Phục chế thành công bức thư của Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh

Thứ Ba, 05/03/2013, 19:51
Khi còn là sinh viên năm thứ 4, Khoa Cầu hầm, khoá 13 của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sau khi cưới vợ được 6 ngày, anh Lê Văn Huỳnh, quê xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã xung phong vào chiến đấu ở chiến trường Thành cổ Quảng Trị. Bức thư anh viết bức thư cho gia đình, cho người vợ thân yêu của mình vào ngày 11/9/1972, ngày thứ 77 của chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ - khi mà sự khốc liệt của bom đạn đã lên đến tột cùng…

Ngày 5/3, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích – Danh thắng Quảng Trị cho biết, cán bộ phòng Nghiệp vụ của trung tâm đã phục chế thành công bức thư của Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh.

Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, quê xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Năm 1972, khi đang là sinh viên năm thứ 4, Khoa Cầu hầm, khoá 13 của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, mới cưới vợ được 6 ngày, anh đã xung phong vào chiến đấu ở chiến trường Thành cổ Quảng Trị.

Anh viết bức thư cho gia đình, cho người vợ thân yêu của mình vào ngày 11/9/1972, vào ngày thứ 77 của chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ - khi mà sự khốc liệt của bom đạn đã lên đến tột cùng.

Thư được viết từ những trang sổ tay xé ra, dài gần 10 trang khổ nhỏ, gửi cho một đồng đội quê ở Thanh Hóa, từng có lần về nhà anh chơi lúc còn sinh viên. Tuy nhiên, sau đó người bạn này cũng hy sinh, đến tháng 3/1973, kỷ vật này mới về tới tay người nhà của liệt sĩ do một đồng đội khác của anh chuyển tới.

Bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh được phục chế thành công, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị.

Điều đặc biệt, bức thư đã được viết bằng một dự cảm kỳ lạ. Đoạn viết cho mẹ: “… Thư này tới tay mẹ, chắc mẹ buồn lắm. Con của mẹ đã đi xa để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời. Con rất hiểu mẹ khổ đã nhiều, nay bao hy vọng nuôi con khôn lớn, song do đất nước có chiến tranh thì mẹ ơi, hãy lau nước mắt cho đời trẻ lâu, sống đến ngày đón mừng chiến thắng. Mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau…”.

Viết cho vợ, ngoài những yêu thương trìu mến, anh dặn đường đi cặn kẽ cho chị tìm được hài cốt của anh: “… Khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hi sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu ngược trở lại hỏi thăm về Nhan Biều 1. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Về đấy sẽ tìm thấy tấm bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mãnh tôn. Thôi nhé đó là có điều kiện, còn không thì em cứ làm tốt những điều anh dặn ở trên là tốt lắm rồi…”.

Nhờ có hướng dẫn này, sau ngày hòa bình, vợ của liệt sĩ là chị Đặng Thị Xơ đã tìm thấy hài cốt của chồng, đúng như lời anh dặn, được đồng đội chôn cất ở vào cuối làng Nhan Biều 1, thuộc xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong ngày nay.

Năm 2002, bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh được trưng bày tại Bảo tàng di tích Thành cổ Quảng Trị cho đến cách đây vài năm thì bức thư có nguy cơ xuống cấp do sự hủy diệt của thời gian và tuổi thọ của giấy không còn đảm bảo. Cán bộ Nghiệp vụ của Trung tâm  Bảo tồn Di tích – Danh thắng Quảng Trị đã trăn trở rất nhiều, tìm mọi cách phục chế bằng được bức thư.

Qua hơn 2 năm miệt mài tìm tòi, nghiên cứu phương pháp phục chế, cuối cùng bức thư đã được phục chế thành công bằng phương pháp bán thủ công. Toàn bộ nội dung chữ viết và các dấu tích trên thư được đảm bảo nguyên vẹn đến từng chi tiết nhỏ nhất, bằng phương pháp scan và bóc tách vi tính, sau đó đặt chúng trở lại trên một nền giấy có chất liệu, hình dáng, màu sắc sản xuất vào thời kỳ năm 1972.

Ông Nguyễn Đức Chính, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị đã rất vui mừng khi lá thư được phục chế, thành công mỹ mãn. “Đây là một đề tài khoa học thành công có giá trị thực tiễn cao đối với ngành bảo tàng. Thành công đã đem lại niềm vui, sự xúc động lớn đối với đồng đội và thân nhân gia đình liệt sĩ”

Thanh Bình
.
.
.