Rể Tây ở Hội An

Thứ Hai, 18/02/2008, 18:24
Nhận xét về phụ nữ Việt Nam, Carl Andreasson, người Thụy Điển ví người vợ của mình như món phở Việt Nam, "ngon tuyệt và thưởng thức lúc nào cũng hấp dẫn". Điều Carl không đồng tình với phụ nữ Việt Nam nói chung và vợ mình nói riêng là "dạy con bằng… roi". Carl kể, một lần ra đường, gặp một phụ nữ Hội An đang dạy con bằng roi, anh nhào vô can liền bị người phụ nữ này "tặng" luôn cho một roi kèm theo một câu mắng nhớ đời.

Chuyện người nước ngoài lấy vợ Việt Nam lâu nay đã là "chuyện nhỏ". Tuy nhiên không phải ở đâu và không phải lúc nào những cuộc hôn nhân liên quốc gia cũng cơm lành, canh ngọt.

Thời gian gần đây, chuyện các cô gái miệt quê Nam Bộ đua nhau lấy chồng ở xứ Kim Chi đã gây nên thảm cảnh cho một số cô gái thiếu may mắn, sa vào tay những ông chồng có máu côn đồ nên suốt ngày ăn đòn. Có cô bị hành hạ, bị đánh đến chết. Có cô không chịu nổi những nghiệt ngã của gia đình chồng đã nhảy lầu dẫn đến cái chết thảm.

Ở xứ Đài cũng không thiếu những thảm cảnh nghiệt ngã. Có cô về đến nhà chồng mới biết gia đình chồng còn anh, em chồng không có tiền cưới vợ nên cô phải làm vợ cả anh em nhà chồng. Có cô chưa hết tuần trăng mật đã bị chồng bán đứng vào nhà chứa… và hàng trăm chuyện cười ra nước mắt về chồng ngoại. 

Nhưng tại Hội An, tỉnh Quảng Nam, hàng chục ông Tây đủ các quốc tịch như Pháp, Anh, Hà Lan, Australia… bỏ xứ sở mình sang lấy vợ Việt Nam và xin nhận Hội An là quê hương thứ hai để ở rể. Hơn nữa, những chàng rể tây này phần lớn toàn loại "chân chỉ hạt bột" thì lại là chuyện không nhỏ chút nào. 

Một ngày đầu xuân, tôi ghé vào quán ăn số 64 đường Bạch Đằng, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam. Thấy khách, chị chủ quán giọng xứ Quảng đon đả: "Các anh cứ vô đợi, chồng em về x…í… là có thức ăn liền…".

Chưa hết ly trà, một ông tây cao to, mặt đỏ như gà chọi chạy chiếc xe Viva chở đầy rau cỏ, thịt cá, đỗ xịch trước quán. Chị chủ hớn hở: "Chồng em về đọ!". Và câu chuyện giữa chúng tôi với ông rể tây nở hơn ngô rang máy.

Carl Andreasson là người Thụy Điển. Năm 1999, trong một tour du lịch đến Hội An, Quảng Nam, Carl gặp và "cảm" một nhân viên phục vụ tên là Nguyễn Thị Hoa ở nhà hàng Hồng Phúc.

Chẳng hiểu tiếng sét ái tình thế nào mà anh tây này mê mẩn đến nỗi, trong suốt 10 ngày ở Hội An, ngày nào Carl cũng có mặt ở nhà hàng Hồng Phúc đủ ba cữ sáng, trưa, tối để ăn là phụ, còn thưởng thức người đẹp là chính.

Mặc dầu đang là đầu bếp danh tiếng tại một nhà hàng lớn ở quê nhà, nhưng cảnh và người Hội An đã thực sự hớp hồn chàng trai Thụy Điển này. Carl quyết định rời bỏ đất nước Bắc Âu xinh đẹp nổi tiếng với những rừng thông xanh ngắt và những viện bảo tàng, những lâu đài cổ vào bậc nhất châu Âu để về Hội An ở rể.

Họ cưới nhau và xây nhà hạnh phúc tại Cẩm Phô, thị xã Hội An và mở một nhà hàng tại 64 Bạch Đằng. Vợ làm quản lý, chồng làm đầu bếp. Sau 7 cái Tết hạnh phúc, hai đứa con một trai, một gái lần lượt ra đời càng làm cho gia đình này tràn ngập tiếng cười. 

Nhận xét về phụ nữ Việt Nam với chúng tôi, Carl ví vợ mình như món phở Việt Nam, "ngon tuyệt và thưởng thức lúc nào cũng hấp dẫn". Điều Carl không đồng tình với phụ nữ Việt Nam nói chung và vợ mình nói riêng là "dạy con bằng… roi".

Carl kể, một lần ra đường, gặp một phụ nữ Hội An đang dạy con bằng roi, anh nhào vô can liền bị người phụ nữ này "tặng" luôn cho một roi kèm theo một câu mắng nhớ đời.

