Quản lý hồ, đập thủy điện: Chưa hợp lý từ thiết kế đến vận hành

Thứ Bảy, 28/11/2009, 18:40
Những trận lũ gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng vừa qua ở miền Trung và Tây Nguyên đã bộc lộ một nghịch lý: Khu vực này mật đồ hồ chứa, đập thủy điện lớn nhưng năm nào cũng tái diễn cảnh chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn. Vậy đâu là nguyên nhân chính? Và tại sao, dù đây là một lĩnh vực được đầu tư rất nhiều tiền của nhưng nhiều hồ chứa lại không phát huy được tác dụng?

Hồ nhiều, lũ vẫn xảy ra

Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, đến nay, trên cả nước có 5.579 hồ chứa nước với tổng dung tích khoảng 35,8 tỷ m3, trong đó, có 26 hồ chứa thủy điện, dung tích trữ thiết kế 27 tỷ m3, còn lại là các hồ chứa thuỷ lợi có dung tích 8,8 tỷ m3, đảm nhiệm tưới cho 80 vạn ha cây trồng. Nghệ An là địa phương dẫn đầu về số lượng hồ chứa nhiều nhất (625 hồ lớn nhỏ), tiếp đến là Hòa Bình 521 hồ, Đắk Lắk 458 hồ, Thanh Hóa 436 hồ, Hà Tĩnh 339 hồ, Vĩnh Phúc 227 hồ, Bình Định 223 hồ, Phú Thọ 124 hồ…

Thủ đô Hà Nội có 91 hồ với tổng dung tích 185 triệu m3, trong đó, 4 hồ (Đồng Sương, Quan Sơn, Suối Hai và Quan Sơn) dung tích mỗi hồ lớn hơn 10 triệu m3. Hầu hết các hồ, đập có sức chứa lớn tập trung trên lưu vực sông Hồng và sông Đồng Nai, như hồ: Hòa Bình, Thác Bà, Trị An, Thác Mơ và Đa Nhim; các hồ, đập trữ nước tưới lưu vực sông ở miền Trung với sức chứa không lớn.

Hồ đập không chỉ đóng vai trò tích cực trong phòng chống lũ, giảm nhẹ thiên tai và một số lợi ích khác như điều hòa khí hậu, lưu thông thủy lợi, chống ô nhiễm, khống chế nước mặn, cung cấp nước sinh hoạt, tăng quỹ đất ngập nước và nghề cá nước ngọt… Các hồ, đập còn có ý nghĩa lớn phục vụ sản xuất điện.

Đã có nhiều luồng dư luận cho rằng, trong trận lũ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản vừa qua cho các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, chính các hồ thủy điện nhiều khi lại gây lũ cho hạ du.

Thủy điện A Vương - “thủ phạm” gây lũ sau cơn bão số 9.

Giáo sư (GS) Vũ Đình Hòe, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam phân tích, các dự án thủy điện ở khu vực miền Trung hầu hết là thủy điện nhỏ vì vậy không có chức năng thoát lũ, nhưng lại vô hình trung làm cho khả năng thoát lũ của vùng hạ du giảm đi.

Bên cạnh đó, theo GS Hòe, các sông ở miền Trung thường rất ngắn, độ dốc lớn, thủy điện lại được xây dựng theo mô hình bậc thang, nên rất dễ xảy ra hiệu ứng đôminô. Đơn cử như thủy điện A Vương xây dựng theo kiểu bậc thang, cộng với độ dốc của sông thì dù việc xả lũ có bài bản, đúng quy trình vẫn làm gia tăng động lực dòng lũ.

