trường.

Lãnh đạo UBND xã liền âm thầm tiến hành kiểm tra kỹ càng, thậm chí đợi mùa quả rụng, nhặt lấy những mẫu lá và quả trên núi để đi đối chứng cho thật chắc chắn. Sự tồn tại của rừng sưa núi Cấm được xác nhận, báo cáo cấp trên và giữ kín thông tin nhằm bảo vệ rừng sưa. Ngay sau đó, toàn bộ khu rừng sưa và di tích núi Cấm được cắm mốc chỉ giới cấm mọi tổ chức, cá nhân xâm phạm. Những người lấy củi khô, cắt cỏ trên núi để làm chất đốt cũng bị cấm. Thậm chí, ngọn núi vốn chỉ đứng độc lập giữa đồng bằng này cũng được kiến nghị Chi cục Kiểm lâm Hà Nam đưa vào danh sách rừng phòng hộ đầu nguồn cần bảo vệ nghiêm ngặt.

Cựu chiến binh Nguyễn Trung Thành, Đội trưởng Đội Quản lý Quần thể khu di tích Đền Trúc - Ngũ Động Sơn cho biết: "Ngoài những biện pháp quản lý hành chính, những yếu tố linh thiêng của núi Cấm cũng góp phần lớn trong việc bảo vệ cây sưa. Sự linh ứng của núi Cấm dẫu chưa được kiểm chứng, nhưng luôn được người già trong vùng truyền lại cho con cháu, như câu chuyện "trâu lên núi ăn cỏ cây thì về trương bụng mà chết, người lên núi đốn củi bẻ cành thì bị đá lăn, cây đổ lên người". Dù nằm giữa khu dân cư đông đúc, ngay gần quốc lộ, nhưng thảm thực vật của núi Cấm hiện vẫn còn khá dày và nguyên sơ".

Ngoài yếu tố tâm linh, là tinh thần trách nhiệm

Vậy nhưng, đến giữa năm 2007, một vài cây sưa nhỏ bị đốn hạ và những cây sưa lớn trên núi Cấm bị lâm tặc đánh dấu bằng những vết chém, đục loang lổ vào thân cây. Thông tin về những cây sưa liên tục bị kẻ xấu đốn hạ trong nội thành Hà Nội khiến rừng sưa núi Cấm càng được người dân Thi Sơn quản lý nghiêm ngặt hơn. Hằng ngày, luôn có 5 người lính già trong Ban Quản lý di tích thay nhau tuần tra quanh núi để bảo vệ. Công việc buổi tối được giao cho 16 Công an viên của xã cùng một số cán bộ, chiến sĩ Công an huyện tăng cường, thay nhau túc trực ở rừng để canh gác.

"Muỗi thì nhiều như ong, như trấu vãi thế này mà anh em cứ phải ôm gốc cây sưa ngồi thu lu trong rừng tối, không dám châm điếu thuốc, không dám rời vị trí. Có nhiều đêm thức thấu sáng, hôm nào về sớm thì cũng nửa đêm gà gáy. Đêm nào tạnh ráo còn đỡ, đêm nào mưa thì cũng chỉ thêm cái áo mưa. Suốt mấy tháng trời ròng rã như thế, cảm giác như đi ngủ mà một mắt vẫn mở để nhìn rừng..."- Anh Tuyến cho biết thêm.

Các cựu chiến binh xã Thi Sơn đang đi tuần rừng.

Thượng tá Đoàn Xuân Khánh, Phó trưởng Công an huyện Kim Bảng cho biết: "Khi biết bọn trộm gỗ sưa bắt đầu hoạt động nóng trở lại, chúng tôi đã có văn bản thông báo gửi tới tất cả các điểm có cây sưa trên địa bàn huyện, để chính quyền và nhân dân cùng cảnh giác, tăng cường bảo vệ. Tại những địa điểm có các cây sưa cổ thụ như ở đình làng xã Nhật Tân, ở thôn Vân Lâm (thị trấn Quế), thôn Phương Lâm (xã Đồng Hóa)… đều liên tục có các cán bộ, chiến sĩ tuần tra, bảo vệ ngày đêm”. Bên cạnh công tác phòng ngừa, việc đấu tranh với loại tội phạm mới này cũng được lực lượng Công an triển khai quyết liệt.

Trung tá Phạm Thanh Khiết, Đội trưởng Đội ĐTTP về TTXH (Công an huyện Kim Bảng) cho biết thêm: “Trong năm nay, trên địa bàn huyện mới xảy ra một vụ cưa trộm cây sưa duy nhất, tại chùa Bà Đanh (xã Ngọc Sơn) vào đêm ngày 6, rạng ngày 7/8. Chỉ trong một ngày, chúng tôi đã xác định được 8 đối tượng ở địa phương và Hà Nội câu kết với nhau, dùng 2 cưa, 3 dao để trộm cây sưa có đường kính 35cm này”. Các đối tượng Nguyễn Văn Lĩnh (23 tuổi), Đào Xuân Dục (21 tuổi), Hoàng Văn Cường (22 tuổi), Hoàng Văn Dương (18 tuổi)…, đều còn khá trẻ, khai nhận trộm gỗ sưa để bán do thiếu tiền chơi game…

Núi Cấm (còn gọi là Cuốn Sơn, Quyển Sơn) nằm trong quần thể khu di tích Đền Trúc - Ngũ Động Sơn là thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Hà Nam, đã được Bộ Văn hóa thông tin (cũ) công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia từ năm 2004.

Thời xưa, Thái úy Lý Thường Kiệt có lần dẫn quân đi đánh dẹp phương Nam, khi đoàn chiến thuyền theo sông Đáy đến đây thì bị một trận gió lớn cuốn lá cờ súy lên đỉnh núi, nên đặt tên núi là Cuốn Sơn (Quyển Sơn). Ông cũng khuyên người dân nên giữ gìn thắng cảnh Cuốn Sơn hoa thơm cỏ lạ, núi sông hữu tình, nên khi nhân dân lập đền thờ người anh hùng dân tộc, thì nhớ lời dặn đó, bèn gọi Cuốn Sơn là núi Cấm. Nhưng trước "cơn sốt" gỗ sưa có thể làm nhiều kẻ gian mờ mắt vì lợi nhuận, ngoài yếu tố tâm linh, rất cần tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa của chính quyền và nhân dân địa phương

Lê Quân
.
.
.