Quyết bám biển để bảo vệ chủ quyền biển đảo

Thứ Hai, 18/02/2013, 02:57
“Ra khơi xa mà nhìn thấy lá cờ đỏ bay phấp phới trên nóc thuyền mình rồi nhìn sang thuyền bạn cũng có lá cờ đỏ y như rứa là lòng mình bỗng nhiên thấy xốn xang và tự hào lạ”, một ngư dân Đông Hải đã tâm sự như vậy...

Về thăm thôn Đông Hải, xã Lộc Trì (Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đầu năm mới Quý Tỵ, chúng tôi cảm nhận được sự thay da đổi thịt của vùng đất ven biển này. Hỏi đường đến nhà lão ngư Trần Thoạn - Chi hội trưởng Hội Nghề cá xã Lộc Trì, một cụ ông chỉ tay nói: “Ngôi nhà trước đó là của anh Thoạn, đầu năm mấy chú tìm về sợ không gặp vì họ đi ra biển cả rồi”.

Phần lớn đàn ông, trai tráng thôn Đông Hải đều theo tàu ra biển đánh cá. Nhà giàu có đến vài ba chiếc tàu công suất lớn 400CV, nhà ít thì sắm chiếc nhỏ khoảng 160CV đến 250CV, để cùng nhau vươn khơi, bám biển bủa lưới, pha đèn kéo cá đúng như lời nói của các cụ cao niên trong thôn: “Làng chài Đông Hải không có ai là thất nghiệp, chỉ trừ mỗi người già, đàn bà và trẻ nhỏ”.

Bao năm lăn lộn với nghề biển, cùng ăn, cùng ngủ rồi cùng vật lộn với từng con sóng đầu bạc trong mỗi mùa bão biển đã tôi luyện chất thép cho những chàng trai đang tuổi xuân phơi phới trở thành những ngư phủ đầy bản lĩnh. Và cứ sau một chuyến ra khơi, thuyền về cập bến lại đầy ắp tôm, cá, mực. Hải sản đánh bắt lên được thương lái thu mua tận bến, những con tôm lớn, cá lớn được bỏ cho các nhà hàng ở Huế hay đưa vào Đà Nẵng để xuất khẩu. Đời sống ngư dân Đông Hải cứ khấm khá lên sau mỗi chuyến biển được mùa. Con em trong thôn cũng được đến lớp học hành và “no” con chữ hơn trước.

Đi cùng chúng tôi, ông Cái Trọng Như - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Trì cứ tấm tắc: “Phải công nhận mấy lão này giỏi. Suốt mấy mùa biển liên tiếp thua lỗ phải cầm cố cả nhà cửa lẫn sổ đỏ thế chấp ngân hàng vay vốn. Thế mà chỉ hơn năm sau họ đã có tiền chuộc nhà, chuộc đất, lại có tiền thuê nhân công đầu tư đóng tàu công suất lớn”... May mắn gặp được lão ngư Trần Thoạn đang chuẩn bị đồ đạc để ra khơi mở cửa biển đầu năm. Ông Thoạn tâm sự: “Theo nghề biển cũng đã ngót trên 30 năm, bao thăng trầm cùng biển cả cũng không thể nào kể xiết. Nhưng dù thế nào đi nữa, mình vẫn phải bám biển mưu sinh, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc”.

Tàu ngư dân Đông Hải (Thừa Thiên - Huế) cập bến đầy ắp cá, tôm sau mỗi chuyến biển dài ngày.

Hiện ở thôn Đông Hải có 220 hộ dân, với 1.075 nhân khẩu, số tàu thuyền công suất lớn chiếm 1/2 số hộ dân trong thôn. Từ ngư trường Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Trị cho đến Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam… đều có tàu cá của ngư dân Đông Hải. Lão ngư Trần Vẹn, một ngư phủ loại “lão làng” cho biết: “Ra khơi xa mà nhìn thấy lá cờ đỏ bay phấp phới trên nóc thuyền mình, rồi nhìn sang thuyền bạn cũng có lá cờ đỏ sao vàng là lòng mình tự nhiên thấy xốn xang, tự hào lạ”. Ông Vẹn cũng vừa đầu tư để đóng mới 3 chiếc tàu công suất lớn 400CV, trong đó có một chiếc vốn đầu tư trên 3 tỷ đồng. Chiếc tàu này ông Vẹn cũng đã đăng ký xin Nhà nước hỗ trợ máy bộ đàm định vị (28 triệu đồng/máy).

“Tới đây, nếu được hỗ trợ thêm máy định vị thì việc đánh cá ngoài khơi xa của ngư dân tui sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn, nhất là khi ra đánh bắt tại quần đảo Trường Sa”, ông Vẹn tâm sự. Nói về quyết tâm bám biển của ngư dân Đông Hải, ông Trần Xuân Diệu - Chủ tịch UBND xã Lộc Trì cho biết thêm: “Nhờ bà con ngư dân quyết tâm bám biển làm kinh tế và giữ vững lãnh hải nên thôn Đông Hải cũng thay đổi đi lên từng ngày; nhiều ngôi nhà mới, khang trang được xây dựng; đời sống người dân no ấm hơn…”

Lê Anh
.
.
.