Quy hoạch, chỉnh trang đô thị tại bán đảo Thanh Đa, TP HCM: Chờ đến bao giờ?

Thứ Ba, 13/05/2008, 15:41
Năm 1992, UBND TP HCM thông báo ý tưởng quy hoạch khu vực bán đảo Bình Quới - Thanh Đa, thuộc phường 28, quận Bình Thạnh với diện tích khoảng 430ha (chiếm khoảng ½ toàn bộ bán đảo Thanh Ða) thành một khu đô thị mới phức hợp thiên về du lịch, vui chơi giải trí, ẩm thực và văn hóa thể thao phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế, thế nhưng đến nay tất cả vẫn còn... im lìm.

Trong đó, sẽ dành khoảng 240ha làm đất ở với 25ha thuộc diện tích khu dân cư hiện hữu được cải tạo chỉnh trang; trên 70ha dành để xây dựng các khu căn hộ cao cấp; hơn 80ha xây dựng khu biệt thự đô thị mới; gần 20ha xây dựng khu biệt thự du lịch - nghỉ ngơi và một phần diện tích tương đương cho việc phát triển khu vườn sinh thái, du lịch truyền thống. "Treo" đó đến 8 năm sau, vào cuối năm 2000, thành phố tiếp tục phê duyệt quy hoạch chi tiết cho bán đảo Thanh Đa với mục đích là khu du lịch, văn hóa, giải trí...

Đến tháng 6/2004, thành phố có quyết định thu hồi đất, tạm thời giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn để chuẩn bị đầu tư xây dựng khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa.

Cùng thời điểm đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố được giao nhiệm vụ thiết kế quy hoạch chi tiết cho bán đảo Thanh Đa, đã thiết kế nơi đây thành một khu đô thị sinh thái hiện đại, bao gồm chức năng chính là công viên sinh thái có cảnh quan thiên nhiên kết hợp với chức năng thương mại, các khu dân cư hiện đại và truyền thống.

Căn cứ trên thiết kế này, đầu năm 2006 thành phố đã họp và "chốt" lại vấn đề: Bán đảo Thanh Đa sẽ là khu đô thị mới với dân số khoảng 80 ngàn người; người dân trong khu vực quy hoạch sẽ được bố trí tái định cư tại chỗ hoặc chuyển về quận 9. Sau 16 năm, ý tưởng quy hoạch chưa hề có dấu hiệu nào biến thành hiện thực.

Chỉ biết rằng nhiều người dân hàng ngày đang sống tại đó hết sức khổ cực: Phần thì do quyền lợi về sử dụng đất và sở hữu tài sản trên đất bị "treo"; phần thì lo "thủy thần" nổi giận, nhất là vào mùa mưa lũ sẽ cuốn phăng cả tài sản lẫn tính mạng xuống sông.

Tình trạng sạt lở đất không chỉ xảy ra tại khu vực xung quanh bán đảo Thanh Đa là phường 25 và 26 mà hiện nhiều khu vực bờ sông trên bán đảo thuộc phường 27 và 28 đang có hàng chục điểm có nguy cơ sạt lở rất cao.

Tình trạng này đã bắt đầu diễn ra từ gần 20 năm nay, hiện tượng sạt lở đất diễn ra nghiêm trọng nhất bắt đầu từ năm 1992, tình trạng này đã khiến hàng chục người chết và hàng trăm căn nhà bị cuốn trôi xuống sông.

Để bảo vệ người dân, thành phố đã thiết kế và khởi động nhiều gói thầu trong dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa với tổng kinh phí lên đến 500 tỷ đồng trên suốt chiều dài 14km bờ sông bao quanh bán đảo với khoảng 1.000 hộ dân phải di dời. Nhưng đến thời điểm này, khi mùa mưa bão đã bắt đầu, chế độ thủy triều đang thay đổi tạo dòng xoáy vào nền đất yếu ven sông gây sạt lở. Theo ghi nhận của chúng tôi, vẫn còn vài trăm căn nhà đứng chênh vênh hẳn trên bờ sông tại những khu vực đã được cảnh báo có nguy cơ sạt lở cao.

Với lợi thế vị trí của một bán đảo sinh thái ngay giữa lòng thành phố, nên ngay sau khi quy hoạch kiến trúc bán đảo Thanh Đa được thành phố chọn lọc và phê duyệt từ 3 phương án của các đơn vị thiết kế nước ngoài, nhiều nhà đầu tư  trong và ngoài nước đã rất quan tâm.

Trong đó chỉ riêng Tập đoàn Kangwon Land của Hàn Quốc đã lên kế hoạch đầu tư vào bán đảo Thanh Đa với số vốn dự kiến lên tới 6 tỷ USD cho dự án khổng lồ gồm một tòa tháp đôi cao 90 tầng; khu du lịch sinh thái; khu giải trí cao cấp và sân golf… nhưng đến nay tất cả vẫn còn im lìm.

Đến thời điểm này, dự án xây dựng, cải tạo toàn bộ bán đảo Thanh Đa ít nhất cũng đã được giao cho 2 chủ đầu tư là các doanh nghiệp Nhà nước của thành phố nhưng đều phải bỏ dở do không đủ năng lực về tài chính cũng như nhiều nguyên nhân khác. Vì vậy, để thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước "đổ" tiền vào đây là vấn đề không đơn giản.

Trong lúc người dân sống trên bán đảo cứ mòn mỏi chờ triển khai quy hoạch hết năm này qua năm khác, các cơ quan, ban, ngành của thành phố, đặc biệt là phía UBND quận Bình Thạnh cần nhanh chóng triển khai việc xúc tiến lựa chọn nhà đầu tư để người dân thoát khỏi cảnh đợi chờ, nhất là sự lo ngại khi mùa mưa lũ đến gần

Đức Thắng
.
.
.