Quảng Trị: Đẩy mạnh công tác phòng chống ma túy học đường

Chủ Nhật, 15/07/2007, 14:00

Trong những năm qua, ngành Giáo dục Quảng Trị đã chủ động phối hợp với ngành Công an, Đoàn thanh niên, Phụ nữ... phát triển mô hình "Tuổi trẻ nói không với ma túy", "Vì mái trường không có tội phạm ma túy".

Quảng Trị là tỉnh được Ủy ban Quốc gia phòng chống ma túy xác định là một trong những tuyến trọng điểm về phòng ngừa, đấu tranh tội phạm ma túy. Bởi Quảng Trị có tuyến biên giới dài 206km, có quốc lộ 9 là trục đường xuyên Á nối liền hành lang kinh tế Đông Tây. Đặc biệt có cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay và 1 cặp cửa khẩu phụ giữa Quảng Trị với Savanakhẹt.

Tại tuyến biên giới với địa bàn hiểm trở, nhiều tuyến đường mòn cũng là điều kiện để bọn tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy lợi dụng để hoạt động. Trong khi đó, ở Quảng Trị, mặc dù dân số không đông, địa bàn đô thị chưa đến mức phức tạp nhưng với vị trí là sự giao lưu trên nhiều lĩnh vực thì đến nay, tình hình hoạt động của tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy cũng đặt ra nhiều tình trạng lo ngại và đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp... Đó chính là những yếu tố khách quan ảnh hưởng đến môi trường học đường và trở thành nguy cơ đe dọa sự ổn định của văn hóa giáo dục ở Quảng Trị.

Trong những năm vừa qua, điều đáng mừng là thực trạng ma túy trong học đường ở Quảng Trị chưa có những biểu hiện phức tạp. Năm 2004, phát hiện 1 trường hợp nghiện ma tuý là học sinh THPT (ở địa bàn Đông Hà). Cơ quan phòng chống ma tuý đã phối hợp nhà trường thực hiện các biện pháp quản lý cai nghiện tại cộng đồng cho đối tượng.

Năm 2005, phát hiện 2 đối tượng nghiện ma túy là học sinh, sinh viên (HSSV). Tuy nhiên, 2 đối tượng trên đều là học sinh từ Nghệ An vào Quảng Trị để cai nghiện. Năm 2006, phát hiện thêm 1 trường hợp, cũng là học sinh từ tỉnh khác đến.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn tồn tại những nguy cơ có thể khiến ma túy rất dễ xâm nhập học đường, đó là các đối tượng nghiện hút trong và ngoài tỉnh đang và có thể sẽ tiếp tục lôi kéo các em học sinh vào con đường tội lỗi. Thậm chí bọn chúng còn vào nhà trọ của HSSV để uy hiếp và tiêm chích nhiều lần.

Ngoài ra, những đối tượng buôn bán các chất ma túy thường nhằm đối tượng sử dụng là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên để dễ lôi kéo... Trong khi đó, đa phần HSSV đều còn hiếu động, với bản tính tò mò, thích khám phá và thể hiện bản thân có thể sử dụng một lần cho biết, cho sành điệu... Từ đó dần dần sẽ đẩy các em vào con đường phạm tội. Một vấn đề khác là không ít bậc phụ huynh tỏ ra ít quan tâm đến tâm tư, lối sống và quan hệ của con em mình, thậm chí nhiều gia đình bỏ mặc.

Nhận thức được những vấn đề đáng quan tâm trên, trong những năm vừa qua, ngành Giáo dục đã chủ động phối hợp với các cấp các ngành như Công an, Đoàn thanh niên, Phụ nữ... đẩy mạnh nhiều biện pháp nhằm phòng tránh tệ nạn ma túy trong học đường. Trước hết là phát triển mô hình "Tuổi trẻ nói không với ma túy", "Vì mái trường không có tội phạm ma túy"...

Theo số liệu thống kê, trong hai năm 2005-2006, Đoàn TNCS HCM đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn về công tác phòng chống tội phạm, trong đó có tội phạm ma túy cho hơn 15 ngàn lượt đoàn viên, thanh niên, HSSV...

Ngoài ra, Công an và Đoàn thanh niên đã hướng dẫn các trường học tổ chức cho đoàn viên, học sinh, sinh viên cam kết với chính quyền và nhà trường không vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội ở trên 50 đơn vị trường học.

Đồng thời, các cấp các ngành cũng chủ động nâng cao sự phối hợp giữa những ngành liên quan như: Công an, Giáo dục, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ... Từ đó có cơ chế phối hợp quản lý để con em học sinh không sa vào tệ nạn ma túy. 

Ma túy học đường đang thực sự là một vấn đề đáng quan tâm của ngành Giáo dục nói riêng và cả xã hội nói chung. Vì vậy, các cấp các ngành liên quan cần chủ động hơn nữa vai trò của mình để hạn chế tối đa ma túy xâm nhập học đường, nhằm bảo vệ an toàn môi trường văn hóa giáo dục, vì một thế hệ tương lai tươi sáng

Hoàng Quốc Tiến
.
.
.