Quảng Bình: Một con đường dân sinh tiền tỷ bị phá nát

Thứ Hai, 17/03/2008, 10:32

Chúng tôi về xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh cùng với lá đơn của người dân nơi đây phản ánh về việc từ lâu họ buộc phải sống chung với "con đường đau khổ" do 2 công ty khai thác đá trên địa bàn gây ra.

Năm 2005, hàng ngàn người dân nơi đây mở cờ, giong trống đón mừng ngày hoàn thành con đường liên xã huyết mạch của huyện Quảng Ninh nối từ đường Hồ Chí Minh vào tận Hang Chuồn. Song khi con đường thuộc dự án giao thông nông thôn 2 làm hết nhiều tỷ đồng này đưa vào sử dụng cũng là lúc Công ty Bình Lợi và Công ty Thế Thịnh, cả 2 có trụ sở đóng tại thành phố Đồng Hới tiến hành khai thác đá và cày xới nát con đường. Theo tính toán của lãnh đạo xã Trường Xuân, trung bình một ngày có từ 100-120 chuyến xe tải nặng của 2 đơn vị cày xới trên con đường này.

Vì vậy về mùa mưa, nhiều đoạn trên tuyến đường này ngập nước sâu trở thành những chiếc bẫy đối với người dân tham gia giao thông. Còn mùa hè, tất cả mọi người đều phải dùng khẩu trang mới vượt qua con đường này, bụi bay mù nên tầm nhìn chỉ còn trong vòng vài mét.

Trên tuyến đường này có 2 trường trung học cơ sở và tiểu học của xã Trường Xuân, nhìn cảnh các em nép mình vào tận bụi cây bên vệ đường để tránh những chiếc xe tải lao vun vút đi qua, chúng tôi thấy thật rùng mình.

Nhiều xe chở đá, song không có biện pháp an toàn nên vừa chạy đá vừa rơi vãi dọc đường gây nên nỗi ám ảnh cho hàng ngàn người dân nơi đây. Để vào xã Trường Xuân có chiếc cầu Rào Đá, song chiếc cầu này cũng đang chờ ngày sập vì tải trọng của nó chỉ dưới 8 tấn, song hàng ngày nó phải gánh hàng trăm chiếc xe tải nặng trên 10 tấn của Công ty Thế Thịnh và Công ty Bình Lợi lao qua.

Được biết, người dân nơi đây đã nhiều lần kiến nghị lên xã, xã kiến nghị lên huyện về việc con đường bị phá nát, song tất cả vẫn đang rơi vào im lặng. Theo lãnh đạo xã Trường Xuân cho biết, mỗi năm Công ty Thế Thịnh chỉ đóng cho ngân sách xã 13 triệu đồng và Công ty Bình Lợi là 11 triệu đồng. Số tiền đó không đủ cho xã chở đất lấp những "cái ao" trên đường vào mùa mưa do 2 công ty này gây ra. Hằng năm, huyện Quảng Ninh có đầu tư hàng trăm triệu đồng để sửa chữa tuyến đường này cũng không thể cưỡng lại sự tàn phá đường của Công ty Thế Thịnh và Bình Lợi.

Cuối năm 2007, lãnh đạo huyện Quảng Ninh có văn bản đề nghị 2 Công ty trên không được chở tải trọng trên 8 tấn chạy qua tuyến đường này. Văn bản của huyện là vậy nhưng có ai chấp hành. Một cán bộ y tế địa phương nơi đây cho rằng: Phải sống trong môi trường ô nhiễm thế này vài năm thì tất cả người dân nơi đây đều mắc bệnh về đường hô hấp.

Kiểu khai thác kinh doanh của Công ty Thế Thịnh và Bình Lợi chỉ nhằm một mục đích thu lợi nhuận, còn việc phá đường Nhà nước, làm ảnh hưởng đến hàng ngàn người dân thì họ không tính đến. Vậy tại sao lãnh đạo các cấp, ngành liên quan vẫn để cho 2 công ty trên mặc sức phá đường?

Dương Sông Lam
.
.
.