Viết tiếp về kỳ thi THPT quốc gia:

Phương án thi ít môn sẽ là tối ưu khi vẫn dùng sách cũ, chương trình cũ

Thứ Bảy, 02/08/2014, 08:58
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố ba phương án cho một kỳ thi THPT quốc gia thì dư luận lại tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt cho chủ trương này. Thi theo phương án nào để đạt được nhiều mục đích như: giảm được căng thẳng, tốn kém, có dữ liệu tốt để vừa xét tốt nghiệp, vừa làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ xét tuyển cũng là kỳ vọng chung của cả xã hội.

Theo các chuyên gia mà Báo CAND lấy ý kiến thì mỗi phương án đều có ưu, khuyết riêng, do đó, hãy chọn phương án nào mà giảm đến mức thấp nhất mặt hạn chế, phù hợp với cách thức dạy và học đang áp dụng, tránh gây xáo trộn thì mới nên áp dụng cho năm 2015.

GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Phương án 1 sẽ là tối ưu trong hoàn cảnh hiện nay

Tôi cho rằng, nếu nhập hai kỳ thi để giảm bớt tốt kém thì không được, nếu thi mà cần thiết thì nhiều kỳ thi, tốn kém mấy cũng phải tổ chức. Mấy ngày qua, tôi có theo dõi báo chí, 3 phương án Bộ đưa ra rồi nhưng thật sự thấy ngổn ngang quá. Đổi mới kỳ thi quốc gia là vấn đề đặc biệt quan trọng với quốc gia, dân tộc và sẽ ảnh hưởng đến tận từng gia đình, từng phụ huynh, từng học sinh nên không thể ngẫu hứng là xong.

Dư luận cho rằng không nên “đổi mới” một cách vội vã để chọn phương án kỳ thi THPT quốc gia gây tâm lý hoang mang cho học sinh.

Trước khi đổi mới thi cử, Bộ GD&ĐT phải có tài liệu chính thức đánh giá lại 14 năm qua, từ khi bắt đầu bước sang thế kỷ XXI, thi cử của chúng ta được tiến hành thế nào, cái gì tích cực cần phát huy, cái gì hạn chế cần rút kinh nghiệm. Tài liệu ấy cũng phải nhìn nhận sòng phẳng, cầu thị xem các nước trên thế giới, đặc biệt các nước tiên tiến, họ đã thay đổi thi cử ra sao. Nhưng rất tiếc là không có tài liệu này, tức là thiếu một cơ sở khoa học vững chắc. Nghe qua thì thấy việc nhập hai kỳ thi vào làm một sẽ làm thi cử gọn nhẹ hơn, dễ dàng hơn. Nhưng là người làm giáo dục mấy chục năm, tôi hiểu việc này thực hiện không hề đơn giản. Đổi mới thi cử nhất định không thể tổ chức hai kỳ thi liền kề tốn kém như năm 2014 vẫn làm, mà Bộ GD&ĐT có thể đặt ra quy chế chung, chứ không xắn tay vào từng việc cụ thể như bây giờ. Việc xét tốt nghiệp phổ thông nên giao cho địa phương, còn việc thi tuyển sinh ĐH, CĐ thì các trường phải được tự quyết. Đổi mới giáo dục nói chung, đổi mới thi cử nói riêng phải có tính toán đường dài, đề ra lộ trình căn cơ, không thể tùy tiện, cũng không thể chỉ chạy theo dư luận chung chung.

Bao quát đường dài đó để thấy rằng nếu sáp nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ vào làm một thì những đổi mới ấy cũng chỉ mang ý nghĩa ngắn hạn trong chừng vài ba năm, rồi những lứa học sinh sau tiếp tục phải đối mặt với những thay đổi khác nữa.

Tôi đề nghị, vấn đề thi cử không chỉ công bố cho năm 2015 thi thế nào mà phải công bố cho người dân được biết lộ trình đổi mới thi trong 10-20 năm tới ra sao, và những thay đổi hiện tại sẽ đóng góp gì cho những đổi mới quyết liệt hơn nữa sau này.

Về 3 phương án thi của Bộ, tôi chọn phương án 1 với quan điểm, thi càng ít môn càng tốt, nói cách khác, trong hoàn cảnh hiện nay, thi càng ít môn càng tốt. Như thế sẽ không phải cồng kềnh tốn kém trong khâu ra đề, chấm thi, coi thi…

PGS.TS Nguyễn Sỹ Thư, Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum: Khi chưa có sách và chương trình mới thì nên áp dụng phương án 1

