Quá tải bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi Trung ương: Tập trung tối đa cứu chữa bệnh nhân nặng

Thứ Tư, 09/04/2014, 16:38
Chiều 8/4, Bộ Y tế chính thức có ý kiến chỉ đạo về tình trạng quá tải bệnh nhân nặng ở BV Nhi TW, với việc yêu cầu các BV tuyến TW và địa phương cùng hỗ trợ.

Quá tải vẫn đang là bài toán chưa có đáp số của ngành y tế nhiều năm qua, đặc biệt là nhiều bệnh viện (BV) tuyến cuối, trong đó có BV Nhi TW, nhất là những ngày qua. Đó là lý do khiến Bộ Y tế phải tổ chức một cuộc họp, nhằm tìm ra các giải pháp hữu hiệu để giảm tình trạng quá tải bệnh nhân nặng tại BV Nhi TW, do PGS.TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế trực tiếp chủ trì, với sự tham gia của đại diện các BV nhiều tỉnh, thành phía Bắc v.v…

Theo PGS.TS. Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi TW, trong bối cảnh dịch sởi đang tiếp tục diễn biến phức tạp với số lượng bệnh nhân tăng cao, nhất là, năm nay, có nhiều ca bị biến chứng viêm phổi rất nặng; nhiều trường hợp không trong độ tuổi tiêm chủng cũng mắc; nhiều bệnh hô hấp do thời tiết chuyển mùa tăng cao khiến tình trạng quá tải ở BV Nhi TW đang diễn ra nặng nề, các bác sỹ phải làm việc với cường độ rất lớn. Mỗi ngày, BV phải tiếp nhận điều trị 1.700 bệnh nhân nội trú (bình thường chỉ là 1.400 trẻ). “Chưa bao giờ BV Nhi TW lâm vào tình trạng quá tải trầm trọng như thời gian qua”, PGS.TS. Lê Thanh Hải nhấn mạnh. Vì thế, lãnh đạo BV Nhi TW đã đề xuất và mong mỏi có sự chia sẻ từ tuyến y tế cơ sở, để cùng góp sức giảm tải ở đây.

Đại diện các BV đã cùng bàn nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng quá tải bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Nhi TW và định hướng nâng cao năng lực chuyên ngành Nhi khoa của các BV tuyến dưới trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh trình độ chuyên môn, điều kiện cơ sở vật chất ở hệ thống y tế tuyến dưới vẫn đang còn nhiều lỗ hổng, khiến người dân thiếu tin tưởng và “kéo nhau” lên tuyến trên.

Trước thực trạng của BV Nhi TW, đòi hỏi phải có sự chung tay của nhiều cấp, nhiều BV. Vì thế, chiều 8/4, Bộ Y tế đã chính thức lên tiếng về quan điểm giải quyết tình hình này trong thời điểm hiện tại. Theo PGS. TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, trước mắt, BV Nhi TW tiếp tục tập trung tối đa nguồn lực để khám chữa bệnh cho các bệnh nhi nặng, với việc bố trí, tăng cường nhân lực tại phòng khám của BV, để sàng lọc, phân loại bệnh nhi, chuyển các trường hợp bệnh nhẹ về tuyến dưới. BV Nhi cũng cần tập trung thầy thuốc, trang thiết bị y tế, thuốc điều trị và đặc biệt kê thêm giường bệnh để khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh nhi nặng, bố trí các khoa, phòng hợp lý, sử dụng giường bệnh của các khoa không quá tải để tập trung điều trị bệnh nhi thuộc các khoa quá tải; chuyển về tuyến dưới các trường hợp bệnh ổn định. BV phải bảo đảm thực hiện đúng các quy định khi đã huy động trang thiết bị y tế từ các nguồn lực, dự án. Về lâu dài, BV Nhi phải tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, khảo sát đánh giá thực trạng tuyến dưới và thực hiện hoạt động hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật nâng cao năng lực tuyến dưới theo các Đề án bệnh viện vệ tinh, hỗ trợ y tế các tỉnh miền Bắc.

Nhiều bệnh thông thường cũng chuyển tuyến trên là nguyên nhân quá tải BV Nhi TW.

Để giải quyết tình trạng quá tải bệnh nhân nặng ở BV Nhi TW, Bộ Y tế chỉ đạo BV Nhi TW tập huấn sớm về phác đồ chẩn đoán và điều trị các bệnh hô hấp, bệnh truyền nhiễm để phát hiện sớm các bệnh này tại tuyến dưới. Cần sớm thống nhất phương án thanh toán viện phí phù hợp cho các bệnh nhân nặng, giải quyết kịp thời vấn đề vượt trần BHYT tại BV Nhi TW. Các BV Bạch Mai, E, Bệnh Nhiệt đới TW sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ BV Nhi TW để điều trị bệnh nhân nặng. Viện Vệ sinh dịch tễ TW khẩn trương tổ chức các nghiên cứu để kết luận về tình trạng bệnh sởi hiện nay.

Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nam, Hòa Bình, Vĩnh Phúc khẩn trương chỉ đạo, thực hiện, kiểm tra, giám sát tình hình bệnh hô hấp tại trẻ em trên địa bàn địa phương và việc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân tại BV nhi, sản nhi, BVĐK tỉnh có khoa nhi. Tăng cường phòng chống dịch bệnh và để người bệnh tới khám và điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh của địa phương, cùng với báo cáo địa phương tăng cường đầu tư trang thiết bị y tế, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các bệnh viện nhi, sản nhi, khoa nhi của BVĐK tỉnh, đồng thời đề xuất đào tạo, chuyển giao kỹ thuật nâng cao năng lực khám chữa bệnh nhi khoa của các cơ sở khám chữa bệnh tại tuyến tỉnh, tuyến huyện.

Bộ Y tế họp bàn ứng phó với dịch sởi

Trước diễn biến phức tạp của dịch sởi, chiều 8/4, Bộ Y tế đã tổ chức họp với đại diện nhiều bệnh viện (BV) và địa phương để dự báo tình hình dịch sởi.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tại Việt Nam, từ đầu năm 2014 đến nay có 6.611 ca sốt phát ban, trong đó có 2.492 trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh sởi. Tuy nhiên, chưa phát hiện có sự biến đổi về gen và các týp virus sởi lưu hành tại Việt Nam, không có thay đổi về độc lực của các chủng virus sởi.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Bộ Y tế kiên quyết chỉ đạo việc tiêm phòng sởi trên cả nước, tổ chức tiêm vét hoàn thành trong tháng 4-2014. Chỉ có thể kiểm soát được dịch sởi khi tiêm phòng đầy đủ. Hà Nội hiện có khoảng 100.000 trẻ dưới 2 tuổi chưa được tiêm phòng sởi, là nguy cơ làm dịch gia tăng.

Để ứng phó với dịch bệnh sởi, Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn công tác kiểm tra công tác triển khai kế hoạch tiêm vaccin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vaccin sởi tại các địa phương; triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trong đó tập trung vào việc tăng cường giám sát để phát hiện, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch và tổ chức tiêm chủng phòng dịch; làm tốt việc phân tuyến hạn chế chuyển bệnh nhân lên tuyến trên tránh việc quá tải và lây lan bệnh dịch.

Thanh Hằng
.
.
.