Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa bị tàn phá do đâu?

Thứ Năm, 30/10/2014, 10:59
Ngay sau khi cơ quan chức năng phát hiện, tịch thu hàng trăm phách gỗ quý (kiền kiền, gõ), với tổng khối lượng hơn 33m3 do “lâm tặc” khai thác trái phép cất giấu tại rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa (Đà Nẵng), UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp cơ quan liên quan xác minh làm rõ, đồng thời tiến hành khởi tố vụ án phá rừng nghiêm trọng này, Bởi vì, đây là vụ số lượng gỗ quý bị chặt hạ nhiều nhất kể từ trước đến nay trên lâm phận Đà Nẵng…

Từ  ngày 17/10 đến nay, Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng phối hợp với Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa liêp tiếp mở các đợt kiểm tra, kiểm soát quy mô lớn tại khu vực giáp ranh với huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Qua đó, đã xác minh 66 phách gỗ kiền kiền (14,366m3) tại khoảnh 5, tiểu khu 37 rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa do “lâm tặc” khai thác tại tiểu khu 33, cách đó 5-6 cây số, vận chuyển về  cất giấu sát đường cúp, chờ ôtô đến chở về xuôi tiêu thụ.

Thủ đoạn vận chuyển gỗ trong rừng của “lâm tặc” là trượt theo đường máng xuống thượng nguồn sông Nam, xuôi theo dòng sông này, đến tiểu khu 37, sử dụng tời chạy bằng máy nổ kéo lên đưa đi cất giấu. Tại khoảnh 1,2 tiểu khu 33, lực lượng chức năng phát hiện 38 cây kiền kiền, đường kính từ 35-76cm bị chặt hạ, trơ gốc, gỗ đã chuyển đi hết. Ngoài ra, khá nhiều cây gỗ to không phải kiền kiền tại tiểu khu 37 cũng bị đốn hạ không thương tiếc.

Có thể nói, “lâm tặc” đã làm mưa làm gió tại khu vực giàu tài nguyên lâm sản nhất của rừng Đà Nẵng. Hành vi phá rừng của chúng rất chuyên nghiệp. Theo nhận định của lực lượng Kiểm lâm và bảo vệ rừng Đà Nẵng, những kẻ phá rừng là người địa phương khác đến, lập lán trại ở lại trong rừng nhiều ngày, chuyên săn tìm gỗ quý, sử dụng cưa lốc đốn hạ, xẻ thành phách. Chúng câu kết với người bản địa, thuê họ vận chuyển gỗ đến nơi tập kết, cất giấu. Số gỗ này bán sang tay cho nậu gỗ, thường là các “đại gia” gỗ ở Đà Nẵng và Quảng Nam. Sau khi có số lượng lớn gỗ quý, nậu gỗ thuê xe ôtô vào rừng chở về xuôi tiêu thụ. Không loại trừ khả năng, để đưa gỗ đi trót lọt, đối tượng này mua chuộc bảo vệ rừng và  Kiểm lâm địa bàn.

Nhiều cây gỗ quý bị chặt hạ tại khu vực giáp ranh rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa.

Từ vụ phá rừng nghiêm trọng này, công tác quản lý bảo vệ khu vực giàu tài nguyên lâm sản nhất của rừng Đà Nẵng còn quá nhiều bất cập. Trong đó, bất cập nổi cộm nhất là bố trí lực lượng Kiểm lâm và bảo vệ rừng không hợp lý. Với 4.756ha rừng nguyên sinh có 27km đường ranh giới tiếp giáp địa phận huyện Đông Giang (Quảng Nam), song chỉ có 2 kiểm lâm địa bàn và 5 cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng. Bất cập thứ 2 là Trạm Cà Nhông đơn lẻ giữa rừng sâu, cách Làng Láy của xã Tư, huyện Đông Giang 7km đường rừng, không hề nhận được sự hỗ trợ từ lực lượng các địa phương của Đà Nẵng trong đối phó với “lâm tặc”. Lực lượng ít, trang bị thô sơ, trong khi “lâm tặc” đều là những kẻ liều lĩnh và hung hãn, sẵn sàng tấn công chống trả mỗi khi hành vi phá rừng và vận chuyển lâm sản của chúng bị ngăn cản. Chưa hết, nơi trạm này đứng chân không có sóng điện thoại, việc báo cáo tình hình về ban và nhận sự chỉ đạo từ lãnh đạo cơ quan xem như… bó tay.

