Quảng Ninh: Cảnh báo nguy cơ mất khả năng kiểm soát ATGT đường thủy

Thứ Tư, 17/05/2006, 08:12
Với hàng trăm km bờ biển, Quảng Ninh là địa phương phát triển mạnh về kinh tế biển, kéo theo sự bùng nổ về phương tiện giao thông đường thủy (GTĐT). Điều đáng lo ngại là các chủ phương tiện chỉ chăm chú vào việc khai thác vận hành mà không hề quan tâm thực hiện những yêu cầu kỹ thuật an toàn, phòng hộ, cứu sinh.

Với hàng trăm km bờ biển, Quảng Ninh là địa phương phát triển mạnh về kinh tế biển, kéo theo sự bùng nổ về phương tiện giao thông đường thủy (GTĐT). Điều đáng lo ngại là các chủ phương tiện chỉ chăm chú vào việc khai thác vận hành mà không hề quan tâm thực hiện những quy định nghiêm ngặt và bắt buộc về quản lý, yêu cầu kỹ thuật an toàn, phòng hộ, cứu sinh.

Tại thời điểm hiện nay, địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 9.355 phương tiện tham gia giao thông đường thủy, trong đó có 4.681 phương tiện tham gia đánh bắt hải sản, còn lại là các phương tiện khác như vận tải hàng hóa, chở người được chia thành 4 loại theo công suất và sức chở của mỗi phương tiện.

Những con tàu “không số”

Theo Phòng CSGT đường thủy - Công an Quảng Ninh, tuy số lượng phương tiện thủy lớn như vậy nhưng công tác đăng ký, đăng kiểm thực hiện rất chậm, thậm chí chủ phương tiện không tự giác khai báo đăng ký, gây rất nhiều khó khăn cho công tác thanh kiểm tra.

Từ những năm trước, việc quản lý các loại phương tiện đường thủy tùy theo chức năng khai thác đã được phân cấp. Tuy nhiên, hầu hết các cơ quan địa phương là UBND các huyện, thị xã vẫn chưa triển khai mạnh mẽ việc kiểm tra hướng dẫn đăng ký, tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa. Chính vì thế, rất nhiều cá nhân, tập thể đã lợi dụng kẽ hở này đầu tư, mua sắm hoặc tự chế hàng ngàn phương tiện quy mô vừa và nhỏ, tự cho phép mình tung hoành trên sông, biển. Đây là điều khó hiểu đối với Quảng Ninh vì ngay trong thời bình vẫn có nhiều con tàu... “không số”.

Luật có cũng như không?

Điều đáng lo ngại nhất là ý thức chấp hành Luật GTĐT tại Quảng Ninh chỉ tập trung vào các doanh nghiệp có phương tiện quy mô lớn. Số còn lại chiếm số đông nhưng lại tỏ ra ngang ngược khi kiểm tra đối chiếu với những quy định theo luật.

Trong số 4.681 phương tiện đánh bắt hải sản, số phương tiện thiếu phao hoặc không có phao cứu sinh chiếm gần 70%, các phương tiện khác cũng thiếu rất nhiều phao cứu sinh, chứng chỉ chuyên môn của thuyền trưởng, máy trưởng, chứng chỉ lái phương tiện... Quảng Ninh có tới trên 765 phương tiện đò các loại hoạt động ở 11 địa phương nhưng chỉ có 35% số phương tiện được đăng kiểm, 12,5% có chứng chỉ chuyên môn và hầu hết các đò đều thiếu thiết bị an toàn, nhất là phao cứu sinh. 70% số vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa tại Quảng Ninh trong thời gian qua chủ yếu là do phương tiện đò. Trong đó, có vụ làm hàng chục người thiệt mạng gây xôn xao cả nước xảy ra vào năm ngoái. Song, chưa có dấu hiệu gì cho thấy ý thức bảo vệ an toàn cho khách của các chủ đò được nâng cao.

Công tác quản lý các bến cảng đón trả khách vẫn còn chưa được các cấp, ngành quan tâm. Đến thời điểm này, chỉ có 32/45 cảng của Quảng Ninh đang hoạt động có giấy phép. Nhưng hầu hết cơ sở hạ tầng liên quan đều đã xuống cấp.

Ngoài ra, theo Phòng CSGT đường thủy, qua kiểm tra tại các tuyến Vân Đồn - Cô Tô, Vân Đồn - Quan Lạn, lỗi vi phạm thường thấy nhất là chở người kết hợp chở hàng hóa, súc vật, chất cháy nổ, phương tiện thủy chưa được trang bị đầy đủ các dụng cụ, thiết bị bảo hộ an toàn để kịp thời đối phó với những tình huống xấu bất ngờ xảy ra... Trong tình huống như thế, dù là đơn vị chức năng, song ngoài nhiệm vụ thường xuyên, Phòng CSGT đường thủy chỉ có thể tăng cường tuyên truyền, vận động quyên góp phao cứu sinh ủng hộ dân chài...

Rõ ràng "bức tranh" tổng quát về tình hình ATGT đường thủy tại Quảng Ninh đang có... "vấn đề".  Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng nguyên nhân quan trọng là bất lực đối với loại phương tiện quy mô vừa và nhỏ. Đến đây chợt nhớ rằng, Luật GTĐT đã có hiệu lực từ lâu, trong đó, Điều 24 quy định quản lý loại phương tiện thủy dưới 1 tấn thuộc về chính quyền địa phương các cấp. Nhưng cho đến nay, văn bản hướng dẫn thực thi điều khoản này vẫn chưa được UBND tỉnh ban hành. Vì vậy, biết là bức xúc, bất cập trong khâu quản lý, kiểm tra, song thuộc cấp vẫn không biết bắt đầu và kết thúc ra sao khi chưa được sự chỉ đạo bằng văn bản từ UBND tỉnh

Lê Minh
.
.
.