Rào cản nào làm năng suất lao động thấp?

Thứ Sáu, 02/01/2015, 11:18
Năng suất lao động Việt Nam bị đánh giá thuộc nhóm thấp nhất khu vực, chỉ bằng 61% mức lao động bình quân của các nước ASEAN. Năng suất lao động thấp dẫn đến nguy cơ Việt Nam không đủ sức cạnh tranh khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành vào năm 2015.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam liên tục tăng trong thời gian qua, bình quân đạt 3,7%/năm trong giai đoạn 2005 - 2014, góp phần thu hẹp dần khoảng cách so với năng suất lao động của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, hiện nay năng suất lao động ở Việt Nam chỉ bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore, bằng 1/6 của Malaysia, bằng 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc (tính theo sức mua tương đương).

Một trong những nguyên nhân khiến năng suất lao động thấp được chỉ ra rất đáng chú ý là do máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ thấp. Sản phẩm đầu ra giá thành thấp dẫn đến mức lương của người công nhân không đủ sống là điều hiện hữu ở nhiều DN sản xuất trong nước. Các DN cung cấp linh kiện hiện nay chủ yếu là các DN Nhật Bản, Hàn Quốc đang đầu tư vào Việt Nam. Sản phẩm vẫn còn khoảng cách tiêu chuẩn chất lượng khá lớn giữa các nhà cung cấp linh kiện nước ngoài.

Theo đánh giá của các chuyên gia, không chỉ công nghệ lạc hậu, khoảng 1/5 lực lượng lao động của Việt Nam không được đào tạo chuyên môn và không có đủ kỹ năng đáp ứng đòi hỏi của thị trường.

Ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực vẫn được xem là yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất lao động. Mặc dù Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào với hơn 53 triệu lao động nhưng chất lượng lao động thấp. Sự chênh lệch về chất lượng nguồn lao động được thể hiện rõ nhất ở khu vực nông thôn và thành thị. Ở thành thị lao động đã được đào tạo chiếm 30,9%, trong khi ở nông thôn chỉ có 9%. Đây chính là một rào cản lớn để cải thiện năng suất lao động.

Năm 2014, tỷ lệ lao động qua đào tạo nói chung của tất cả các ngành của nước ta đạt khoảng 49%, nhưng trong nông nghiệp thấp hơn rất nhiều. Những lao động có chuyên môn kỹ thuật, có bằng cấp trong nông nghiệp hiện nay mới đạt 3,51%, còn lại hơn 20% được đào tạo nhưng đào tạo hết sức đơn giản. Tỷ lệ lao động trong nông nghiệp rất thấp, lao động có trình độ cao lại càng thấp hơn nữa. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động thấp.

Chất lượng nguồn lao động thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, hiệu quả sử dụng lao động qua đào tạo chưa cao tồn tại trong nhiều năm qua.

Ông Ngô Quang Vịnh, cán bộ Dự án Tăng cường kỹ năng làm việc Thúc đẩy Thương mại theo Chiến lược đào tạo của G20 lại đưa ra thực trạng, hiện nay có một vấn đề lớn mà các cơ quan hỗ trợ quốc tế ở Việt Nam thấy rằng là giữa các cơ sở đào tạo nghề và các trường nghề ở Việt Nam chưa có sự liên kết chặt chẽ. Các trường nghề đào tạo không theo nhu cầu thị trường và chương trình đào tạo nghề của các trường chưa đáp ứng được nhu cầu DN do giữa các trường và các DN chưa có sự liên kết chặt chẽ trong công tác đào tạo. Tháo gỡ nút thắt đối với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, tăng thu nhập và năng suất lao động của người nông dân, cùng với đó là việc đầu tư cho khoa học-công nghệ là điểm mấu chốt để tăng năng suất, cải thiện thu nhập của người lao động.

Thu Uyên
.
.
.