Quảng Nam khẩn trương chống xâm nhập mặn cứu lúa Hè Thu
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, từ cuối tháng 6-2019 đến nay, ở Quảng Nam mưa rất ít, do đó nguồn nước thượng nguồn các sông giảm mạnh nên nước mặn từ biển đã xâm nhập sâu vào các sông.
Điển hình như sông Thu Bồn và sông Vĩnh Điện cung cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực và tưới phục vụ sản xuất cho 2.000ha đất nông nghiệp của Duy Xuyên, Điện Bàn và Hội An. Nhưng hiện tại, hồ chứa nước điều tiết nước cấp cho các con sông này giảm mạnh, đã khiến cho mặn xâm nhập sâu vào nội địa.
Nhiều diện tích lúa vụ Hè Thu đứng trước nguy cơ khô hạn. |
Sông Thu Bồn mực nước đã xuống thấp, mặn xâm nhập sâu lên phía thượng nguồn có thời điểm lên đến 20 phần nghìn, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các trạm bơm thủy lợi và đã có hơn 460ha lúa vụ Hè Thu tại các xã Duy Phước, Duy Vinh, Nam Phước (Duy Xuyên) lâm vào tình trạng khô hạn.
Bà Nguyễn Thị Thủy (ở Câu Lâu Đông, Duy Phước) cho biết, gia đình bà hiện có 3 sào lúa đang chuẩn bị bước vào giai đoạn đứng cái, làm đòng, nhưng do xâm nhập mặn trạm bơm 19/5 hoạt động cầm chừng nên ruộng lúa đã bị khô hạn nặng. Nếu nắng nóng kéo dài không có nước tưới thì vụ lúa Hè Thu năng suất sẽ bị giảm rất nhiều...
Các trạm bơm Triêm Nam (Điện Phương); Điện Bình, Lâm Thái (Điện Minh), Điện An 1 (Điện An), của thị xã Điện Bàn cũng không thể hoạt động do nước mặn thường xuyên án ngữ trước miệng bể hút với nồng độ hơn 1 phần nghìn, vượt mức cho phép hơn 0,2 phần nghìn, khiến cho hơn 500ha lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, đứng cái nguy cơ mất trắng...
Đặc biệt, tình trạng khô hạn kéo dài dẫn đến xâm nhập mặn ở hạ lưu các con sông còn làm cho nhiều địa phương ven biển bị thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng. Ở Hội An, người dân phải vất vả đi tìm nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt, do bởi tình hình xâm nhập mặn sâu khiến nhà máy nước không cung ứng đủ nước.
Bà Võ Thị Hương, ở khối phố Phong Thiện, phường Sơn Phong, cho hay, gia đình bà kinh doanh quán cà phê nhưng hơn nửa tháng nay tình trạng thiếu nước diễn ra khiến việc sinh hoạt và kinh doanh buôn bán của gia đình gặp muôn vàn khó khăn.
“Thời gian trước nước còn yếu yếu, nhưng mấy hôm nay thì cúp hẳn. Tôi phải qua hàng xóm xin nước giếng về sử dụng tạm thời, nhưng cũng bữa có bữa không. Hạn hán cứ kéo dài như thế này không biết phải làm sao nữa”, bà Hương nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam cho biết, hiện nay đơn vị đang quản lý, vận hành 17 hồ chứa nước có quy mô vừa và lớn, cùng 28 trạm bơm điện, cung ứng nước tưới cho hơn 25.542ha đất sản xuất nông nghiệp của vụ Hè Thu 2019. Tình trạng nắng hạn kéo dài, mực nước của hầu hết hồ chứa do công ty quản lý và khai thác đều thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Xâm nhập mặn cũng diễn ra, dự kiến tình hình sẽ ngày càng khốc liệt hơn, vụ lúa Hè Thu 2019 bị thiếu nước nghiêm trọng.
Để chủ động vận hành cấp nước tưới chống hạn cho cây lúa thuộc khu tưới của trạm bơm Vĩnh Điện và các trạm bơm liên quan trong khu vực thị xã Điện Bàn và TP Hội An, lãnh đạo công ty đã yêu cầu Chi nhánh Thủy lợi Điện Bàn tăng cường bảo vệ an toàn đập tạm ngăn mặn Tứ Câu; đồng thời theo dõi nguồn nước, quan trắc xâm nhập mặn trên sông chính Thu Bồn từ đó linh hoạt vận hành các trạm bơm nhằm bơm được nước ngọt nhiều nhất để cấp nước tưới, tạo nguồn và dự trữ đề phòng mặn với nồng độ cao kéo dài nhiều ngày dẫn đến không bơm tưới được.
Bên cạnh, sẽ làm việc với UBND thị xã Điện Bàn và các đơn vị liên quan để đôn đốc đẩy nhanh việc đào vét, khơi thông dòng chảy trên sông La Thọ nhằm tăng mạnh nguồn nước ngọt lấy từ sông Vu Gia qua đập dâng Thanh Quýt với mục tiêu đẩy mặn, tạo nguồn nước ngọt cho sông Vĩnh Điện...
Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, TP Hội An và Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án phòng chống hạn và nhiễm mặn.
Trong đó, tập trung cho các khu tưới do các trạm bơm có nguồn nước bị nhiễm mặn, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến nhằm tận dụng tối đa lượng nước hồi quy tại các kênh tiêu, sông suối nhỏ để bơm chống hạn, nạo vét các đoạn sông bị bồi lấp gây ách tắc dòng chảy; tiếp tục theo dõi, quan trắc mặn tại các đập vận hành cống lấy nước hợp lý…