Quảng Bình: Diêm dân bị ép giá muối

Thứ Ba, 18/05/2010, 08:56
Trong cái nắng cháy da của một ngày đầu hạ, chúng tôi tìm về Quảng Phú, Quảng Trạch, Quảng Bình - nơi có cánh đồng muối lớn nhất vùng cát. Nơi đây, muối gắn bó với diêm dân từ khi làm quen với chiếc sành rửa sơ sinh của bà đỡ cho đến hết cuộc đời. Người ta quen nhau trên cánh đồng muối, dựng vợ gả chồng từ muối. Con cái thoát khỏi luỹ tre làng để vào đại học cũng nhờ muối…

Muối gắn bó là vậy, song giờ đây nhìn vào muối người dân Quảng Phú ngán ngẩm bởi xăng dầu, vật tư, công lao động tăng chóng mặt, còn muối lại rớt giá thê thảm. Từ mặn nồng, muối Quảng Phú đang chuyển dần sang đắng chát.

Xã Quảng Phú hiện có gần 1.000 hộ gia đình đang làm muối chuyên nghiệp, tập trung chủ yếu ở các thôn Phú Lộc 1, Phú Lộc 2, Phú Lộc 3 và Phú Lộc 4. Trung bình mỗi năm, diêm dân nơi đây sản xuất được 7.500 tấn muối bán ra thị trường. Nhờ muối, Quảng Phú từ một xã với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 27,3% năm 2005 đến nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 15,7%. Nhiều gia đình nơi đây đã vươn lên khá giả, con cái được học hành trưởng thành...

“Nhưng năm nay muối từ mặn chuyển qua đắng rồi nhà báo ơi" - một diêm dân bắt chuyện khi chúng tôi chụp ảnh đồng muối. Không đắng sao được, năm trước một tấn muối bán với giá 1,5 triệu đồng, năm nay muối chỉ bán được 600 ngàn đồng/tấn. Trong khi đó giá cả xăng dầu, vật tư, nhân công lao động cứ tăng vù vù.

Nhờ muối để sang trang chính cuộc đời mình, song diêm dân Quảng Phú cũng cùng cực một đời với hạt muối. Một năm chỉ có 3 tháng để làm muối, khi muối được mùa kết tinh trắng đồng thì thương lái lại ỉ ôi, hạ giá mua. Thương lái mặc tình ép giá, dù lượng muối chưa thật sự đến mức dội chợ. Song diêm dân Quảng Phú đành chịu, đắt thì mừng, rẻ cũng phải bán, để muối lại biết cất vào đâu.

Không ít năm nơi đây, người dân quằn lưng thắt bụng làm muối, khi muối chưa kịp bán thì lũ tiểu mãn ập vào mang tất cả ra biển. Đắng như vậy thì diêm dân chỉ biết than trời. Để đầu tư làm 1ha muối, diêm dân cũng phải bỏ ra 200 triệu đồng để xây ô kết tinh bằng nền xi măng, nhưng sau 5 năm lại phải đầu tư lại. Vì vậy khi sản xuất ra hạt muối, không còn cách nào khác, dù giá rẻ người dân cũng phải bán.

Nhìn những đống muối chất cao giữa đồng, các bác diêm dân mắt thường ngóng lên quốc lộ trông xe thương lái, chúng tôi chợt nghĩ: Cảnh làm muối "được mùa rớt giá, mất mùa được giá" của diêm dân chỉ được khắc phục khi Nhà nước có chủ trương cho xây dựng các kho chứa, thu mua muối cho diêm dân khi mùa về, điều tiết giá cả, sau đó bán như sản xuất lúa gạo mới mong tránh cho diêm dân cả nước gặp các mùa muối đắng

Dương Sông Lam
.
.
.