Từ trước đến nay, hoạt động của Trạm Cà Nhông chủ yếu dựa trên tinh thần tự giác của cán bộ, nhân viên. Có chăng, lãnh đạo cơ quan mỗi năm đến kiểm tra, động viên một vài lần, thường là dịp tổng kết cuối năm. Nói đúng hơn, nhiệm vụ bảo vệ rừng tại điểm nóng vùng giáp ranh này, các cơ quan chức năng ở Đà Nẵng đã “khoán trắng” cho 7 cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng và kiểm lâm địa bàn…  

Thời gian 2 năm trở lại đây, từ khi Hạt Kiểm lâm Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa thành lập, 2 kiểm lâm địa bàn được tăng cường cho khu vực rừng giáp ranh. Đúng ra lực lượng này có cơ ngơi riêng, nhưng do không có nhà cửa, nên họ đành ăn ở sinh hoạt và thực hiện nhiệm vụ chung với Trạm Cà Nhông. Thực trạng này chẳng khác nào “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, bởi Kiểm lâm có nhiệm vụ thực thi pháp luật Nhà nước trên lĩnh vực rừng, thường xuyên giám sát, kiểm tra, xử lý các sai phạm của chủ rừng. Thế nhưng cả kiểm lâm và chủ rừng ăn ngủ một chỗ, làm việc với nhau, thử hỏi có xử lý nổi vụ việc khi rừng bị xâm hại. Nói đúng hơn, cơ quan chức năng đã quá chậm trễ trong việc hình thành tại khu vực giáp ranh này một trạm kiểm lâm đủ mạnh.

Ai cũng biết, những kẻ phá rừng rất manh động và liều lĩnh khi hành vi xâm phạm rừng của chúng bị ngăn cản, nhất là lúc gỗ chúng khai thác bị tịch thu. Đã không ít lần lực lượng bảo vệ rừng bị “lâm tặc” qua mặt, coi thường, hoặc tấn công hành hung. Anh Nguyễn Văn Ấn (29 tuổi), nhân viên bảo vệ rừng, kể: cách đây không lâu, trong một chuyến 3 người, do ông Trần Văn Ba (Trạm trưởng) làm tổ trưởng, tuần tra vào rừng. Trên đường đi, phát hiện 6 người đàn ông, ai nấy đều to con và rất ngầu, đang vác gỗ đi ngược chiều. Cả tổ ập đến hòng bắt giữ người và tang vật quả tang. Bị bất ngờ, cả 6 người vứt gỗ xuống và lẩn nhanh vào rừng. Tuy vậy, chỉ ít phút sau, khi biết bảo vệ rừng chỉ 3 người, không có vũ khí, họ đã dùng đá và cây tấn công lại. Biết không thể chống đỡ nổi 6 “lâm tặc” hung hãn, 3 bảo vệ rừng đành rút lui để bảo toàn tính mạng.

Yếu tố không kém phần quan trọng tác động tiêu cực đến kết quả quản lý bảo vệ rừng đó là nơi ăn ở và đời sống sinh hoạt của lực lượng bảo vệ rừng ít được quan tâm đúng mức. Ngay như cơ ngơi Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông, xây dựng hơn 20 năm, nay xuống cấp nghiêm trọng vẫn chưa được nâng cấp, xây mới. Điện để sinh hoạt mới có cách đây hơn 1 năm, nhờ sử dụng năng lượng mặt trời. Cùng theo đó, lương, phụ cấp cho bảo vệ rừng tại vùng xa xôi này cũng khá thấp…

Các giải pháp kiên quyết, triệt để đã được cơ quan chức năng ở Đà Nẵng triển khai rất khẩn trương nhằm bảo vệ an toàn rừng đặc dụng khu vực giáp ranh với Quảng Nam. Trước mắt, 7 cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng và kiểm lâm địa bàn tại Trạm Cà Nhông đã bị đình chỉ công tác, viết tường trình toàn bộ vụ phá rừng vừa qua. Ông Trần Viết Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho hay: Để bảo vệ an toàn rừng đặc dụng khu vực giáp ranh, phải xây dựng tại đó lực lượng đủ về quân số, mạnh về ý chí tinh thần. Ngoài lực lượng thường trực tại đây, Sở chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm và Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra, truy quét lâm tặc quy mô lớn, kịp thời phát hiện ngăn chặn hành vi phá rừng. Về lâu dài, sẽ xây mới Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông trên lâm phận Đà Nẵng và phối hợp chặt chẽ hơn với lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Nam trong việc bảo vệ rừng giáp ranh…

Nguyễn Cầu
.
.
.