Quảng Ninh vẫn mất điện diện rộng, hơn 500 ngôi nhà bị tốc mái

Thứ Hai, 11/11/2013, 10:03
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, đến 9h ngày 11/11, sau khi bão số 14 đổ bộ vào Quảng Ninh chưa gây thiệt hại về người, nhưng đã làm cho 500 ngôi nhà bị tốc mái và bị sập (chủ yếu ở huyện Vân Đồn, Hải Hà, Tiên Yên, Hoành Bồ), nhiều tài sản bị hư hại nghiêm trọng. Do sự cố của đường điện 110kv và đường dây trung thế đã gây ra mất điện trên diện rộng ở tỉnh này. Đến 11h sáng nay vẫn chưa có điện trở lại.

Bà Nguyễn Thị Thìn, công nhân Công ty Than Hà Lầm cho biết: “Đêm qua tôi làm ca 2, mưa to, gió lớn, lại mất điện nên đi từ cơ quan về nhà rất nguy hiểm. Tôi buộc phải gọi taxi, mặc dù là đêm bão nhưng họ vẫn phục vụ người dân tận tình”. Bà Thìn cũng cho biết thêm, tại khu dân cư số 4 phường Trần Hưng Đạo, những gia đình ở sát núi đã chuẩn bị phương án đón “siêu bão” bằng cách di chuyển những tài sản có giá trị ra vùng an toàn. Rất may, bão đi qua nhanh và không gây sạt lở đất núi nên bà con khá yên tâm.

Lực lượng CSGT Công an tỉnh Quảng Ninh đang phân luồng giao thông tại đầu cầu Bãi Cháy (Ảnh Nguyễn Khánh).

Ngày 11/11, toàn bộ học sinh trên địa bàn TP Hạ Long được nghỉ học. Mất điện gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và ngừng trệ các hoạt động sản xuất của tỉnh này. Chị Trần Thị Nguyệt, ở phường Cao Xanh, TP Hạ Long cho biết: “Bão số 14 khiến cho rau xanh và thực phẩm tươi sống khan hiếm, giá tăng lên gấp rưỡi, gấp đôi ngày thường. Sáng nay tại chợ Hạ Long II, các mặt hàng thuỷ hải sản như cá, tôm hầu như không có, chỉ có cá nước ngọt. Do bão nên rau, hoa quả, gia cầm vận chuyển từ các địa phương khác vận về khó khăn, dẫn tới ít hàng”.

Mưa to, gió lớn đã làm cho cột phát sóng của Đài PTTH TP Uông Bí cao 50m bị gãy đổ. Theo Công an tỉnh Quảng Ninh thì ngay trong đêm và sáng sớm hôm nay, lực lượng Công an TP Uông Bí và các đơn vị chức năng đã có mặt tại hiện trường để khắc phục sự cố và đảm bảo công tác an toàn giao thông cho người, phương tiện qua lại. Do nằm trong luồng đi của bão nên huyện Vân Đồn và TP Hạ Long có mưa to, gió lớn. Lực lượng CSGT Công an TP Hạ Long đã phải bố trí phân luồng ở 2 đầu cầu Bãi Cháy để tránh ùn tắc.

Một ngôi nhà bị tốc mái ở Cô Tô (Ảnh Báo Quảng Ninh).

Do bão số 14 trực tiếp đổ bộ vào Quảng Ninh nên tàu HP-1089 chở đá có trọng tải 650 tấn đang đậu ở huyện Vân Đồn đã bị tuột neo trôi đến Nhà máy điện Cẩm Phả. Lực lượng tìm kiếu cứu nạn của tỉnh Quảng Ninh đã cứu được 1 thuỷ thủ, hiện còn 3 người mất tích chưa tìm thấy. Có 23 tàu đánh cá trọng tải 2 tấn của Vân Đồn, Cô Tô, Đầm Hà, Hải Hà và 1 tàu du lịch của TP Hạ Long bị đắm.

Tại Hạ Long có 1 nhà bè, 5 lồng cá bị đắm. Huyện Vân Đồn cũng có 25 nhà bị bị trôi, 10 cột điện ở Vân Đồn và Quảng Yên bị đổ.

Một tàu cá bị đắm tại Quảng Ninh khi cơn bão số 14 quét qua. Ảnh Trịnh Mạnh

Cơ quan chức năng đang kiểm tra các khu vực bị thiệt hại. Ảnh Trịnh Mạnh

Tại huyện Tiên Yên đang phải đối mặt với nguy cơ lũ lớn khi triều cường ngoài biển dâng cao khiến nước sông ở huyện này đang dâng cao khoảng 4m, lên gần sát đường giao thông. Hàng trăm hộ dân ở Tiên Yên bị nước ngập vào nhà, UBND huyện đã di dời hơn 1 nghìn hộ đến nơi an toàn. Đây là địa bàn mà tỉnh Quảng Ninh đang đặc biệt quan tâm ngay khi bão tan.

Trao đổi với phóng viên CAND Online, ông Nguyễn Đức Thành, Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh cho biết, bão số 14 đổ bộ vào huyện đảo Cô Tô từ lúc 21h ngày 10/11 đến 3h sáng ngày 11/11 với sức gió cấp 10, cấp 11, có lúc giật cấp 13, mưa to. Bão về cũng khiến cho toàn huyện đảo Cô Tô mất điện từ 22h ngày 10/11 đến nay.

Ông Thành cho biết, do Cô Tô nằm trong luồng đi của bão nên có gió giật mạnh, từ sáng 10/11 lực lượng chức năng của huyện đã tập trung kêu gọi trên 500 tàu thuyền vào nơi tránh trú. Đến thời điểm này Cô Tô không mưa, tuy nhiên vẫn còn gió nhẹ. “Ảnh hưởng của bão số 14 đã khiến cho 1 số cây bị gãy đổ, 11 ngôi nhà tốc mái, một số tàu thuyền nhỏ trong nơi tránh trú bị chìm (thuyền của cả ngư dân địa phương và một số nơi khác)”- ông Thành cho biết.

Rất may mắn là bão số 14 đến thời điểm này chưa gây thiệt hại về người tại huyện đảo Cô Tô. Tuy nhiên nó cũng làm xáo trộn đời sống của nhân dân khi mất điện, ngừng sản xuất. Theo ông Thành thì có thể vài hôm nữa, khi “bão tan biển lặng” ngư dân lại ra khơi sản xuất và đánh bắt hải sản

Trần Hằng - Nguyễn Khánh
.
.
.