Rối nhiễu tâm trí - bệnh của cuộc sống nhiều áp lực
Trong khi đó, theo kết quả nghiên cứu "Những cuộc đời trẻ thơ" của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (NC&ĐTPTCĐ)), 20% trẻ em độ tuổi lớp 2, lớp 3 được chẩn đoán bị rối nhiễu tâm trí (RNTT), cứ 5 bà mẹ nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi thì có 1 người bị RNTT. Bất kì ai cũng có thể bị RNTT và nếu không điều trị sớm, RNTT có thể diễn biến thành các bệnh tâm thần nặng hơn hoặc làm trầm trọng thêm các bệnh thực thể khác.
Dễ mắc, dễ chẩn đoán nhầm
RNTT là trạng thái lệch lạc mất cân bằng về sức khoẻ tâm thần nói chung, bệnh thường diễn biến kéo dài và phức tạp. Ban đầu, RNTT có những biểu hiện như nhức đầu, mệt mỏi không rõ nguyên nhân, chán ăn, lo lắng, mất tập trung, giảm trí nhớ… Đa số bệnh nhân có thể tự khỏi, nhưng một số sẽ diễn biến nặng hơn, các triệu chứng biểu hiện rõ rệt và liên tục, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, hoảng hốt lo lắng không có lý do, hay khóc một mình, có những ý nghĩ cực đoan, trẻ em thì bỏ nhà ra đi, tự tử…
RNTT ở giai đoạn chớm, có thể điều chỉnh, điều trị được, nhưng sau đó, vòng xoắn rối nhiễu nặng dần sẽ dẫn đến những tổn thương khó hồi phục. Về lý thuyết, ngay ở tuổi sau cai sữa mẹ, con người đã có thể bị ảnh hưởng RNTT. Bất kỳ ai cũng có thể mắc RNTT, nhưng trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ sau sinh, nuôi con nhỏ, phụ nữ tuổi mãn kinh, người mắc các bệnh thực thể lâu ngày và người già sẽ dễ bị ảnh hưởng hơn.
Khám và chẩn đoán RNTT đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhiều thời gian và cẩn trọng, trong khi ở hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh, do tình trạng quá tải, thời gian khám lâm sàng chỉ có 5-10 phút, đa số bác sỹ chưa được đào tạo kiến thức về tâm lý học lâm sàng. Vì thế, bệnh nhân rất dễ bị chẩn đoán nhầm thành bệnh thực thể như cúm, viêm họng, rối loạn giấc ngủ, rối loạn nhịp tim… và không được điều trị kịp thời.
Sự bất lực của cha mẹ
Cuộc sống hiện đại luôn ẩn chứa nhiều áp lực dẫn tới bệnh RNTT. Với trẻ em, mục tiêu điểm số, thi vào trường điểm, đại học… là những áp lực nặng nề mà cha mẹ vô tình hoặc hữu ý đặt lên vai chúng. Nỗi lo sợ thi trượt, sự lặp đi lặp lại các bài tập nhàm chán, không có đam mê, những cú sốc tinh thần… của trẻ đều là nguy cơ gây RNTT và cần được cha mẹ phát hiện và có sự điều chỉnh thích hợp. Nhưng tiếc rằng, RNTT vẫn là bệnh ít được quan tâm và có không ít bậc phụ huynh để diễn biến bệnh đi quá xa.
Đang là một cô bé ngoan ngoãn, thông minh, thi đỗ vào một trường trung học cơ sở uy tín ở Hà Nội, bé H. bỗng dưng học hành sa sút, chán nản. Cha mẹ H. bối rối tìm cách điều chỉnh nhưng vô ích, H .bỏ học trong hai năm liền và đã hai lần tự tử không thành. Sau đó, H. bỗng dưng cắt tóc, ăn mặc như con trai và đòi sang Thái Lan chuyển đổi giới tính.
