Rác thải y tế Đà Lạt đe doạ ô nhiễm nguồn nước ngầm

Thứ Tư, 30/05/2007, 20:05
ông K.Nakajima - chuyên gia của cơ quan Hợp tác quốc tế của Nhật bản (JICA) đã nhận xét: "TP Đà Lạt bị ô nhiễm  trầm trọng bởi rác thải… Đặc biệt, bãi rác lại nằm trên đồi cao nên có thể làm ô nhiễm cả những dòng suối và những mạch nước ngầm trong thành phố...!".

Đầu tháng 3/2007, khi đến Đà Lạt để khảo sát ô nhiễm môi trường không khí, nước thải và rác thải, ông K.Nakajima - chuyên gia của cơ quan Hợp tác quốc tế của Nhật bản (JICA) đã nhận xét: "TP Đà Lạt bị ô nhiễm  trầm trọng bởi rác thải… Đặc biệt, bãi rác lại nằm trên đồi cao nên có thể làm ô nhiễm cả những dòng suối và những mạch nước ngầm trong thành phố...!".

Đến ngày 21/3, Công ty Quản lý công trình đô thị (QLCTĐT) Đà Lạt mới đi kiểm tra và xác định là có rác thải y tế chưa được xử lý ở bãi rác thành phố. Nhưng điều khôi hài là Công ty QLCTĐT Đà Lạt - đơn vị quản lý bãi rác lại chẳng biết vì sao rác thải y tế lại được đổ bừa bãi ở đây(!?).

Thuê Công ty Xây dựng xử lý chất thải y tế

Ngày 10/10/2006, bác sỹ Nguyễn Bá Hy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Lâm Đồng ký hợp đồng kinh tế với Công ty TNHH Xây dựng Hạnh Phát (Đà Lạt) để vận chuyển, thi công và xử lý 2 hầm rác thải y tế trong khuôn viên bệnh viện để triển khai xây dựng gói thầu số 4 thuộc dự án mở rộng và nâng cấp BVĐK Lâm Đồng trong giai đoạn 2.

Tuy không có chức năng trong việc xử lý rác thải y tế, nhưng ông Phạm Minh Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Hạnh Phát cũng đặt bút ký hợp đồng rồi sau đó lại chuyển cho ông Nguyễn Trọng là nhân viên của Công ty QLCTĐT Đà Lạt thực hiện hợp đồng này.

Sau khi nhận được hợp đồng, ông Trọng đã ngang nhiên dùng chiếc xe tải mang BKS 49B-0240 của Công ty QLCTĐT Đà Lạt để vận chuyển hàng trăm  tấn rác thải y tế từ bệnh viện đổ ra bãi rác thành phố trong thời gian từ tháng 10 đến tháng 12/2006 mà không thông qua một khâu xử lý nào trong khi lượng rác này còn nhiều thứ như: kim tiêm, chai lọ, chất thải lâm sàng chưa phân hủy.

Nhưng điều đáng nói là sau khi ký hợp đồng xử lý rác thải y tế với Công ty TNHH Xây dựng Hạnh Phát, BVĐK Lâm Đồng lại không quan tâm đến lượng rác đó được đổ ở đâu.

Bãi đổ rác thải y tế ở đâu?

Sau khi việc đổ rác thải y tế chui vỡ lở, ngày 8/1/2007, BVĐK Lâm Đồng mới ký hợp đồng kinh tế với Công ty QLCTĐT Đà Lạt về việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải của bệnh viện. Công ty QLCTĐT Đà Lạt đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng xin được tạm thời xử lý rác thải y tế của bệnh viện theo cách: "Ổn  định - Đóng rắn và chôn lấp an toàn".

Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng thì việc xử lý rác thải y tế phải tuân thủ theo đúng quy chế quản lý chất thải nguy hại tại Quyết định số 115/1999/QĐ-Ttg ngày 16/7/1999 của Thủ tướng Chính phủ.

Do vậy Công ty QLCTĐT Đà Lạt phải làm lại các thủ tục từ đầu và chuẩn bị các điều kiện phù hợp theo quy chế nên việc vận chuyển, xử lý rác của bệnh viện vẫn chưa được triển khai.

Ông Lương Văn Ngự, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng nói: "Vấn đề rác thải bệnh viện gây ô nhiễm  môi trường khu dân cư đã được tỉnh quan tâm hàng đầu, nhưng do thiếu kinh phí nên sự việc giải quyết có phần chậm trễ.

Còn việc BVĐK Lâm Đồng và các đơn vị, cá nhân đem rác thải y tế đổ vào bãi rác thành phố mà chưa qua xử lý là sai phạm nghiêm trọng". Trước tình hình này, ngày 14/5, BVĐK Lâm Đồng mới gửi văn bản cầu cứu đến UBND tỉnh Lâm Đồng để kiến nghị chính quyền tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo điều kiện trong việc xử lý rác thải y tế của bệnh viện.

Thế nhưng, cho đến nay các cơ quan hữu quan vẫn còn lúng túng, chưa biết phải xử lý lượng rác thải y tế này như thế nào trong khi hệ thống xử lý rác thải rắn y tế của bệnh viện vẫn còn… trên giấy.

Hiện nay, lượng rác thải ở bệnh viện ngày càng tăng nhưng không biết đổ ở đâu nên bệnh viện phải đào hố chôn tạm trong khuôn viên bệnh viện khiến các hộ dân ở khu phố 3, phường 6 bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những hố rác ấy đã bốc mùi hôi gây ô nhiễm môi trường chung quanh

Nhất Hùng
.
.
.