Quảng Bình: Kiên quyết xử lý nạn phá rừng

Thứ Hai, 20/04/2009, 16:30
Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định: Việc phá rừng Tuyên Hóa như Báo CAND phản ánh là có. Quan điểm của tỉnh không bao che cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào phá rừng và để mất rừng.
>> Quảng Bình: Rừng cấm bị lâm tặc "xẻ thịt" ồ ạt

Báo CAND đã có bài điều tra, phản ánh về tình trạng chặt phá rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh ở huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình. Sau khi báo ra đã nhận được sự đồng tình chia sẻ từ nhiều bạn đọc và các ban, ngành liên quan ở tỉnh.

Để rộng đường dư luận, đồng thời góp tiếng nói chung trong việc bảo vệ hàng chục ngàn hécta rừng ở Tuyên Hóa trước khi quá muộn, phóng viên Báo CAND đã làm việc với lãnh đạo ban, ngành liên quan của tỉnh Quảng Bình.

Rừng mất, dân vẫn nghèo

Việc rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ ở Tuyên Hóa bị "xẻ thịt" đã diễn ra trong một thời gian tương đối dài. Nhiều lần phóng viên Báo CAND đột nhập vào điểm nóng phá rừng để phản ánh, nhưng không gặp được những người trong cuộc; cả lực lượng liên quan bảo vệ rừng và các đối tượng phá rừng và hiện trường khai thác.

Gỗ lậu để đầy trong nhà dân ở Kim Hóa, Tuyên Hóa.

Hóa ra chỉ cần một lần phóng viên, điện thoại cho một ai đó ở sở tại để tìm hiểu về việc phá rừng, thì khi phóng viên đến cả cánh rừng bạt ngàn lại lặng lẽ không có lâm tặc, không có điểm khai thác, không lấy được tư liệu gì từ cơ quan chức năng.

Rút kinh nghiệm từ những lần trước, lần này phóng viên đã tự động vào rừng với sự giúp đỡ của những sơn tràng đã giải nghệ và sự việc đã được đưa ra ánh sáng.

"Phá rừng ở Tuyên Hóa một cách công khai, ồ ạt là có". Đó là câu trả lời chung của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, lực lượng kiểm lâm và cơ quan bảo vệ rừng phòng hộ Tuyên Hóa với phóng viên Báo CAND khi sự việc được đăng tải trên mặt báo.

Làm việc với phóng viên, ông Hà Đức Trường - Hạt phó Hạt Kiểm lâm Tuyên Hóa và ông Lê Nam Giang - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa đều cho rằng: Việc phá rừng diễn ra là do hàng trăm hộ dân ở gần rừng còn nghèo nên thỉnh thoảng vào rừng lấy một vài khúc gỗ về bán lấy tiền sinh hoạt hằng ngày. Lực lượng Kiểm lâm không nỡ xử lý.

Song đi sâu vào tìm hiểu chúng tôi được biết: Việc phá rừng ồ ạt ở Tuyên Hóa chủ yếu là do các đầu nậu gỗ có tổ chức phá rừng lấy gỗ, sau đó chuyển về TP Đồng Hới bằng đường sông Gianh và đường bộ rồi mới đem bán ở các địa phương khác.

Vì vậy, người dân vùng rừng vẫn nghèo, nhiều nhà vẫn không thể làm nổi một căn nhà gỗ để ở. Hơn 30% hộ đói, nghèo ở các xã Kim Hóa, Thuận Hóa, Hương Hóa nơi bìa rừng, điều đó để khẳng định không phải người dân nơi đây phá rừng để thay đổi cuộc sống.

Trong lúc đó, theo chủ trương của Nhà nước giao đất, giao rừng cho người dân để vừa thay đổi cuộc sống cho người dân và bảo vệ rừng thì lãnh đạo huyện Tuyên Hóa lại chưa chịu làm.

Khi chúng tôi đến làm việc, hàng trăm cuốn sổ đỏ về đất rừng của người dân vẫn để tại phòng của ông Lê Nam Giang. Theo ông Giang, chưa giao đất rừng cho người dân là vì chưa kiểm kê được trữ lượng gỗ trên đất. Sự chậm trễ này cũng là nguyên nhân góp phần mất rừng ở Tuyên Hóa.

Ai chịu trách nhiệm?

Câu hỏi này không khó giải quyết trong việc phá rừng ồ ạt ở Tuyên Hóa, bởi vì lãnh đạo các ban, ngành liên quan ở Quảng Bình đều khẳng định: Phá rừng như Báo CAND phản ánh là có.

Làm việc với phóng viên, ông Phạm Hồng Thái, Chi Cục phó Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình cho rằng: Chi cục đã thường xuyên tăng cường công tác giáo dục cán bộ. Việc có hay không kiểm lâm Tuyên Hóa tiếp tay cho lâm tặc, ông chưa biết và trong quá trình làm việc ông chưa phát hiện.

Mặc dù vậy, một kiểm lâm viên tiết lộ với phóng viên (trích nguyên từ máy ghi âm): "Anh em ở đây vất vả lắm. Trạm có 10 người, mỗi ngày cũng phải chi tiêu ăn uống 200.000đ. Lương thưởng không đủ, vì vậy phải vận dụng thôi. Khi họ (lâm tặc - PV) vận chuyển gỗ ra thì mình có tác động anh em, kiếm ít chục/chuyến thêm tiền ăn phục vụ hằng ngày. Vào lúc cao điểm thì một ngày anh em kiếm được ba, bốn trăm nghìn, còn giai đoạn ni công nông bị cấm ngặt nên mỗi ngày anh em trạm chỉ kiếm được trăm đến trăm rưỡi…".

Ông Thái khẳng định, trách nhiệm để mất rừng trước hết là ở chính quyền địa phương rồi đến Ban quản lý bảo vệ rừng, sau đó mới là lực lượng Kiểm lâm. Song kết thúc buổi làm việc tương đối căng thẳng với phóng viên để tìm hiểu sâu xa việc mất rừng, ông Thái cho biết: Trước mắt Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ tăng cường với Hạt Kiểm lâm Tuyên Hóa tiến hành truy quét, đẩy đuổi, đồng thời xử lý nghiêm cán bộ kiểm lâm để mất rừng khi điều tra, xác minh cụ thể vụ việc.

Ngay sau khi báo ra, ông Mai Công Danh - Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa đã giao cho UBND huyện khẩn trương thành lập đoàn công tác gồm Công an huyện, Kiểm lâm, BQL rừng phòng hộ Tuyên Hoá, VKSND huyện có mặt tại hiện trường điều tra, xác minh thực trạng báo phản ánh. Đồng thời huy động mọi lực lượng, phương tiện để truy quét lâm tặc, thu gom gỗ đang còn ở hiện trường.

Ông Danh nhấn mạnh: Quan điểm của huyện là không bao che cho bất kỳ cá nhân, đơn vị nào để xảy ra tình trạng phá rừng như báo nêu.

Trong buổi làm việc với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Hữu Hoài - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định: Việc phá rừng Tuyên Hóa như Báo CAND phản ánh là có. Sau khi tiến hành, xác minh, điều tra vụ việc cụ thể, lãnh đạo tỉnh sẽ tiến hành xử lý các tổ chức, cá nhân sai phạm để mất rừng: Nếu sự việc đủ yếu tố khởi tố vụ án hình sự sẽ khởi tố hình sự, còn không xử lý theo hướng hành chính. Quan điểm của tỉnh không bao che cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào phá rừng và để mất rừng

Dương Sông Lam
.
.
.