Quảng Ngãi: Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường

Thứ Sáu, 15/08/2008, 08:59
Trạm quản lý thủy nông số 3 huyện Tư Nghĩa hiện quản lý 19 tuyến kênh, với tổng chiều dài trên 120km, phục vụ nước tưới cho gần 4.000ha đất nông nghiệp thuộc địa bàn huyện Tư Nghĩa và TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi).

Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại nhất hiện nay là một số tuyến kênh đã ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của một số hộ dân đã vứt rác thải và cả gia súc chết xuống lòng kênh.

Điều này không những làm cản dòng chảy mà còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, vệ sinh môi trường của những hộ dân sống gần các điểm xi phông, khiến không ít người dân bức xúc.

Trên tuyến kênh N6, tại điểm cầu bản số 3, nằm trên quốc lộ 1A - thuộc địa bàn phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi, tại đây hằng ngày nhân viên Trạm quản lý thủy nông số 3 đã vớt và xử lý một khối lượng rác, xác súc vật chết rất lớn.

Theo khẳng định của Trạm quản lý thủy nông số 3 thì hầu hết rác thải là do các hộ dân trên địa bàn TP Quảng Ngãi vứt xuống lòng kênh. Bởi tuyến kênh này đã chạy qua các khu dân cư của TP Quảng Ngãi. Đi dọc theo bờ kênh N6 lên phía Tây, tình trạng ô nhiễm môi trường càng nghiêm trọng hơn.

Tại xi phông thuộc tổ 4, phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, chủ yếu là xác súc vật, khiến người dân vô cùng khó chịu mỗi khi đi qua khu vực này. 

Ngoài tuyến kênh N6 ô nhiễm, hiện nay trên địa bàn huyện Tư Nghĩa và TP Quảng Ngãi có các tuyến kênh như N8; N8.5; N11 cũng thường xuyên xảy ra tình trạng ứ đọng rác thải tại các xi phông, gây nên tình trạng ứ nước dễ dẫn đến vỡ kênh.

Đây được coi là mối hiểm nguy rất lớn trong việc vận hành và điều phối nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Anh Phan Sáu, nhân viên Trạm quản lý thủy nông số 3 huyện Tư Nghĩa cho biết, ngoài nhiệm vụ điều phối, duy tu bảo dưỡng hệ thống kênh, các anh phải kiêm luôn việc dọn vệ sinh môi trường trên các tuyến kênh mương.

Do công việc hằng ngày phải tiếp xúc với rác thải nên ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài ô nhiễm môi trường do rác thải, xác động vật chết, hiện nay ở tuyến kênh này còn bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải tái chế nhựa chưa qua xử lý của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trung Thắng tại tổ 4, phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi.

Nước thải được cơ sở sản xuất này xả trực tiếp vào kênh N6, nước thải ra ngoài có màu đen ngòm mà mắt thường ai cũng dễ dàng nhận thấy khi đi qua khu vực này. Theo phản ánh của người dân địa phương thì nguồn nước thải này đã làm một số diện tích lúa gần khu vực này chậm phát triển, nông dân trực tiếp tiếp xúc với nguồn nước bẩn thường bị bệnh ngoài da.

Qua trao đổi với ông Trần Thiên Thanh, Trạm trưởng Trạm quản lý thủy nông số 3 huyện Tư Nghĩa cho rằng, việc các cơ sở kinh doanh xả nước thải trực tiếp ra hệ thống kênh Thạch Nham mà không có giấy chứng nhận nước thải đạt tiêu chuẩn của các cơ quan chức năng thì vi phạm nghiêm trọng theo Quyết định 55 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trạm quản lý thủy nông số 3 cùng chính quyền địa phương đã làm việc trực tiếp với doanh nghiệp Trung Thắng yêu cầu việc dừng xả nước thải ra kênh cho đến khi có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn, nhưng doanh nghiệp này vẫn phớt lờ đề nghị.

Ngoài ra, tuyến kênh N6 vượt cấp 16 ở xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa cũng rơi vào tình cảnh ô nhiễm môi trường tương tự. Nghiêm trọng hơn là hiện nay một số hộ dân ở thôn An Hội Bắc, xã Nghĩa Kỳ còn xây dựng trại để làm nơi buôn bán trên tuyến kênh này. Rác thải của các điểm buôn bán này đều đổ xuống kênh.

Có thể nói, tình trạng người dân vứt rác thải, xác súc vật và xả nước thải chưa qua xử lý xuống hệ thống kênh mương Thạch Nham tại huyện Tư Nghĩa và TP Quảng Ngãi đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo vệ hệ thống công trình thủy lợi, không những ảnh hưởng đến quá trình vận hành điều phối nước mà còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Do đó, các ngành chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho nhân dân trong vùng có hệ thống kênh chạy qua, góp phần cho đơn vị thủy nông hoàn thành tốt việc tải nước phục vụ cho sản xuất

Hồng Lĩnh
.
.
.