Rùng mình những chuyến đò tử thần

Thứ Sáu, 03/02/2012, 11:07
Theo quy định, mỗi chuyến vượt sông, đò chỉ được chở tối đa 12 người, nhưng thực tế cho thấy chuyến đò nào thuộc bến đò Sa Tân Miếu (TP HCM) cũng chở hơn 20 người. Có chuyến đò người ngồi chen chúc nhốn nháo. Khi đò lao ra giữa sông, bị sóng đánh tròng trành, nhiều bận con đò ngả nghiêng như muốn lật úp.

Như đường sắt và đường bộ, nhiều năm qua, an toàn giao thông đường thủy tại TP Hồ Chí Minh tồn tại nhiều bất cập, là cội nguồn dẫn đến những nguy cơ tai nạn giao thông chết người. Điều này được thể hiện rõ qua những chuyến đò đưa khách rời bến bãi đến thăm chùa Phước Long (còn gọi chùa Châu Đốc III, quận 9) và miếu Phù Châu (quận Gò Vấp). Mỗi ngày đưa đón hàng ngàn lượt người đến thăm viếng chùa miếu, những chuyến đò nơi này luôn thường trực bóng dáng tử thần vì người điều khiển phương tiện phớt lờ những nguyên tắc an toàn đã được pháp luật quy định.

Như nhiều ngôi chùa lớn ở TP Hồ Chí Minh, những ngày đầu xuân dòng người đổ đến miếu Phù Châu đông nườm nượp. Đây là ngôi cổ miếu hình thành cách đây gần 200 năm, được xây dựng qua nhiều đời và hoạt động dưới sự điều hành của ban cố vấn, ban trị sự người Hoa. Miếu nằm biệt lập giữa dòng sông Bến Cát, một nhánh rẽ của sông Sài Gòn. Để đến được miếu, khách nhàn du buộc phải đi qua Sa Tân Miếu – một ngôi miếu nhỏ thờ Thánh Mẫu nương nương, Bà Chúa Xứ, Đường Tam Tạng, Quan Công… Sau khi qua cây cầu gỗ dài khoảng 100m dẫn ra bến sông, từ đây khách lên đò ngược dòng gần 10 phút để đến được chốn thiêng đặng gửi gắm những ước mong công danh, tài lộc.

Áo phao trên những chuyến đò của HTX đò khách Phước Bình Mỹ để cho có lệ.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như những chuyến đò ngang đò dọc thuộc bến đò Sa Tân Miếu đưa khách sang sông được an toàn. Hòa cùng dòng người vượt sông viếng miếu, chúng tôi không thể không rùng mình khi mục kích những chuyến đò tử thần mang trên đó biết bao sinh mạng mà kể từ lúc đặt chân xuống đò, sự sống của cả thảy họ cứ như chỉ mành treo chuông. Theo quy định, mỗi chuyến vượt sông, đò chỉ được chở tối đa 12 người, nhưng thực tế cho thấy chuyến đò nào cũng chở hơn 20 người. Có chuyến đò người ngồi  chen chúc nhốn nháo. Khi đò lao ra giữa sông, bị sóng đánh tròng trành, nhiều bận con đò ngả nghiêng như muốn lật úp.

Và cũng theo quy định, hành khách khi đi đò phải mặc áo phao. Nhưng 100% khách xuống bến đò Sa Tân Miếu đều không được người điều khiển phương tiện quan tâm đến điều này. Để kịp quay vòng rước khách, nhà đò chỉ lo việc lùa khách xuống đò, phóng hết tốc lực… Lỡ chân bước xuống không thể bước lên, nhiều người chỉ biết bấm bụng cầu trời khấn Phật mong được đi đến nơi về đến chốn!

Tại bến đò của HTX đò khách Phước Bình Mỹ (quận 9), hàng ngàn lượt khách qua lại chùa Phước Long mỗi ngày qua những chuyến đò vượt sông Đồng Nai cũng đối mặt với nguy cơ thuỷ thần rình rập. Sông rộng, nhiều phương tiện tàu thuyền có tải trọng lớn ngược xuôi, dòng nước chảy xiết… nên Khu đường sông TP Hồ Chí Minh cũng quy định khách đi đò buộc phải mặc áo phao để bảo vệ tính mạng nhỡ chẳng may đò bị va đập, bị sóng đánh chìm. Nhưng áo phao chỉ để cho có lệ. Nhiều khách đi đò âu lo yêu cầu được mặc áo phao thì phía nhà đò phớt lờ, có khi còn mắng khách không đi thì xuống…!

Thời gian qua, tại nhiều địa phương trong cả nước, những vụ tai nạn giao thông đường thủy luôn để lại hậu quả nghiêm trọng với nhiều người chết thảm. Và với kiểu phớt lờ sinh mạng người khác của các chủ đò kể trên, nếu không được cơ quan chức năng sớm chấn chỉnh, e rằng bi kịch chết người chỉ là chuyện sớm muộn!

T.Dũng
.
.
.