Quản lý vỉa hè chưa bao giờ hết “thí điểm”

Thứ Sáu, 01/08/2014, 10:13
Vỉa hè bị chiếm dụng, bị đào lên, lấp xuống, “bị” đầu tư với số tiền hàng nghìn tỷ. Thế nhưng câu chuyện vỉa hè vẫn chưa bao giờ hết nóng, nhất là khi vỉa hè luôn trong tình trạng thí điểm quản lý, sử dụng.

Ở Hà Nội, chuyện “tấc đất, tấc vàng” không ai có thể phủ nhận. Nhất là khi, “tấc đất” ấy lại ở sát cái mặt tiền. Thế nên, việc chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán là chuyện hiển nhiên. Để lập lại trật tự đô thị, để trả vỉa hè cho người đi bộ, thành phố đã có nhiều chiến dịch như: hè thông, đường thoáng; tuyến phố văn minh đô thị. Mà để thực hiện việc này, thành phố đã ra rất nhiều cuộc thí điểm mà đáng nhớ nhất là cuộc “đại thí điểm” 21 tuyến phố không trông giữ, “khoán quản”. Những cuộc thí điểm này rầm rộ đến mức đã ghi dấu ấn trong lòng người dân.

Mô hình “khoán quản” được ngợi ca như một sáng kiến xã hội hóa trong việc quản lý vỉa hè, lòng đường. Sáng kiến này có mục đích, lôi kéo mọi người dân, thành phần xã hội chung tay quản lý vỉa hè, lòng đường - Một vấn đề rất nóng và nhức nhối của thành phố. Người ta kỳ vọng rằng, khi từng đoạn vỉa hè, lòng đường được kẻ vạch sơn, được giăng dây để trông giữ xe sẽ không còn tình trạng xe cộ để lộn xộn, gây mất mỹ quan. Cũng bởi, đoạn nào được cấp phép trông xe đã có chỉ giới rồi nên cũng khó có chuyện các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè để bày bán hàng hoá, người bán hàng rong chiếm dụng.

Với lại, việc giá dịch vụ trông giữ xe đã được Sở Tài chính ban hành, nên sẽ ngăn chặn được tình trạng “chặt chém”. Kỳ vọng là thế nhưng tình trạng một số doanh nghiệp tham gia “khoán quản” tại một số tuyến phố vàng nới dây cho rộng thêm diện tích được cấp phép, thu tiền trông xe quá quy định không phải là hiếm. Người viết bài này từng theo các tổ công tác của Phòng Cảnh sát trật tự, Thanh tra giao thông, Sở Tài chính đi kiểm tra và xử phạt “khoán quản” nên thấy, chẳng mấy doanh nghiệp tham gia xã hội hoá quản lý vỉa hè, lòng đường chấp hành đúng quy định.

Sau “khoán quản”, Hà Nội thí điểm cấm trông giữ xe ở 62 tuyến phố. Những con phố như Bà Triệu, Đinh Tiên Hoàng… bỗng trật tự trở lại. Thế nhưng, người dân thì khốn khổ vô cùng. Đến Bệnh viện Mắt TW, người bệnh nhớn nhác khi không có chỗ gửi xe. Nhưng vẫn phải gửi xe để vào khám bệnh nên họ phải đến con phố Bùi Thị Xuân ở đằng sau Bệnh viện Mắt TW để gửi. Nhu cầu lớn, vỉa hè, lòng đường ở con phố này lại “không chịu” rộng ra nên nó phải bị chiếm dụng. Thế là, cấm chỗ nọ, lại phình chỗ kia. Còn ở phố Đinh Tiên Hoàng, nơi có bưu điện thành phố “to uỳnh” thì sau một thời gian không cho trông xe vỉa hè khiến khách giao dịch bất tiện thì sau đó, bãi trông xe đã hoạt động trở lại. Kết quả của việc cấm trông xe ở 21 tuyến phố cuối cùng lại chẳng thể cấm là thế.

Hà Nội hiện nay đang thí điểm cho đỗ xe ôtô ở lề đường hai tuyến phố lớn là Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt. Ngày 31/7, khi ngồi uống café trên phố Lý Thường Kiệt, “ngắm” người ta để xe ôtô ở lòng đường, để xe máy trên vỉa hè mà tôi tự nhủ, không biết việc thí điểm này bao lâu sẽ tạm dừng. Và cái kết quả của thí điểm này sẽ được nhân rộng hay dập vùi luôn đây?

Trong kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố vừa qua, con số gần 1.000 tỷ đồng mà thành phố đã đầu tư khoảng 3 năm gần đây cho 4 quận nội thành để tu sửa, chỉnh trang vỉa hè khiến các cử tri choáng váng. Đó là một số tiền không nhỏ để làm đẹp bộ mặt đường phố, bộ mặt đô thị. Thế mà dù đầu tư tiền tỷ, vỉa hè vẫn bị chiếm dụng, bị “băm nát”. Thật xót xa cho vỉa hè và cũng thật xót cho số tiền gần nghìn tỷ đồng. Và những loay hoay trong việc quản lý vỉa hè vẫn chưa có hồi kết

Cao Hồng
.
.
.