Quá tải trong hoạt động đào tạo lái xe ôtô tại TP HCM

Thứ Hai, 23/06/2008, 16:19
Ngoài nhu cầu khá lớn của người dân thành phố, do không đủ cơ sở vật chất hoặc không đủ lượng học viên cần thiết nên mỗi năm tại nhiều tỉnh, thành chỉ mở được một vài khóa, nhất là những loại giấy phép lái xe loại lớn.

Điều này đã khiến một lượng học viên rất lớn từ các tỉnh, thành dồn về TP Hồ Chí Minh để học lái xe ôtô, lượng giấy phép cả thành phố đã cấp phép cho học viên chiếm khoảng 1/3 của cả nước thời gian gần đây đã cho thấy điều đó. Vì vậy, hoạt động đào tạo nghề lái xe trên địa bàn thành phố vốn đã nóng lại càng nóng hơn. Tìm hiểu tại một số cơ sở đào tạo lái xe chúng tôi được biết, tình trạng quá tải, ùn ứ học viên diễn ra bấy lâu nay phần lớn là do quy định "Không được tuyển sinh gối đầu của Bộ GTVT".

Thực hiện theo quy định này, Giám đốc một trường đào tạo lái xe cho biết: "Đang gây lãng phí rất lớn về cơ sở vật chất, giáo viên dạy lý thuyết của các trường bởi thời gian học lý thuyết chiếm khoảng 1/3 khóa học. Mỗi khóa, đào tạo phần lý thuyết xong, các trường phải chờ từ 2 - 4 tháng, khi học viên học thực hành và thi lấy giấy phép xong mới được mở khóa mới.

Vì vậy tình trạng học viên phải đăng ký danh sách và chờ đợi như vừa qua không có gì là khó hiểu". Vị Giám đốc này thắc mắc: Tại sao các trường nghề khác thì được phép tuyển sinh gối đầu, còn trường dạy nghề lái xe thì bị cấm?

Mức trần học phí các cơ sở đào tạo lái xe được phép thu của học viên đối với các hạng được Bộ Tài chính xây dựng từ khi giá xăng dầu chỉ có 4,5 - 5 ngàn đồng/lít. Hiện nay, khi giá xăng dầu đã tăng gấp gần 3 lần, mức học phí này vẫn vậy, không hề được xem xét điều chỉnh mặc dù các cơ sở đào tạo đã nhiều lần kiến nghị trong các cuộc họp.

Theo tính toán của chủ một cơ sở đào tạo lái xe thì "Quy định trong chương trình đào tạo với hạng B1, học viên phải học đủ 96 giờ và thực hành lái xe 960km trên đường. Tối thiểu, xe tập lái phải ngốn hết 14 lít xăng/100km, đem nhân với giá xăng hiện tại, chỉ riêng chi phí tiền xăng cho một học viên thực hành đã hết 1,8 - 2 triệu đồng, chiếm hơn 2/3 mức học phí. Chưa kể còn hàng loạt chi phí khác như khấu hao xe; phải đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư xe mới…". Như vậy, để hoạt động có lãi lấy gì đảm bảo các cơ sở đào tạo lái xe ôtô sẽ không cắt giảm số giờ thực hành của học viên?

Để khắc phục vấn đề này, Bộ Tài chính chỉ cần quy định mức sàn nhằm tránh tình trạng các cơ sở cạnh tranh không lành mạnh kiểu cá lớn nuốt cá bé bằng cách hạ thấp mức phí để triệt nhau dẫn tới chất lượng đào tạo giảm sút. Còn lại nên bỏ mức quy định trần như hiện nay để các trường tự quyết định và học viên tự lựa chọn.

Với chương trình đào tạo và thi lý thuyết lái xe ôtô hiện nay, đã có một số nội dung không còn phù hợp. Ví dụ như: môn học cấu tạo và sửa chữa thông thường nên chuyển theo hướng tập trung vào dạy về kỹ năng kiểm tra bảo dưỡng xe trước khi vận hành. Bởi hiện nay ôtô chủ yếu là xe đời mới, dịch vụ chăm sóc bảo dưỡng của hãng, của các gara tư nhân đã tốt hơn.

Thậm chí còn có cả dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa lưu động trên đường nên môn này không còn cần thiết. Chưa kể, thực tế khi xe có hỏng hóc trên đường thì tài xế cũng không dám hoặc không thể tự mở máy ra; môn nghiệp vụ vận tải hiện cũng đang thừa, bởi nếu lái xe hành nghề kinh doanh, các Quyết định 16 và 17 của Bộ GTVT đã quy định "Phải có chứng chỉ tập huấn về nghiệp vụ vận tải" sẽ điều chỉnh.

Thời gian học môn này nên dành để huấn luyện kỹ năng xử lý tình huống cho lái xe khi gặp tình huống bất ngờ hoặc hướng dẫn học viên cách sử dụng đèn pha, cos khi chạy ban đêm… còn anh L., một giáo viên dạy lái xe lâu năm cho biết: "Khi điều khiển ôtô qua ngã tư "đồng quyền" không có biển báo, nguyên tắc áp dụng tay phải, tức phải nhường đường cho xe phía bên phải; chạy qua vòng xoay, phải nhường cho phương tiện phía tay trái là những nội dung cần dành thời lượng dạy kỹ để lái xe nắm được"

Đ.T.
.
.
.