Quản lý xe đạp điện nhập lậu: “Mất bò mới lo làm chuồng”

Thứ Bảy, 09/11/2013, 09:26
Xe đạp điện nhập lậu, không rõ nguồn gốc, lộn xộn giá cả và chất lượng vốn là chuyện xôn xao dư luận từ mấy tháng nay nhưng dường như các nhà quản lý vẫn chưa có động thái quyết liệt để xử lý triệt để.

Tại một số thành phố lớn có hiện tượng học sinh đua xe đạp điện, đánh võng gây mất trật tự an toàn giao thông. Còn ở Hà Nội, tháng qua, xảy ra 4 vụ tai nạn liên quan đến xe đạp điện khiến một học sinh trường Amsterdam tử vong. Trước tình trạng này, ngày 8/11, Ủy ban ATGT Quốc gia đã tổ chức buổi họp báo công bố về quy chuẩn, về chiến dịch tuyên truyền và xử lý vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng xe đạp điện. Nhiều vấn đề nóng lại một lần nữa được đưa ra mổ xẻ.

Trả lời phóng viên tại buổi họp báo, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, xe đạp điện là mặt hàng được nhiều người tiêu dùng mua sử dụng do giá hợp lý, đi lại thuận tiện và lúc đầu chưa có quy định đi xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm, cũng chưa có quy chuẩn xe máy, xe đạp điện. Để đáp ứng nhu cầu trong nước, nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu xe đạp điện (chủ yếu từ Trung Quốc). Đó cũng chính là lí do khiến loại phương tiện trở thành mốt thời thượng và hiện đang tràn ngập trên đường phố gây nên nhiều hậu quả khó lường.

Nhiều nguy hiểm khi học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm.

Gần 10 tháng qua, các lực lượng thuộc Công an TP Hà Nội phối hợp với cơ quan quản lý thị trường liên tục phát hiện những vụ nhập lậu xe đạp điện, linh kiện xe đạp điện với quy mô lớn, số lượng có vụ lên tới cả nghìn chiếc. Mới đây, tại Hà Nội, lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ 700 xe đạp điện vì doanh nghiệp nhập khẩu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Gần nhất là ngày 3/11, kiểm tra kho hàng tại Thanh Oai - Hà Nội, cơ quan chức năng cũng đã tạm giữ 60 xe đạp điện nghi là hàng lậu. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện nhiều vi phạm về việc doanh nghiệp không niêm yết giá, dán nhãn hàng... khiến người tiêu dùng khó xác định được giá và chất lượng.

Ông Đỗ Thanh Lam cũng thừa nhận, chính sự mập mờ của người bán hàng giữa xe đạp điện và xe máy điện, nên nhiều người tiêu dùng đã mua hàng mà không phân biệt được chất lượng và giá cả. Điều đáng bàn là làm thế nào để giải quyết triệt để sẽ nằm ở khâu quản lý; cần có nhiều giải pháp, trong đó, hệ thống văn bản pháp luật phải điều chỉnh để ngành sản xuất trong nước phát triển. Hơn nữa, phải thiết kế kênh phân phối phù hợp để giá xe đạp điện trong nước đến người tiêu dùng hợp lý, và cơ quan chức năng giám sát được chất lượng. Đặc biệt, cần có biện pháp kịp thời chống nhập lậu xe đạp điện.

Vậy làm thế nào để phân biệt xe đạp điện và xe máy điện? Cơ quan chức năng sẽ siết khâu quản lý thế nào? Cảnh sát giao thông sẽ xử phạt xe máy điện ra sao? Liệu có rơi vào tình trạng như mũ bảo hiểm, rầm rộ ban đầu, sau chất lượng lại thả nổi? Người mua xe và đang lưu thông rồi thì sẽ đăng ký thế nào?... Trước hàng loạt câu hỏi của phóng viên, ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, xe đạp điện là xe đạp hai bánh, được vận hành bằng động cơ điện một chiều hoặc được vận hành bằng cơ cấu đạp chân có trợ lực từ động cơ điện một chiều, có công suất động cơ lớn nhất không lớn hơn 250W, có vận tốc thiết kế lớn nhất không quá 25km/giờ và có khối lượng bản thân (bao gồm cả ắc quy) không lớn hơn 40kg.

Còn xe máy điện có hình dáng giống xe đạp điện, bánh nhỏ nhưng được lắp ắc quy trên 240W, vận tốc đạt 40km/giờ tương đương xe máy dung tích 50cc. Chúng ta không cần đưa xe đạp điện vào diện đăng ký mà chỉ cần áp dụng với xe môtô và xe máy điện. Người sử dụng xe máy điện tới đây cũng phải có bằng lái. Với xe không có số khung, số máy thì cơ quan Công an sẽ đóng số và cấp đăng ký để dễ quản lý. Với xe điện lưu thông trên đường, xe không có bàn đạp thì chắc chắn không phải xe đạp điện, ông Giao khẳng định.

Liên quan đến việc xử phạt, Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện (Phòng Tuyên truyền) Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt cho hay, chuyện xử lý học sinh, sinh viên đi xe đạp điện, xe máy điện vi phạm luật không khó. Bởi trước khi tiến hành xử phạt, đã phối hợp với nhà trường để tuyên truyền đến từng học sinh. Như tuần qua, tại Hà Nội, lực lượng CSGT đã kiểm tra 700 trường hợp, xử phạt 170 trường hợp. Đứng về phía Ủy ban ATGT Quốc gia, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cũng tự tin cho rằng, vì xe đạp điện, xe máy điện có quy chuẩn rõ ràng rồi, từ giờ sẽ phải đăng ký nên việc quản lý chất lượng, việc lưu thông sẽ không khó. Do đó, sẽ không có chuyện buông lỏng, trôi nổi như tình trạng mũ bảo hiểm.

Cùng đó, từ nay đến hết tháng 12, UBAT GTQG sẽ tổ chức chiến dịch tuyên truyền và xử lý vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng xe đạp điện, xe máy điện. Địa bàn xử lý sẽ là các cổng trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông trên địa bàn cả nước, những đoạn đường, nút giao thông tập trung nhiều phương tiện, có tình hình giao thông phức tạp

Thanh Huyền
.
.
.