“Quan" lúng túng, dân chủ quan với “thức ăn đường phố”

Thứ Hai, 11/06/2007, 20:01
Tỷ lệ số vụ và số người ngộ độc thực phẩm (NĐTP) do thức ăn đường phố (TAĐP) liên tục tăng trong thời gian gần đây. Theo số liệu của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, từ năm 2000 đến đầu năm 2007, cả nước có 161 vụ với 3.759 người bị NĐTP do ăn TAĐP chiếm 10,9% số ca ngộ độc thực phẩm.

Điều đáng nói là các ban, ngành liên quan ở các địa phương vẫn chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này. Còn người dân vẫn thờ ơ, chủ quan sống chung cùng mầm bệnh.

Thiếu giải pháp mạnh

Theo khuyến cáo của WTO, mỗi tỉnh, thành cần có 5-10 cán bộ làm công tác quản lý về an toàn thực phẩm (ATTP), mỗi huyện cần có cán bộ ATTP và tổ chức biên chế thanh tra chuyên ngành ATTP với biên chế đảm bảo 1 thanh tra chuyên ngành trên 10.000 dân.

Song, đến nay ở nước ta vẫn chưa tổ chức được quản lý chuyên ngành ATTP ở tuyến tỉnh, huyện và xã. Chính do thiếu tổ chức và biên chế, nên các hoạt động quản lý ATTP không thực hiện được.

Sau 3 năm thực hiện Pháp lệnh Vệ sinh ATTP, TP Hà Nội mới cấp được giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP cho 526 cơ sở, Lâm Đồng cấp cho 567 cơ sở đúng như tinh thần của Pháp lệnh, còn các tỉnh, thành khác hầu như chưa thực hiện, trong khi đó toàn quốc có 352.777 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm có giấy phép kinh doanh.

Như vậy số được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện mới đạt 2,3%, còn 97,7% các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa kiểm soát được hoặc kiểm soát được một phần và thả nổi, chưa kể 500.000 cơ sở thực phẩm nhỏ, hộ gia đình, cá thể và dịch vụ ăn uống nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng về ATTP.

Và từ đó, TAĐP với bao mầm bệnh đang tấn công người tiêu dùng với mức độ nguy hiểm khác nhau. Chỉ tính riêng trong năm 2006, ở Đà Nẵng đã có 7.209 người bị bệnh như tả, lị trực khuẩn, thương hàn... do ăn phải thực phẩm kém chất lượng.

Theo số liệu chúng tôi có được, trên địa bàn TP Đà Nẵng hiện có 3.845 cơ sở kinh doanh TAĐP nhưng cơ quan chức năng ở Đà Nẵng chỉ kiểm soát và quản lý được 70 cơ sở (chiếm 1,8%). Rất nhiều cơ sở TAĐP ở gần các trường học, bệnh viện, khu công nghiệp... không hề được kiểm soát chất lượng thực phẩm, chính vì vậy hàng vạn người tiêu dùng buộc phải đánh đố sức khỏe, tính mạng mình với TAĐP.

Người tiêu dùng chủ quan

Đó là khẳng định của hầu hết những cán bộ làm trong ngành Y tế khi đề cập đến việc người dân sử dụng TAĐP.

Theo PGS.TS Trần Đáng - Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thì: Người tiêu dùng thực phẩm đạt yêu cầu về nhận thức ATTP mới có 38,3%, còn hơn 60% người sản xuất chế biến thực phẩm chưa có kiến thức về ATTP. Đặc biệt, đối với người kinh doanh TAĐP thì việc bảo đảm vệ sinh thực phẩm hầu như không được quan tâm, trong khi đó người tiêu dùng lại có thói quen sử dụng TAĐP.

Nhiều cơ sở TAĐP không đóng một nơi cố định mà luôn di động, thực phẩm chế biến không có nguồn gốc nên cơ quan chức năng đành bó tay trong việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện rất nhiều nhóm thực phẩm chín ăn ngay của TAĐP bị nhiễm bẩn về mặt vi sinh vật.

Theo điều tra của Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng 360 mẫu TAĐP cho biết: Trong bánh mỳ chứa nhân mà người tiêu dùng thường ăn sáng có đến 78,3% chứa Coliforms, 36,7% chứa E.Coli và ô nhiễm chung là 81,7%, tương tự bún, mỳ, phở có 70% chứa Coliforms, 28,4% E.Coli... Chất Coliforms và E.Coli gây nguy hiểm cho người sử dụng liên quan đến tiêu hóa, tim mạch và nhiều bệnh khác.

Ông Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng cảnh báo: Với thức ăn đường phố, hằng ngày người tiêu dùng phải đối mặt với 55,3% nguy cơ nhiễm về mặt vi sinh vật trên thực phẩm ăn ngay. Điều đó có nghĩa hơn 50% người tiêu dùng hằng ngày luôn đối diện với các bệnh truyền qua thực phẩm và có nguy cơ ngộ độc bất cứ lúc nào.

Vấn đề ô nhiễm TAĐP ngày một gia tăng, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng là rất lớn, vì vậy người tiêu dùng phải cẩn trọng khi lựa chọn

Dương Sông Lam
.
.
.