Quốc hội phê chuẩn việc Việt Nam gia nhập WTO

Thứ Tư, 29/11/2006, 08:19

Chiều qua (28/11), với sự nhất trí cao, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nghị định thư này được ký ngày 7/11/2006 tại Geneva, Thụy Sĩ, đưa Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO.

Sẽ không có tác động đáng ngại

Sau 30 ngày nữa, Việt Nam sẽ chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới. Việc này đã tác động trực tiếp đến quan hệ kinh tế thương mại của nước ta với các nước trên thế giới, các tổ chức kinh tế và khu vực mà nước ta tham gia. Việc gia nhập WTO sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội lớn và động lực để Việt Nam thúc đẩy đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, tạo nên năng lực sản xuất mới; hàng hoá, dịch vụ của nước ta nhận được sự đối xử bình đẳng khi tiếp cận thị trường của tất cả các thành viên WTO và cơ hội sử dụng Quy chế giải quyết tranh chấp của WTO để đấu tranh bình đẳng với các đối tác thương mại, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tham gia bình đẳng vào việc hoạch định các định chế thương mại toàn cầu.

 Báo cáo Quốc hội về kết quả đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam trong buổi sáng cùng ngày, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho biết, phần lớn các cam kết đa phương ta đạt được là phù hợp với luật pháp và đường lối đổi mới của Việt Nam, nên sẽ không gây ra tác động lớn. Thậm chí, các cam kết về minh bạch hóa, nếu thực hiện tốt sẽ mang lại lợi ích to lớn cho người dân và doanh nghiệp.

Đối với việc giảm thuế nhập khẩu và mở cửa thị trường dịch vụ, một số ngành sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh, nhưng không đáng ngại, bởi trên thực tế, mức giảm thuế theo cam kết gia nhập WTO không sâu, rộng như mức ta đã cam kết và đã thực hiện với các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc. Do đó, sẽ không có biến động quá lớn.

Báo cáo của Bộ trưởng Trương Đình Tuyển khẳng định rằng, việc giảm thuế cũng không gây thất thu đáng ngại cho ngân sách. Thực tế, tổng thu từ thuế nhập khẩu hiện chỉ chiếm 9% tổng thu ngân sách. Kim ngạch nhập khẩu chịu ảnh hưởng của cắt giảm thuế chỉ chiếm 20% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng năm. Việc cắt giảm lại theo lộ trình, bình quân khoảng 5 năm, nên ước tính phần này chỉ giảm trên dưới 2.000 tỷ/năm, tức chưa đầy 1% tổng thu ngân sách, hoàn toàn có thể bù đắp bằng những nguồn thu khác dự kiến sẽ tăng mạnh khi Việt Nam đã gia nhập WTO...

 Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại về Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập WTO của Việt Nam do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Mão trình bày cũng đánh giá, các cam kết đạt được là hợp lý và phù hợp với trình độ phát triển của đất nước, trong đó tận dụng được những ưu đãi mà WTO dành cho các nước đang phát triển, lùi được thời hạn thực hiện một số cam kết.

Cần kế hoạch hành động cụ thể

Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư về việc Việt Nam gia nhập WTO đồng ý áp dụng trực tiếp các cam kết của Việt Nam được nêu tại Phụ lục đính kèm Nghị quyết và các cam kết khác của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới được quy định đủ rõ, chi tiết trong Nghị định thư, các Phụ lục đính kèm và Báo cáo của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới.

Trong trường hợp các quy định của pháp luật Việt Nam trái với các quy định của Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới, Nghị định thư và các tài liệu đính kèm thì áp dụng các quy định của Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới, Nghị định thư và các tài liệu đính kèm.

Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao thực hiện một số nhiệm vụ, gồm: Rà soát các cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới được quy định đủ rõ, chi tiết trong Nghị định thư, các Phụ lục đính kèm và Báo cáo của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới, nhưng chưa được nêu trong phụ lục đính kèm nghị quyết này để áp dụng trực tiếp và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới; sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền phù hợp cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới; trên cơ sở đánh giá những cơ hội và thách thức, thuận lợi và khó khăn, những tác động của việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đẩy mạnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới...

Bá Tuấn - Đăng Trường
.
.
.