Rừng phòng hộ biến thành trang trại tư nhân

Thứ Bảy, 24/12/2011, 13:02
Gần 10ha rừng phòng hộ thuộc địa bàn hai thôn Thanh Lộc và Tân An, xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc bị phá hoại bởi một DNTN. Không chỉ có vậy, DN này còn cho máy móc xẻ núi làm đường, xây hàng rào bê tông, chăn nuôi động vật hoang dã gây ô nhiễm môi trường. Điều đáng nói là những sai phạm trên bị phát hiện từ năm 2007, nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm làm người dân hết sức bất bình.

Ngày 20/12/2011, khi chúng tôi có mặt tại khu vực rừng phòng hộ Đá Bia thuộc xã Ngọc Thanh để tìm hiểu thông tin, đã bị lực lượng bảo vệ của Doanh nghiệp Duy Thông ngăn cản, thách thức dù lúc đó có 2 đồng chí Công an xã Ngọc Thanh đi cùng. Phải nhờ đến một cuộc điện thoại cho cơ quan chức năng, chúng tôi mới có thể tiếp tục tác nghiệp.

Cuối năm 2006, ông Dương Văn Trần, Giám đốc Doanh nghiệp Duy Thông trụ sở tại xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên có đứng ra làm tờ trình và được các cơ quan chức năng cho phép thực hiện dự án: “Nông, lâm kết hợp chăn nuôi sinh sản động vật hoang dã thông thường có nguồn gốc hợp pháp”.

Cũng trong năm 2006, doanh nghiệp này có Văn bản số 16/CV-HC “Xin cho phép xây dựng hàng rào và chăn nuôi thú” tại khoảnh 1 khu Đá Bia gửi Hạt Kiểm lâm thị xã Phúc Yên và UBND xã Ngọc Thanh, xin khoanh nuôi 86,7ha và xây tường rào 116,9ha với chiều cao 2m. Việc làm này rõ ràng có ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tự nhiên và liên quan đến việc phá rừng phòng hộ, nên UBND xã Ngọc Thanh và Hạt Kiểm lâm thị xã Phúc Yên đã không chấp thuận.

Ảnh 1: Nhiều khu rừng phòng hộ tại xã Ngọc Thanh bị tàn phá nghiêm trọng.

Mặc dù vậy năm 2007, Doanh nghiệp Duy Thông vẫn tiến hành cho máy móc mở đường, san ủi hơn 6ha, xây dựng hàng rào, đóng cọc, quây lưới bảo vệ. Kết quả là nhiều diện tích rừng phòng hộ biến mất, thay vào đó là một con đường lớn. Không chỉ có vậy, theo tố cáo của người dân, việc chăn nuôi động vật hoang dã của doanh nghiệp này đã gây ô nhiễm đến nguồn nước sinh hoạt của người dân trong xã, nhiều giếng nước của bà con nhân dân có hiện tượng nổi váng từ khi doanh nghiệp bắt đầu hoạt động.

Nhân dân sống tại địa bàn hai thôn Thanh Lộc và Tân An rất bất bình với những hành vi sai trái của Doanh nghiệp Duy Thông, đã nhiều lần gửi đơn lên các cơ quan có thẩm quyền nhưng đến nay những sai phạm của doanh nghiệp này vẫn chưa bị xử lý.

Ông Phó Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh cho biết: “Tính đến ngày 24/11/2011, diện tích rừng bị phá mà chúng tôi kiểm tra được là 6,513ha, cộng với diện tích bị phá trước đó vào tháng 1/2010 là hơn 3ha”. Như vậy tổng diện tích rừng phòng hộ mà Doanh nghiệp Duy Thông đã phá từ năm 2007 đến nay là gần 10ha. Cũng theo ông Long, chính quyền xã đã nhiều lần mời ông Dương Văn Trần đến UBND xã làm việc về vấn đề trên nhưng giám đốc này không chấp hành, trái lại còn ngang nhiên đốt rừng nhiều lần, gần đây nhất là vụ đốt rừng ngày 22/11/2011, xóa sổ 2,5ha rừng thuộc khoảnh 1, Đại Lộc.

Ông Nguyễn Tiến Thông, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Phúc Yên khi được hỏi về việc này thì nói: “Chúng tôi chưa có bằng chứng rõ ràng về việc doanh nghiệp Duy Thông phá rừng”!?

Ảnh 2: Việc chăn nuôi lợn rừng gây ô nhiễm suối nước đầu nguồn và nguồn nước sinh hoạt của người dân trong khu vực.

Trong Văn bản số 26/KLPY-BC ngày 24/11/2011 của Hạt Kiểm lâm thị xã Phúc Yên báo cáo lên Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Phúc và UBND thị xã Phúc Yên về việc “tình hình chặt phá rừng, san ủi đất rừng” có ghi: “khu vực chặt cây rừng có diện tích khoảng 2,5ha… tại hiện trường có hiện tượng chặt, phát luỗng thực bì, nứa sặt dưới tán cây rừng tự nhiên, không chặt cây gỗ to”.

Số diện tích rừng bị chặt được thống kê trong báo cáo này là 2,5ha đã không khớp với số liệu mà UBND xã Ngọc Thanh cung cấp cho phóng viên là 6,513ha. Và thực tế tại hiện trường, theo quan sát của chúng tôi, nhiều cây có đường kính gốc từ 15cm đã bị đốn hạ.

Về phía UBND thị xã Phúc Yên, được biết Chủ tịch UBND thị xã đã có công văn giao cho Công an thị xã Phúc Yên phải tiến hành kiểm tra, thẩm định mức độ thiệt hại của khu vực rừng phòng hộ xã Ngọc Thanh mà Doanh nghiệp Duy Thông đã phá, và báo cáo lên UBND thị xã trong tháng 12/2011. Các cấp có thẩm quyền ở thị xã Phúc Yên và tỉnh Vĩnh Phúc cần nhanh chóng có biện pháp xử lý, đảm bảo môi trường sống cho người dân cũng như khu vực rừng phòng hộ quốc gia

Huyền Sim
.
.
.