Rừng A Ngo bị khai thác gấp đôi khối lượng gỗ cho phép

Thứ Tư, 26/02/2014, 15:38
Báo CAND số ra ngày 23/2 đã phản ánh, UBND huyện Đakrông (Quảng Trị) nhận được nhiều thông tin, rừng phòng hộ đầu nguồn ở A Ngo bị khai thác bừa bãi nên đã chỉ đạo đơn vị chức năng đóng cửa rừng, dừng ngay việc khai thác và bán gỗ rừng này. Phóng viên Báo CAND đã đi thực địa, ghi nhận toàn bộ hiện trường rừng A Ngo bị khai thác.

Theo đó, tại tiểu khu 757, thôn Kỳ Ne, xã A Ngo có 20 cây gỗ rừng, đường kính từ 70cm đến 1m đã bị chặt hạ. Tại bãi tập kết gỗ ở bìa rừng có 175 phách gỗ hộp, mỗi phách có kích thước bình quân 35cm x 50cm x 3m, cá biệt có nhiều phách 30cm x 84cm x 3m. Tại bản Kỳ Ne có 90 phách có kích thước tương tự. Ngoài ra, tại hiện trường khai thác vẫn còn một số gỗ chưa được vận chuyển ra ngoài.

Theo thông tin từ người dân bản địa, bà con đã bán cho một doanh nghiệp tư nhân hợp đồng khai thác rừng trên với bà con 17m3 gỗ hộp, đã chở hơn 14m3 gỗ hộp. Ông Văn Lợi, Trạm trưởng Kiểm lâm 4 xã A Bung, A Ngo, A Vao và Tà Rụt thừa nhận, số gỗ được khai thác tại A Ngo là vượt quá khối lượng cho phép. Tuy nhiên ông Lợi không nói là vượt quá bao nhiêu. Còn ông Hồ Đức Diệp, một trong sáu hộ dân được hưởng lợi rừng trên ở thôn Kỳ Ne, cũng là tổ trưởng giám sát khai thác gỗ rừng này cho biết, bà con và doanh nghiệp tư nhân ở Đakrông đã khai thác gỗ rừng ở tiểu khu 757 thôn Kỳ Ne trên 70m3 gỗ hộp.

Rừng A Ngo đã bị khai thác gấp đôi khối lượng gỗ cho phép.

Theo tính toán của ngành Kiểm lâm, 70m3 gỗ hộp tương đương với 120m3 gỗ tròn. Theo Quyết định 178/2001/QĐ-TTG ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp: Nếu người hưởng lợi có nhu cầu làm nhà mới để tách hộ hoặc thay thế nhà cũ, sửa chữa lớn nhà ở cho mình tại xã nơi có rừng, thì hộ gia đình, cá nhân được phép khai thác nhưng không quá 10m3 gỗ tròn/hộ. Tại thôn Kỳ Ne có 6 hộ gia đình được giao chăm sóc và bảo vệ 20ha rừng phòng hộ đầu nguồn từ năm 2006. Theo đó, cả 6 hộ này chỉ được khai thác 60m3 gỗ tròn nhưng thực tế đã khai thác gấp đôi.

Ngoài ra, Quyết định 178 cũng qui định: Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng việc khai thác gỗ làm nhà để buôn bán. Nhưng thực tế việc khai thác trên, bên cạnh làm mới nhà ở, bà con đã bán gỗ cho doanh nghiệp tư nhân. Việc thiết kế khối lượng rừng để khai thác là do ngành Kiểm lâm và một số đơn vị chức năng ở địa phương thực hiện. Nhưng, khi hỏi nguyên nhân vì sao đã thiết kế khối lượng khai thác gấp đôi thì ông Văn Lợi, trả lời rằng, do sai sót về kỹ thuật (?!)

Thanh Bình
.
.
.