Nói về Tết, Carl rất thích các lễ hội ở Việt Nam nhưng anh lại sợ cái ồn ào náo nhiệt quá đáng trong ngày Tết, vì nó làm tan biến sự thanh bình vốn có ở phố Hội. Nhưng dù thế nào thì mảnh đất và con người Hội An nói riêng và Việt Nam nói chung đã để lại cho Carl nhiều ấn tượng rất đẹp. Carl thường tự hào: "Hội An,Việt Nam là quê hương của tôi".

Chàng rể Hans Van Der Broek thì khoe với chúng tôi rằng, anh đã đón 3 cái Tết ở Việt Nam. Hans tỏ ra sâu sắc: "Tết của Hà Lan chỉ có một ngày và không quan trọng bằng Tết của Việt Nam. Ngày Tết, mọi người chỉ đi uống rượu với bạn bè… chấm hết. Tết của người Việt Nam có tới 3 ngày, gia đình đứng trước, sau mới là bạn bè. Việt Nam còn có rất nhiều lễ hội tạo cho con người nhiều cơ hội vui chơi, đi du lịch… tôi cũng rất thích lễ hội ở Việt Nam".

Sinh ra và lớn lên ở xứ sở tràn ngập hoa tuylip và những chiếc cối xay gió khổng lồ nổi tiếng thế giới, Hans đến Việt Nam trong một lần anh dẫn một đoàn khách lữ hành từ Hà Lan đến Hội An. Thế rồi, mảnh đất và tình người Hội An đã thực sự níu chân anh. Anh đã chọn một cô gái Việt làm vợ.

Hai người mua đất ở phường Cẩm Nam, Hội An xây tổ ấm và mở luôn nhà hàng tại nhà. Hans phàn nàn, sát bên nhà Hans là nhà cô M. Sáng nào cũng vậy, 4h sáng là cô M. thức dậy nấu bắp (ngô) để sáng đi bán, và dàn máy nghe nhạc của cô cũng được đánh thức hết công suất từ lúc ấy.

Theo thói quen sinh hoạt của người nước ngoài thường thức khuya, vì thế nhiều hôm Hans vừa chợp mắt đã bị tiếng nhạc của cô hàng xóm dựng dậy. Có lần đắt hàng, chưa hết buổi sáng mà gánh bắp đã bán hết veo, cô hàng xóm nổi hứng kéo luôn một nhóm bạn về hát karaoke đột xuất giữa trưa, sự "tra tấn" ngọt ngào làm ông rể tây lại một phen lộn ruột.

Rồi một lần, Hans đang tiếp một đoàn khách nước ngoài tại nhà hàng của mình, bà hàng xóm trước nhà Hans quét sân gom một đống rác to tổ trảng rồi nổi lửa… đốt. Gió thốc hết khói vào nhà Hans như hun chuột.

Cả khách và chủ nước mắt, nước mũi giàn giụa. Ông Tây nổi nóng mang nước ra chữa cháy thì bị bà hàng xóm mắng té tát: "Rác nhà tôi tôi đốt, xong tôi khắc dập lửa, ai mướn ông!…". Ông Tây đành bó tay quay về tạ lỗi với khách.

Chưa hết, sát vách đằng sau nhà Hans là xưởng mộc của anh D., cứ đúng vào thời điểm vợ chồng Hans nghỉ ngơi là xưởng mộc lại náo động bởi tiếng cưa, tiếng đục chan chát như đóng vào lỗ tai… Thế là chuyện nhỏ góp mãi thành lớn, chỉ khổ ông tổ trưởng tổ dân phố suốt ngày phải làm trung gian hòa giải.

Với Hans, chuyện hàng xóm còn dàn xếp được và chưa đến nỗi phải đưa nhau ra tòa. Nhưng chuyện của ông Philip thì đã phải mời tới luật sư mà chưa êm chuyện. Chẳng là ông Philip lấy vợ Việt, sát nhà ông tây này có vợ chồng anh Nhất cũng là chỗ thâm tình chòm xóm với vợ Philip.

Nhà anh Nhất nuôi cá cảnh, oái oăm thay trận lụt vừa qua kéo dài quá làm mấy con cá cưng của anh Nhất không thể nào xài được thứ nước nhiễm mặn nên cứ ngửa bụng lên mặt nước mà thở hắt ra. Biết nhà ông Tây hàng xóm có bể lọc nước tinh khiết, nếu dùng nước này thay cho mấy con cá thì nó ngang với thuốc hồi sinh.

Trong lúc nước sôi, lửa bỏng thế mà vợ chồng Philip lại đi vắng mới chết. Thương mấy con cá sắp chầu trời, anh Nhất liều vác thùng nhảy rào sang xin vắng mặt ông tây mấy thùng nước. Đang hì hục múc nước thì Philip về.

Thấy ông hàng xóm ngang nhiên "ăn trộm" nước nhà mình, Philip bực dọc co cẳng đá bung mấy thùng nước và rút điện thoại gọi luật sư đến làm việc. Hai bên căng thẳng đến nỗi dọa đưa nhau ra tòa phân xử.