Trong 3 phương án của Bộ đưa ra thì phương án 1 có giá trị trong việc đổi mới kiểm tra, đánh giá theo chương trình – sách giáo khoa cũ. Phương án 2, 3 có giá trị khi chúng ta bước vào chương trình – sách giáo khoa mới theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện, hình thành, phát triển năng lực và phẩm chất người học. Như vậy, khi chưa có sách, chương trình mới thì nên áp dụng phương án 1. Khi có sách mới thì mới áp dụng hai phương án còn lại, phương án 2 sẽ cho những năm đầu và đích đến sẽ là phương án 3 với bài thi tích hợp kiến thức. Tuy nhiên, trong 3 phương án thể hiện ngoại ngữ là môn thi bắt buộc, nhưng với những nơi không có điều kiện học ngoại ngữ, thì học sinh không phải thi ngoại ngữ, song theo tôi, vấn đề này phải quy định chi tiết hơn nữa

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức: Ngoại ngữ là môn bắt buộc là sự thay đổi đột ngột nhất 

Theo tôi, phương án 1 là phù hợp với phương pháp giảng dạy và điều kiện hiện nay. Thầy cô và học sinh đều có thể thực hiện ngay lập tức, không có điều chỉnh quá lớn. Còn về lâu về dài, chúng ta có thể tiến dần đến phương án 2 hoặc phương án 3, nhưng để làm được điều này cần phải có thời gian để cả thầy và trò cùng đổi mới cách dạy và học. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh và học sinh còn tâm lý hoang mang về sự thay đổi chủ trương đột ngột trong thời gian ngắn của Bộ GD&ĐT đối với môn Ngoại ngữ. Năm trước còn là môn tự chọn, giờ lại thay đổi là môn bắt buộc.

Với phương án 1, việc tổ chức kỳ thi cũng không khác lắm so với các kỳ thi trước, mà còn tiết kiệm được thời gian, công sức đi lại… Đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi “hai trong một” là một vấn đề đáng bàn, nhưng không đáng lo nếu chúng ta thắt chặt từng khâu từ ra đề, coi thi, chấm thi cùng với tăng cường năng lực của các cơ quan kiểm tra, đánh giá một cách công bằng, khách quan và đề ra kỷ luật nghiêm túc. Qua trao đổi với các thầy cô giáo trong nhà trường, các thầy cô đều mong muốn có đổi mới, thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, học sinh quan tâm đến nhiều môn học, chứ không phải tập trung học một vài môn”.

Chị Nguyễn Thị Hải Hà, Khu tập thể Thanh Xuân Bắc (Hà Nội): “9 tháng sẽ không đủ để thích nghi với cách thi cử mới”

Con gái tôi học ở một trường chuyên danh tiếng. Cháu đang đeo đuổi khối D và chọn khối trường có điểm tiếng Anh nhân đôi. Nhưng mấy hôm nay cháu bắt đầu hoang mang thực sự. Hoang mang bởi các môn học khác ngoài Văn – Toán – Tiếng Anh, cháu chỉ học ở mức độ đủ đáp ứng cho một kỳ thi có tính chất đại trà là thi tốt nghiệp. Liệu thời gian chỉ còn chưa đầy 9 tháng nữa, có còn kịp để chú trọng, nâng cao, đủ đáp ứng cho một kỳ thi để xét tuyển cả vào ĐH.

Nếu đầu tháng 9 – 2014, Bộ công bố phương án thi thì 9 tháng tiếp theo là một khoảng thời gian quá ngắn để học trò thích nghi với cách thi cử mới về mặt tâm lý, khi mà thói quen thi cử và tâm lý học trò bấy lâu nay vẫn là luyện thi theo khối. Đến ngay như người lái xe, dù lái giỏi nhưng nếu thay đổi cung đường một cách đột ngột – thì cũng còn lúng túng, huống hồ việc thi cử. Nhất là thi đại học, một kỳ thi quan trọng của đời người.

Là một phụ huynh, tôi cho rằng, để tránh những hoang mang không cần thiết gây bất lợi cho học trò thì cần thiết phải có một lộ trình. Giống như, cần phải có một “dự lệnh” trước khi phát đi “động lệnh”.

Em Nguyễn Quỳnh Anh, học sinh lớp 12, quận Hà Đông (Hà Nội): “Chọn phương án 1 sẽ tận dụng được nhiều môn thi theo khối và đỡ sốc”

Lớp em học ban A, các bạn chủ yếu thi khối A và đăng ký môn tự chọn theo hướng tăng cường môn khối A. Cả hai năm lớp 10, lớp 11 ròng rã học rồi, giờ 3 phương án Bộ GD&ĐT đưa ra, em thấy quá nặng nề. Tất cả các bạn học phân ban như em đều muốn được thi theo phương án 1, như thế chúng em tận dụng được nhiều môn thi mà chúng em đã đầu tư theo khối. Như thế chúng em còn an tâm để học tiếp. Một “hiệu ứng” là cả lớp em đang nháo nhào đi học thêm tiếng Anh và Ngữ văn, như một con rối!

Thu Phương – Thu Uyên
.
.
.