Thậm chí, theo báo của UBND tỉnh Quảng Nam, toàn tỉnh hiện có 73 hồ chứa lớn nhỏ nằm ở địa bàn miền núi phục vụ sản xuất nông nghiệp và thuỷ điện, với tổng sức chứa hơn 500 triệu m3, được xây dựng tại 18 huyện thị. Trong 73 hồ chứa này có 5 hồ dung tích lớn trên 10 triệu m3. Nhưng không hiểu vì lý do gì, hầu hết các hồ chứa nước lớn này lại được xây dựng trên địa bàn miền núi. Và ngẫu nhiên, các hồ chứa lớn giống như những quả bom treo lơ lửng trên đầu người dân Quảng Nam. Nếu không quản lý, vận hành tốt sẽ rất nguy hiểm, đe dọa tính mạng hàng trăm nghìn dân ở vùng hạ du.

Hồ, đập xuống cấp, quản lý không hiệu quả

Nhiều hồ đập, nhưng phần nhiều hồ, đập ở nước ta hiện nay là hồ, đập nhỏ chỉ có thể thực hiện 1 chức năng nhất định, hoặc cung cấp nước tưới, hoặc phát điện. Kết quả điều tra của Bộ NN&PTNT, trong năm 2009 có đến 3.200/4.720 hồ dưới 1 triệu m3 thiếu năng lực xả lũ do thiết kế nhỏ, mô hình thiết kế lũ không phù hợp… Tình trạng các hồ, đập bị thấm cũng khá nhiều và nghiêm trọng như: đập Dầu Tiếng (Tây Ninh), Kim Sơn (Hà Tĩnh), Hòa Trung (Đà Nẵng), Quán Hài (Nghệ An), Cù Lây, Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh).

Tiến sỹ Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phân tích, do đặc điểm địa hình khu vực miền Trung phần lớn là đồi núi, lưu vực các sông nhỏ, nên diện tích để làm hồ chứa rất hẹp, bởi vậy khả năng điều tiết lũ là không đáng kể. Chính vì đặc thù này, miền Trung chỉ làm hồ nhỏ tưới khoảng 2.000 ha, phần lớn các đập dâng nhằm dâng cao mức nước để tưới, không làm nhiệm vụ điều tiết, nhiều hồ chứa không có dung tích cắt lũ, đó còn chưa kể đến việc điều tiết, vận hành hồ chưa đúng. Đặc biệt, việc xây dựng các hồ chứa trên bậc thang là rủi ro cao, khi có sự cố vỡ một đập trên bậc thang đó sẽ gây sụp đổ hàng loạt.

Trong khi hàng loạt hồ, đập xuống cấp nghiêm trọng, công tác quản lý, điều hành cũng "rối như canh hẹ". Ngay chính Bộ NN&PTNT cũng thừa nhận, trong công tác quản lý qui hoạch phát triển lưu vực còn bị buông lỏng dẫn đến trường hợp một số hồ chứa vô tình bị đặt trong sơ đồ khai thác bậc thang, khi xảy ra sự cố hồ trên sẽ ảnh hưởng đến hồ dưới. Trong khâu thiết kế, đặc biệt là chất lượng thi công cũng chưa bảo đảm, thể hiện ở chỗ nhiều hồ bị thấm do đất đắp chưa đạt tiêu chuẩn. Và đến thời điểm này, bài toán giải quyết các bất cập trong quản lý hồ, đập vẫn chưa có lời giải thực sự hiệu quả.

Theo ông Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, khi quy hoạch và phê duyệt hệ thống thuỷ điện, các địa phương và Bộ Công thương đều chú ý đến nhiệm vụ điều tiết nước, cắt lũ, đánh giá tác động môi trường nhưng chưa lường hết. Ở khu vực miền Trung vẫn chưa có quy trình quản lý liên hồ. Thực tế này đặt ra vấn đề, nếu quản lý hồ không theo qui trình, duy trì mức nước hồ quá cao trong mùa mưa, không kịp thời xả nước trước khi có dự báo mưa lũ, đến khi cấp bách phải xả nước hồ cùng với lũ tự nhiên đang về thì việc "lũ chồng lũ" sẽ xảy ra

Chi Linh
.
.
.