Cha mẹ H. hốt hoảng đưa H. đi bệnh viện, các xét nghiệm đều cho thấy H. có giới tính nữ hoàn toàn bình thường. Nhưng H. vẫn cương quyết đòi phẫu thuật và còn đe dọa, nếu gia đình không đáp ứng, H. sẽ tự tử lần ba. Không còn cách nào khác, gia đình đưa H. tới Phòng khám TuNa thuộc Trung tâm NC&ĐTPTCĐ.
Tại đây, các bác sỹ chẩn đoán H. bị RNTT và phải phối hợp cùng lúc nhiều biện pháp điều trị. Điều đầu tiên là chấp nhận tất cả các yêu cầu của H. Các bác sỹ và cha mẹ đã đưa H. cùng đi làm thủ tục chuyển đổi giới tính, xin visa sang Thái Lan, thu xếp hành lý, tiền bạc…
Trong thời gian chờ các thủ tục và để cha mẹ H. gom đủ tiền, H. được sắp xếp vào làm trợ lý tại Trung tâm. H. được tập chơi bóng bàn và biết H. không phải là trường hợp đặc biệt, có những bệnh nhân giống như H. đã đi học trở lại. Rất lâu sau đó, H. mới thổ lộ, H. từng chứng kiến bạn gái bị cưỡng hiếp trong một chuyến đi picnic, từ đó, H. cho rằng, làm con gái thì thua thiệt, dễ bị xâm hại và đòi chuyển giới thành con trai.
H. còn cùng đi công tác về các địa phương, chứng kiến nỗi khổ của người dân, những thắng cảnh đẹp của đất nước và cả những kết quả điều trị RNTT... Các bác sỹ chỉ cho H. thấy, chết thì rất dễ, nhưng cuộc sống còn nhiều điều mà em chưa biết. Dần dần, H. tự nhận thức và muốn đi học trở lại.
Hiện giờ, H. đã chuyển tới một ngôi trường mới, H. trở lại là cô bé thông minh, vui vẻ như trước đây và làm bí thư chi đoàn, tuy nhiên, vẫn cần tránh tuyệt đối không để H. sống trong môi trường trước đây.
Học cách quan tâm đến đời sống tinh thần trong gia đình
Từ những nghiên cứu nói trên, TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm NC&ĐTPTCĐ bày tỏ nhiều quan ngại về sức khỏe tâm thần cho cộng đồng do thiếu hiểu biết về RNTT.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), RNTT là loại bệnh phổ biến nhất, đứng đầu trong danh sách bệnh tật của con người, vượt lên cả HIV/AIDS, các bệnh nhiễm trùng thông thường và tim mạch. Tuy vậy, phần lớn các bệnh tâm thần phổ biến có thể điều trị khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách.
Theo chỉ dẫn của WHO, khâu này cần làm tốt ở tuyến chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Nhưng hiện nay, việc chăm sóc sức khoẻ tâm thần ở tuyến ban đầu thường bị xem nhẹ, mà thường nhấn mạnh đầu tư trang thiết bị hiện đại, xây dựng bệnh viện mới, đầu tư nghiên cứu điều trị những bệnh nan y như ung thư, ghép mô tạng hoặc cách dịch bệnh lây lan như SARS, cúm A H5N1, HIV/AIDS… Trong khi đó, hiểu biết về RNTT là cách dự phòng và điều trị sớm bệnh tâm thần.
Theo TS Trần Tuấn, cần phải có sự quan tâm thích đáng hơn nữa với vấn đề chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho cả cộng đồng. Nhân viên y tế tuyến cơ sở, thầy cô giáo, cha mẹ học sinh có thể sử dụng bảng hỏi khoa học SDQ25 phiên bản tiếng Việt để phát hiện RNTT ở trẻ từ 4-16 tuổi.
Với mỗi người, cần cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi, quan tâm đến đời sống tinh thần của từng thành viên trong gia đình, không để ai bị căng thẳng, lo âu kéo dài, tìm hiểu kiến thức về RNTT và chủ động tìm đến cơ sở chuyên môn. Người bị RNTT không nhất thiết phải dùng thuốc, mà cần chú trọng phối hợp ba phương thức hoá trị liệu, tâm lý trị liệu và can thiệp thay đổi môi trường sống