Quảng Ninh: Cần coi trọng công tác an toàn cho du khách tham quan Vịnh Hạ Long

Thứ Sáu, 24/10/2014, 10:06
Năm nào cũng xảy ra những vụ tai nạn trên Vịnh Hạ Long, khi cháy tàu, lúc chìm tàu. Nguyên nhân có đủ 2 yếu tố, do khách quan (giông, lốc) và cũng có phần do yếu tố chủ quan do con người gây ra. Vì vậy, hơn lúc nào hết, trong chiến lược xây dựng phát triển ngành du lịch lên tầm cỡ quốc tế vừa mới được UBND tỉnh Quảng Ninh thông qua, từ đây cần tăng cường quản lý chặt chẽ hơn nữa công tác an toàn đối với các dịch vụ vận chuyển khách du lịch và dịch vụ lưu trú qua đêm trên Vịnh Hạ Long.

Vẫn là phát triển thiếu kiểm soát

Từ năm này sang năm khác, đi cùng với sự khai thác tiềm năng du lịch trên Vịnh Hạ Long thành nòng cốt cho ngành Du lịch, các dịch vụ kèm theo cũng ngày một phát triển. Trong đó, dịch vụ vận chuyển khách du lịch tăng nhanh theo từng năm một. Mặc dù đã qua nhiều đợt rà soát, chấn chỉnh, loại bỏ những tàu không hội đủ điều kiện ra khỏi hệ thống dịch vụ, nhưng đến nay vẫn có trên 500 tàu vận chuyển khách du lịch với công suất vận chuyển khoảng 2 triệu lượt du khách/năm. Chưa dừng lại ở đó, trong vòng vài năm trở lại đây, một dịch vụ mới cũng đã được hình thành là nghỉ qua đêm ở tàu du lịch ngay trên mặt Vịnh. Từ chỗ chỉ một vài tàu thí điểm, trong tổng số 500 tàu đã có khoảng 150 tàu (chiếm khoảng 35%) chuyên phục vụ lưu trú qua đêm như những khách sạn nổi trên Vịnh Hạ Long.

Phải thừa nhận rằng, lưu trú qua đêm là một sản phẩm du lịch mới, làm tăng sức hấp dẫn đối với du khách, nhất là khách quốc tế. Trước nhu cầu này, Sở Văn hóa, Thể thao - Du lịch (VH,TT&DL), Sở Giao thông Vận tải (GTVT) và các lực lượng chức năng cũng từng bước chuẩn hoá các quy định về quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện, an toàn đối với dịch vụ cũng chính là bảo đảm an toàn cho du khách. Chỉ trong 3 năm (từ năm 2012 đến 2014), đã có hàng loạt quy định tạm thời, quyết định điều chỉnh, bổ sung sửa đổi các quy định cũ được ban hành với hàng trăm điều khoản mới có xu hướng thắt chặt, chuẩn hoá các tiêu chí, điều kiện an toàn với tàu du lịch nói chung, sau này là tàu lưu trú nói riêng. Có không ít lần các doanh nghiệp dịch vụ tàu du lịch phản ánh, kiến nghị, cho rằng tỉnh làm khó cho chủ tàu, tức là cho ngành Du lịch. Tuy nhiên, do đây là những ngành nghề mới, thậm chí có dịch vụ mới hoàn toàn như lưu trú qua đêm trên Vịnh, mà ngay cả Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Hàng hải, Luật Du lịch cũng chưa tiệm cận các khái niệm pháp lý đối với dịch vụ này.

Một điểm được phép neo đậu tàu lưu trú.