Sau rốt, "chuyên gia hòa giải" Phan Xuân Cẩm - tổ phó tổ dân phố lại được mời đến, khi đó hai bên mới bắt tay nhau dàn hòa.

Chuyện thường ngày ở xóm nửa tây, nửa ta là thế nhưng Hans vẫn quả quyết với chúng tôi: "Tôi sẽ không trở về Hà Lan, tôi yêu Việt Nam và chọn Việt nam là quê hương thứ hai. Tôi sẽ ở Việt Nam tới cuối đời".

Hans còn hài hước: "Ra đường thấy phụ nữ Việt Nam đi với người nước ngoài nhiều hơn đàn ông Việt Nam đi với phụ nữ nước ngoài. Tôi muốn chuyện này phải bình đẳng...". 

Ở Hội An, chàng rể Tây được nhiều người biết đến nhất phải kể đến "ông Tây chân đất". Suốt ngày người ta chỉ thấy ông Tây này đi chân đất, ngoại trừ khi ông chuẩn bị lên giường mới chịu xỏ chân vào dép.

Steve đang khoe với tác giả về quán bar của mình.

Ông là Steve Harrison, quốc tịch Anh.

Steve khoe với chúng tôi, ông từng đi qua hàng chục nước ở nhiều châu lục. Steve có 3 người chị đang sống tại Anh quốc, một người anh sống tại Australia. Steve đi khắp nơi và làm đủ nghề như chụp ảnh cho các tạp chí; chơi nhạc trong các ban nhạc; hướng dẫn viên du lịch…  nhưng nếu có một câu nhận xét thì ông sẽ nói: "Người Việt Nam tử tế và dễ thương nhất".

So sánh về quê hương ông với Việt Nam, Steve nói ngắn gọn: "Ở Anh cái gì cũng tiền, cái gì cũng mắc (đắt - PV). Việt Nam Number one (số một). Con nít, người già gặp Steve là Hello, ở Anh thì phớt Ănglê…".

Nói đến vợ con, Steve không tiếc lời tâng vợ mình và con gái là hoa hậu và á hậu. Steve lấy vợ Đà Nẵng, vào Hội An mua đất xây nhà và làm quán bar. Nhà của vợ chồng Steve nằm cạnh bờ sông Hoài, phố Hội, đứng trên lầu nhà Steve nhìn sang phố cổ Hội An thì bị cuốn hút đến mê hồn.

Cũng chính tại vị trí này, Steve đã chụp được rất nhiều bức ảnh đẹp về phố cổ Hội An và đã gửi đăng trên nhiều tạp chí trong và ngoài nước.

Nói về Việt Nam, Steve luôn hào hứng: "Tôi sống và hưởng 5 cái Tết ở Việt Nam. Tôi làm việc ở Việt Nam, lấy vợ Việt Nam. Tôi không xài đôla, không xài euro… tôi tiêu tiền Việt Nam. Tôi là người Việt Nam". Steve đùa: "Tôi đi chợ, các bạn đừng coi tôi là người nước ngoài để bán hàng giá cao nhé…".

Hiện ở Hội An có 17 cặp chồng Tây - vợ ta đang sinh sống ổn định và chắc chắn còn rất nhiều ông Tây khác đang muốn lấy vợ Việt Nam và chọn Hội An làm quê hương thứ hai.

Nói về lý do lấy vợ Việt Nam, chúng ta đừng nghĩ người phương Tây khéo nịnh đầm, những người tôi đã gặp thực sự  đều có cảm giác sung sướng tuyệt vời khi có vợ là phụ nữ Việt Nam.

Ở nước ngoài, chuyện rửa bát quét nhà, giặt quần áo và nấu cơm  được vợ chồng lên lịch đàng hoàng, 3 ngày đầu vợ rửa bát, quét nhà… thì 3 ngày kế tiếp tới phiên chồng. Lèng èng là ra tòa.

Cũng vì nam nữ bình đẳng mà nhiều đàn ông nước ngoài khi làm đến chức Thủ tướng như ông Tony Blair, nguyên Thủ tướng nước Anh, vẫn viết sách dạy nấu ăn bán rất chạy. Còn ông Bill Clinton trước khi làm Tổng thống Mỹ đã là người nấu ăn rất giỏi.

Ở nước ngoài, vợ chồng cãi nhau, chồng bạt tai vợ, vợ báo cảnh sát, chồng ra bốt nằm. Chồng có máu dê cụ, gặp ngày vợ hắt hơi, sổ mũi không chiều được mà cố tình cưỡng ép, vợ alô cho cảnh sát, chồng cũng được mời về bốt nằm "tâm sự" với muỗi suốt đêm…

Thế mới biết, đàn ông Việt Nam chúng mình sướng như tiên

Nguyễn Thanh Hải
.
.
.