Quốc hội thảo luận dự án Luật Trợ giúp pháp lý: Muốn trợ giúp phải... có điều kiện?!

Thứ Ba, 20/06/2006, 07:56

Trên thực tế, cụm từ “miễn phí”, “trợ giúp” đã nói lên tính nhân đạo của hoạt động này, nhưng nhiều người thuộc diện được trợ giúp nếu muốn được luật sư trợ giúp lại phải... chạy, phải lo lót tiền, thậm chí luật sư ra giá rõ ràng!

Tuần này, dự án Luật Trợ giúp pháp lý sẽ chính thức được Quốc hội biểu quyết, thông qua, thế nhưng đến phiên tổng hợp ý kiến, thảo luận ngày 19/6, dự án luật này vẫn bỏ ngỏ nhiều vấn đề chưa rõ ràng, nhất là tính khả thi: có bao nhiêu tổ chức trợ giúp pháp lý, bao nhiêu luật sư sẽ thiện chí thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý cho đối tượng thuộc diện được ưu tiên?

Hướng mở rộng diện được trợ giúp pháp lý được nhiều ý kiến đồng tình, ngoài người nghèo còn một số đối tượng khác như người hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám; cha, mẹ, vợ, chồng, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; con liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng LLVTND; Anh hùng Lao động; thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Bằng "Có công với nước"; đồng bào vùng dân tộc thiểu số cư trú ở các xã miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Thực tế, người có công được Nhà nước ưu đãi hưởng chế độ y tế miễn phí, chính sách nhà ở, học tập đối với con cái của họ đã được thực hiện thì kinh phí dành để trợ giúp pháp lý cũng chỉ tăng thêm một phần, tỷ lệ này rất nhỏ so với giáo dục, y tế.

Theo diện mở rộng như trên, có thể thấy đối tượng được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý khá lớn. Cầu chiếm tỷ lệ lớn, nhưng cung lại quá khiêm tốn. Chỉ những đối tượng sau có nghĩa vụ trợ giúp pháp lý: trợ giúp viên pháp lý, luật sư, tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Trong số này, luật sư chiếm vị trí lớn. Thế nhưng, "đội ngũ luật sư còn rất thiếu, cả nước có hơn 3.600 luật sư trên 83 triệu dân, lại tập trung chủ yếu ở đô thị, riêng Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã có hơn 60% số luật sư tập trung tại đây. Trong khi đó, tại những tỉnh như Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng..., trung bình mỗi tỉnh chỉ có vài luật sư, thậm chí không có luật sư nào" - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý băn khoăn.

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu, do quy định hiện hành mức chi trả thù lao cho luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý chỉ 70.000 đồng/người/ngày, thấp hơn nhiều so với giá thị trường nên nhiều luật sư không mặn mà thực hiện trợ giúp pháp lý. Nhiều trường hợp dựa dẫm nguồn vốn dự án, bình quân 800.000 đồng/vụ, lại chia đều nhiều luật sư, trợ giúp viên pháp lý nên gói gọn... chẳng đáng bao nhiêu!

"Vướng cơm, áo, gạo, tiền nặng quá nên trợ giúp viên pháp lý, luật sư, tư vấn viên pháp luật có biểu hiện ngần ngại, thậm chí né tránh trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người thuộc diện chính sách, thay vào đó họ "chạy sô" những phi vụ làm ăn béo bở, đầy "màu" - trao đổi với chúng tôi bên lề Quốc hội, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) bày tỏ lo ngại.

Thêm vào đó, việc tăng thẩm quyền xét xử cho tòa án cấp huyện theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự,  Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, việc thiếu luật sư tham gia tố tụng đã ảnh hưởng nguyên tắc tranh tụng tại tòa cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Trong khi đó, pháp luật tố tụng chưa quy định các chuyên viên trợ giúp pháp lý của Nhà nước được quyền tham gia bào chữa cho người nghèo, người được hưởng chính sách ưu đãi cũng không bảo đảm.

Hiện có 64 trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc tỉnh, 1.676 chi nhánh ở các huyện, thị với các mô hình như câu lạc bộ, tổ, điểm trợ giúp pháp lý. Có trên 656.000 vụ việc được trợ giúp pháp lý miễn phí trong 8 năm (1998 - 2005) nhưng chủ yếu là các việc tư vấn, hòa giải, tư vấn pháp luật... Còn tham gia vụ, việc cụ thể tại các phiên tòa hình sự, dân sự, xem ra người được trợ giúp còn quá chật vật.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) lo ngại: người nghèo tìm đến luật sư, đến trung tâm luật sư thấy... đóng cửa im ỉm, nếu có hỏi về trường hợp trợ giúp miễn phí thì có luật sư từ chối vì... bận việc khác! Trên thực tế, cụm từ miễn phí, trợ giúp đã nói lên tính nhân đạo của hoạt động này, nhưng nhiều người thuộc diện được trợ giúp nếu muốn được luật sư trợ giúp lại phải... chạy, phải lo lót tiền, thậm chí luật sư ra giá rõ ràng!

Bằng cách này, một số luật sư vừa được hưởng tiền trợ giúp theo quy định, vừa được tiếng trợ giúp người nghèo nhưng kỳ thực lại rất vụ lợi, vì động cơ riêng. "Người nghèo, người có công với cách mạng được hưởng trợ giúp pháp lý nếu chỉ làm hình thức trợ giúp tư vấn chung chung, còn đi vào vụ việc cụ thể mà không có chế định ràng buộc người có trách nhiệm tư vấn để tình trạng lộn xộn, tiêu cực, vòi vĩnh như vậy sẽ làm mất tính nhân văn của chính sách này" - đại biểu Nguyễn Minh Thuyết bộc bạch.

Như vậy, vấn đề đặt ra là phải loại bỏ động cơ vụ lợi của người có trách nhiệm trong trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, chế định ràng buộc trách nhiệm vẫn chưa thể hiện rõ trong dự thảo luật mà mới chỉ quy định trách nhiệm cơ quan, tổ chức trong xây dựng đội ngũ cộng tác viên, cung cấp thông tin, tài liệu, trả lời kiến nghị giải quyết trợ giúp pháp lý, phối hợp trợ giúp pháp lý trong tố tụng... Việc thành lập thêm tổ trợ giúp pháp lý mới thuộc các đoàn thể cũng không khả thi, dễ chồng chéo về tổ chức và hoạt động với trung tâm tư vấn pháp luật hiện hành

Đ.T. - A.H.
.
.
.