Đây chính là "thời kỳ quá độ" của tàu du lịch từ vận chuyển lên lưu trú. Quy định quá nhiều, thay đổi liên tục khiến cơ quan chức năng khó thực thi chấp pháp. Mặt khác, công tác kiểm tra phải triển khai trên mặt biển, phải có tàu, phải có thời gian nên tiến hành không thể thường xuyên, khâu xử lý lại chưa đồng bộ nên nhiều quy định chưa thể quán triệt đến từng chủ tàu. Chính vì vậy, nhiều tàu chỉ có công năng vận chuyển bình thường, nhưng chỉ cần gia cố, ngăn vách, lắp đặt điều hoà là có thể bố trí từ 3-5 phòng ngủ đêm. Nếu chỉ chạy tour bình thường, mỗi tàu chỉ thu được từ 1,3-1,5 triệu đồng/lượt. Nhưng nếu có thêm chỗ để khách ngủ qua đêm, mỗi phòng cũng thu được từ 1-5 đến 2 triệu đồng/phòng. Do đó, xu hướng có nhiều chủ tàu muốn bao trọn gói từ khâu vận chuyển đến khâu lưu trú, nhất quyết không san sẻ thị phần. Đặc biệt, để tăng tính cạnh tranh, nhiều tàu nâng cấp lên tầng, trang trí lộng lẫy phần vỏ bên ngoài rồi tự mình gắn sao nâng hạng vô tôị vạ. Ngay cả khâu ban đầu từ cảng Bãi Cháy, việc làm thế nào để du khách thiết lập được một hành trình tham quan bằng tàu này nhưng ngủ lại ở tàu có chức năng lưu trú cũng khó, phần lớn do các môi giới dẫn dắt.

Hay, nhưng đừng mạo hiểm

Một du khách ở Hà Nội kể lại, tránh dịp hè đông đúc, tuần rồi mới đưa gia đình thăm và ăn ngủ một đêm ở Vịnh Hạ Long rồi mới về. Tuy nhiên, gọi là buồng phòng cho oai, chứ thực sự chẳng ra gì, điều hoà chỉ chạy một lúc rồi tắt vì điện cấp bằng máy nổ ồn ào không ai chịu nổi. Cả đêm cứ chòng chành, không thực sự yên tâm để có một giấc đêm an lành trên Vịnh như tưởng tượng trước chuyến đi. Ngay trong đêm, vị khách này đã muốn chủ tàu quay vào bờ để tìm khách sạn ngủ cho chắc nhưng không được đáp ứng. Thế là thức trắng.

Nói không an toàn không phải là bịa đặt. Những con tàu quá mong manh, quá chông chênh, các dịch vụ thiếu chuyên nghiệp và xử lý tình huống không an toàn. Bằng chứng rõ nhất là chỉ trong vòng 1 ngày (chiều 28 và rạng ngày 29/8 vừa qua), dù chỉ vài cơn lốc nhẹ nhưng đã làm cho 3 con tàu bị chìm xuống Vịnh Hạ Long. Đầu tiên là tàu Tùng Trang BKS QN 2447 của Công ty cổ phần Hồng Phong bị chìm khi đang chở 12 khách quốc tế, 1 hướng dẫn viên và 7 thuyền viên tại khu vực Ba Hang, Vịnh Hạ Long. Đến tối có thêm tàu BKS QN-3012 và tàu nghỉ đêm cao cấp Sun BKS QN – 2287 bị lốc nhấn chìm ngay khu vực cảng tàu Bãi Cháy, may không có thiệt hại nào về người đối với 3 con tàu bị chìm. Giả sử tàu bị chìm vào lúc du khách đang say ngủ ở giữa vùng khơi thì chuyện gì xảy ra?

Chính vì sự mất an toàn liên tiếp trên Vịnh, tháng 9/2014, Tổng cục Du lịch đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh nghiêm túc triển khai Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch đảm bảo an ninh an toàn cho khách du lịch. Đồng thời đề nghị tỉnh chỉ đạo các ban, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý, triển khai các biện pháp cần thiết, để đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch và tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long, đặc biệt là các tàu du lịch có dịch vụ lưu trú nghỉ đêm, nhà hàng nổi trên vịnh.

Tuy nhiên, việc mà Quảng Ninh làm được cho đến thời điểm này mới chỉ là công bố 5 điểm trên Vịnh Hạ Long được neo đậu tàu lưu trú.

Không nghi ngờ gì về thế thượng phong có một không hai về khai thác du lịch trên Vịnh Hạ Long. Nhưng có lẽ Quảng Ninh cần làm nhiều việc thiết thực hơn nữa để tăng tính an toàn, đưa công tác an toàn làm mục tiêu hàng đầu đối với tàu chở khách và tàu lưu trú

Lê Minh Triết
.
.
.