Quảng Nam: Khuyến nông hay "đem nông dân bỏ chợ"

Thứ Ba, 22/08/2006, 13:24
Hơn 9 năm trời bỏ ra hàng trăm triệu đồng, công sức để thu hoạch một kết quả buồn: Chồng chất nợ nần phải bán gia sản chỉ vì những lời hứa hão và năng lực cán bộ khuyến nông yếu kém!

Hàng chục hộ gia đình nông dân ở các thôn 1 và 5 xã Tam Ngọc (thị xã Tam Kỳ) đang lâm vào trình trạng khốn đốn vì nghe theo lời quảng cáo làm giàu bằng hàng loạt giống cây của Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm thị xã Tam Kỳ...

Điển hình cho sự việc này là ông Nguyễn Văn Minh ở thôn 5. Ông đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua giống về trồng trên 1,7ha đất của gia đình mình. Nhưng sau 9 năm, cả 1.250 cây giống trồng không một cây nào cho trái. Cho đến hôm nay, khi đã chặt phá hết một nửa khu vườn, ông Minh nhẩm ra đã mất gần 500 triệu! Hơn 3 năm rồi, kinh tế gia đình ông rơi vào cảnh khốn đốn, ngân hàng cũng đã nhiều lần phát giấy đòi nợ...

Trong thôn 5 có gần hai chục gia đình thuộc diện nghèo khác cũng học tập gương ông, vay tiền mua hàng nghìn chói tiêu về trồng. Đến năm thứ 7 vẫn không thấy tiêu ra quả, bực quá, họ kéo đến nhà  ông Minh gây chuyện rồi về chặt trụi vườn tiêu.

Ông Cao Văn Thành ở thôn 1, Tam Ngọc cũng là "nạn nhân" của Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm thị xã Tam Kỳ. Năm 1997, khi nghe những lời giới thiệu của một vị cán bộ ở trạm khuyến nông thì ông đã bị mê hoặc bởi những viễn cảnh của tương lai về trồng giống xoài mà đáp số quá hấp dẫn. Cả 8 sào rau, chuối, ông phá hết để dành đất trồng 52 cây xoài mua của khuyến nông.

Sau 9 năm chờ đợi mòn mỏi, cả 52 cây xoài chỉ có 3 cây cho quả - quả cũng tượng trưng - còn tất cả thì... im bặt. Tiền bạc nợ nần, kinh tế gia đình trở nên khốn khó, thiếu trước hụt sau, vậy nên ông đã phải đi làm phụ hồ để có tiền cơm rau cho gia đình hàng ngày. Có lẽ cay đắng nhất là chuyện ông buộc phải bán 750m2 đất để có tiền trả nợ, cả vay ngân hàng và vay nóng...

Ngoài ông Minh, ông Thành, thị xã Tam Kỳ có đến 100 mảnh vườn cây bị chặt phá, cả tỷ đồng tiền của nông dân bị đổ sông đổ biển, hàng chục nông dân lâm vào nợ nần sau những "tích cực" "làm giàu" cho nông dân của VAC và Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm thị xã. Những nông dân đã đặt nhầm niềm tin vào cán bộ giờ khốn khó ai là người giúp đỡ, giúp họ khoanh nợ vay, được vay nợ mới để làm lại từ đầu? 9 năm rồi, Tam Kỳ giờ đã thành 2 đơn vị hành chính, cán bộ liên quan ngày nào giờ đã chuyển sang chỗ khác, chỉ có nỗi khổ còn ở lại với nông dân.

Ông Trần Văn Tương, Giám đốc Công ty Khuyến nông - Khuyến lâm tỉnh Quảng Nam những năm 1999-2004, cho biết: "Thời đó, cán bộ làm theo phong trào là chính, không theo quy trình dẫn nhập giống gì cả. Tình trạng cây trồng không cho quả ở Quảng Nam nhiều lắm (?!). Cơ quan tôi vừa hợp đồng với Trung tâm Duyên hải miền Trung của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam để vào khắc phục bằng cách ghép.

Tuy nhiên, phải 3 năm nữa mới biết kết quả thế nào". Ông Tương cho biết thêm: "Nhưng cũng phải khách quan thấy rằng, tình trạng trên là do cán bộ yếu chuyên môn, lại có bệnh thành tích, chứ thâm tâm không ai muốn như thế"?!

K. Tùng - T.P.
.
.
.