Quyết liệt "gỡ rối" giao thông đô thi

Thứ Ba, 27/09/2011, 21:27
Nhiều năm nay nay, giao thông đô thị luôn là vấn đề nóng của Hà Nội - Thủ đô được liệt vào hàng lớn nhất thế giới. Nhiều ý kiến đề xuất, nhiều giải pháp được đem ra áp dụng nhằm giải quyết bài toán đảm bảo TTATGT. Thế nhưng sau năm lần bảy lượt thí điểm, triển khai trên diện rộng nhiều giải pháp khác nhau, vấn đề giao thông ở Thủ đô vẫn còn rất nóng bỏng.

Từ bịt ngã tư đến phân làn phương tiện

Một trong những giải pháp có tính đột phá trong việc tổ chức giao thông Hà Nội là "lấp" ngã ba, ngã tư, tạo điểm quay đầu mới cách đây khoảng 2 năm. Nói như ông Thạch Như Sỹ, Chánh Thanh tra giao thông (TTGT), Sở GTVT thì đây là giải pháp nhằm chống đối đầu giữa các luồng phương tiện. Những ngày đầu, khi mới xuất hiện những dải phân cách mềm, "lấp" các đường giao nhau tại các điểm nút giao thông, nhiều người điều khiển phương tiện giao thông rơi vào trạng thái lúng túng.

Thế rồi, chỉ một thời gian sau, sự lạ lẫm khi phải đi thêm vài chục, đến một hai trăm mét rồi mới quay đầu xe cũng qua đi. Và rồi tính ưu việt của giải pháp này khi áp dụng tại một số điểm cũng được thừa nhận. Tuy nhiên ở một số điểm nút giao thông khác thì cách làm này lại bộc lộ nhược điểm và sau một thời gian, Sở GTVT Hà Nội buộc phải điều chỉnh lại.

Sau hai lần thí điểm, từ ngày 20/9, Sở GTVT Hà Nội lại triển khai phân làn phương tiện tại 5 tuyến phố lớn là: Bà Triệu; Phố Huế - Hàng Bài; Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân; Kim Mã; Giải Phóng - Lê Duẩn. Nghĩa là, trên các tuyến đường này phân thành hai làn đường. Làn bên tay trái dành cho ôtô, làn bên tay phải dành cho xe máy, xe thô sơ. Việc đi đúng làn đường là yêu cầu bắt buộc đối với người tham gia giao thông. Luật Giao thông đường bộ quy định, đi sai làn đường là vi phạm. Nghị định 34/CP cũng quy định rõ về mức xử phạt đối với người điều khiển phương tiện đi sai làn đường.

Theo quy định này, nếu những vi phạm trên xảy ra trên các tuyến phố nằm trong khu vực nội thành thì mức phạt đối với người điều khiển ôtô từ 1.000.000đ - 1.400.000đ; với người điều khiển xe máy từ 100.000đ - 200.000đ.

10h - 11h30', chủ nhật ngày 25/9, ghi nhận của chúng tôi tại các tuyến đường đang triển khai việc phân làn như Bà Triệu; Phố Huế - Hàng Bài, tình trạng người dân đi sai làn đường không hiếm. Tại ngã năm Bà Triệu - Trần Hưng Đạo - Thợ Nhuộm, chúng tôi thấy khá nhiều người dân không chấp hành theo biển báo phân luồng. Có thể lúc này, cán bộ TTGT không có mặt tại đây nên việc chấp hành không nghiêm.

Trung úy Vũ Hoài Nam, Đội CSGT số 1, Phòng CSGT đang làm nhiệm vụ tại nút giao thông này cho biết, việc người dân đi sai làn đường sau khi vừa đi qua điểm đầu của đoạn đường phân làn không hiếm. Để người dân chấp hành việc đi đúng làn đường, Sở GTVT cần kẻ lại vạch phân làn.

Chứng kiến cảnh xe máy, ôtô dừng đợi đèn đỏ tràn sang các làn đường khác nhau tại các đầu đường ở ngã tư Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân - Phố Huế - Bạch Mai, chúng tôi trao đổi với ông Lý Mạnh Hòa, TTGT đang làm nhiệm vụ tại đây thì được cho biết, tại các điểm nút giao cắt, vạch sơn phân làn đường tách rời thể hiện, người điều khiển phương tiện giao thông được phép chuyển làn đường. Chỉ đến khi đi vào các đoạn đường có biển báo phân làn, người tham gia giao thông mới bắt buộc phải đi đúng làn đường.

Dừng đỗ xe sai làn đường ở ngã tư Bà Triệu - Trần Hưng Đạo.

Đi dọc Phố Huế, chúng tôi thấy có rất nhiều phố giao cắt với con phố này như Thái Phiên, Tuệ Tĩnh, Tô Hiến Thành, Trần Nhân Tông, Hàm Long... Tại mỗi điểm giao cắt đều có biển báo phân làn, thế nhưng hiệu quả của việc phân làn không lớn vì các điểm giao cắt khá gần nhau. Nghĩa là chỉ đi một đoạn ngắn, người tham gia giao thông lại được phép chuyển làn nên tính chất phân làn phương tiện không mang tính liên tục, vô hình trung lại làm rối thêm trật tự giao thông.

Bao giờ mới gỡ được rối"?

Như trên đã nói, việc áp dụng các biện pháp tổ chức giao thông dù ở diện thí điểm hay trên diện rộng cũng cần đến tính thực tiễn. Nếu phù hợp, hiệu quả của cách làm ấy sẽ bộc lộ, còn không thì nhược điểm cũng không che giấu nổi.

Theo thống kê của Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, trung bình mỗi tháng có 30.000 ôtô, môtô đăng ký mới. Đấy còn chưa kể lượng xe máy, ôtô từ các tỉnh, thành khác về Hà Nội. Trong khi đó, hạ tầng giao thông lại không phát triển theo tỷ lệ thuận với phương tiện giao thông. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải các phương tiện giao thông cá nhân, gây ra tình trạng ách tắc giao thông.

Bên cạnh đó, một tác nhân khá quan trọng gây nên tình trạng lộn xộn trên đường là ý thức của người tham gia giao thông. Những hành động tạt ngang, trèo lên vỉa hè, lấn làn đường... càng làm cho việc lưu thoát của các dòng phương tiện thêm khó khăn. Vào giờ cao điểm, do ưu tiên cho việc chống ùn tắc nên lực lượng CSGT buộc phải "làm ngơ" trước vi phạm Luật Giao thông.

Trung tá Vũ Văn Ngoại, Đội phó Đội CSGT số 4, Phòng CSGT Hà Nội cho biết: "Vào giờ cao điểm, chúng tôi buộc phải ưu tiên cho việc lưu thông. Với một số trường hợp vi phạm cá biệt, anh em buộc phải tạm giữ phương tiện, qua giờ cao điểm mới xử phạt".

Trước thực trạng trên, việc tìm ra giải pháp để "gỡ rối" cho giao thông Hà Nội hiệu quả không phải dễ. Việc thực hiện dùng biện pháp "chống đối đầu" của các dòng phương tiện hay thí điểm phân làn đường hiện nay chỉ mang tính chất tạm thời. Về lâu dài, cần phải nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ phương tiện giao thông công cộng; hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông; nâng cao ý thức chấp hành giao thông cũng như hiệu quả của công tác tổ chức, điều hành giao thông và thực hiện quy hoạch đô thị, tránh bệnh "đầu to"

C.Hồng
.
.
.