Phụ nữ cần có nhiều hơn cơ hội được đào tạo và thăng tiến

Thứ Sáu, 08/03/2013, 06:11
Đúng dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 năm nay, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đưa ra một công bố rất đáng lưu ý, đấy là sự gia tăng khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ ở Việt Nam. Điều này không phải là chuyện nhỏ khi mà lực lượng lao động của Việt Nam có tới 72% là phụ nữ, tỷ lệ này cao hơn phần lớn các nước khác trên toàn cầu.

Theo Báo cáo Lương Toàn cầu 2012-2013 của ILO, khoảng cách thu nhập theo giới của Việt Nam tăng 2% trong giai đoạn vừa qua. Cùng với đó là các thông số được đưa ra từ các khảo sát, điều tra của Tổng cục Thống kê, thu nhập của phụ nữ thấp hơn nam giới 13%. Khảo sát lương công nhân trong các doanh nghiệp do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong năm 2012 cũng cho thấy lương của nữ công nhân ít chỉ bằng 70-80% các đồng nghiệp nam.

Trong khi khoảng cách thu nhập theo giới trung bình trên toàn cầu ở mức 17%. Báo cáo Điều tra Lao động năm 2012 cho thấy thu nhập bình quân hàng tháng của phụ nữ thấp hơn nam giới ở tất cả các khu vực kinh tế: Nhà nước, ngoài Nhà nước và đầu tư nước ngoài. Ngay cả trong các ngành nghề chủ yếu tuyển dụng phụ nữ như y tế, công việc xã hội và bán hàng, phụ nữ vẫn chịu mức lương thấp hơn các đồng nghiệp nam. Khảo sát của TLĐLĐ Việt Nam cho thấy phụ nữ thường chỉ làm những công việc thông thường trong khi các vị trí quản lý thường do nam giới đảm trách.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam cho hay, vấn đề mấu chốt là ở chỗ nữ lao động thường có ít cơ hội được đào tạo cơ bản, cũng như được đào tạo lại, nâng cao tay nghề trong quá trình làm việc so với các đồng nghiệp nam. Chị em có gia đình còn chịu nhiều thiệt thòi hơn nữa.

Chuyên gia cao cấp của ILO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế, ông Tim De Meyer nhận định, khoảng cách ngày càng tăng cho thấy một chiều hướng đáng lo ngại. Ông De Meyer khuyến nghị Việt Nam cần phải thực hiện điều khoản “trả lương bình đẳng cho các công việc có giá trị ngang nhau quy định trong Bộ Luật Lao động”.

Rõ ràng, khoảng cách thu nhập về giới không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Đó là một quá trình đòi hỏi những nỗ lực của không chỉ từ phía doanh nghiệp, các tổ chức công đoàn mà cả bản thân lao động nữ. Theo bà Nguyễn Kim Lan, điều phối viên quốc gia về bình đẳng giới của ILO Việt Nam, để xóa bỏ khoảng cách về thu nhập giữa nam và nữ, phụ nữ cần có nhiều hơn cơ hội được tiếp cận với giáo dục, đào tạo kỹ năng, cơ hội việc làm, thăng tiến mà không phải chịu những định kiến về giới và phân biệt đối xử.

TP Hồ Chí Minh: Nhiều chương trình dành tặng phụ nữ nhân dịp 8-3

Kỷ niệm 103 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, 1973 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, hàng loạt chương trình ưu ái danh cho phụ nữ được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Đúng vào sáng 8/3, tại hội trường B, Cung văn hóa Lao động thành phố, chương trình văn nghệ và tặng quà cho 211 chị em nữ công nhân bị tai nạn lao động được Cung văn hóa Lao động phối hợp với Ban nữ công Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức.

Tại sân khấu ca nhạc Lan Anh, chương trình “Âm nhạc và bước nhảy” với chủ đề “Vũ điệu hoa hồng” được Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh VTV9 và Jetstudio tổ chức vào tối 9/3. Được coi là quà tặng của Ban tổ chức dành cho phái đẹp nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, tại “Vũ điệu hoa hồng”, khán giả gặp lại những giai điệu rộn ràng qua sự thể hiện bởi rất nhiều gương mặt ca sĩ được yêu thích. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV9 và tiếp sóng trên VTV Phú Yên - Đài Truyền hình Việt Nam, Đài  Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng.

Diễn ra vào tối 10/3 tại Nhà hát Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh, truyền hình trực tiếp trên HTV9 và VTV4, chương trình “Thay lời muốn nói” chủ đề “Dáng ngọc” hứa hẹn sẽ là một chủ đề rất thơ, theo phong cách lãng mạn nhưng bàng bạc cảm xúc vốn có ở mỗi người. Chương trình chuyển tải đến người xem hình ảnh rất nhiều bóng hình phụ nữ qua chia sẻ của các nam nhân về những dáng hình còn đọng lại trong ký ức, những người phụ nữ họ yêu mến, trân trọng trong cuộc đời.

N.Nguyễn

Thu Uyên
.
.
.