Phòng tránh tai nạn tại các chung cư cao tầng

Thứ Năm, 20/06/2013, 07:05
Đứng trước những nguy cơ cận kề cũng như hậu quả nhãn tiền, tại nhiều tòa nhà, các gia đình cũng đã cho lắp đặt thêm hệ thống rào sắt để bảo vệ khoảng không lô gia, lan can. Tuy nhiên, việc lắp đặt chưa được thực hiện một các có hệ thống, tuân theo các quy chuẩn của công tác PCCC.

Ngày 14/6, tại Khu đô thị Bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) lại xảy ra một vụ tai nạn đau lòng. Một bé gái 4 tuổi đã tử vong khi không may rơi từ tầng 11 xuống ô văng tầng 2 của tòa nhà chung cư 11 tầng ở đây. Vụ tai nạn thương tâm trên thêm một lần nữa cảnh báo về nguy cơ mất an toàn đi kèm với hàng loạt tòa nhà, chung cư cao tầng trên địa bàn thành phố hiện nay.

Ghi từ nơi “nóng” về tai nạn liên quan đến nhà cao tầng

Đã nhiều ngày trôi qua, thế nhưng, sáng 19/6, trở lại Khu đô thị Bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội), chúng tôi nhận thấy không khí tang thương vẫn bao trùm tại nơi này. Nhắc đến vụ tai nạn khiến bé gái 4 tuổi ngã từ tầng 11 tòa nhà Nơ.9B của khu đô thị ngày 14/6 vừa qua, người dân chưa hết bàng hoàng.

Bác Nguyễn Đình Chức, ở tòa nhà Nơ.10 nằm gần tòa nhà Nơ.9B kể lại sự việc trong sự tiếc thương. Bác Chức cho biết, hôm ấy khoảng 14h45 ngày 14/6, khi đang ở trong nhà, bác giật mình trước tiếng kêu cứu thất thanh của người dân ở nhà Nơ.9B. Có mặt tại sân sau tòa nhà, bác Chức không tin vào mắt mình khi thấy một bé gái nằm bất động trên ô - văng tầng 2 của ngôi nhà. Dù được người dân tiến hành sơ, cấp cứu, song do vết thương quá nặng, bé gái đã không qua khỏi.

Ngày 19/6, tiếp xúc với PV Báo CAND, ông Tạ Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, bé gái 4 tuổi bị tử vong do ngã từ tầng 11 tòa nhà Nơ.9B quê ở Hà Nam. Trước đó, bé theo bà nội lên chơi nhà người quen cư trú ở tòa nhà. Chiều 14/6, trong lúc bà nội của cháu xuống dưới nhà mua sắm đồ đạc, tỉnh dậy không thấy ai, cháu bé đã ra khu vực lan can và tai nạn xảy ra.

Cũng theo ông Tạ Văn Hải, ngoài vụ việc đau lòng trên, khoảng 6 năm trở lại đây, trên địa bàn phường cũng đã xảy ra 6 vụ tai nạn liên quan đến nhà cao tầng, khiến 5 người bị tử vong (trong đó có 3 vụ, với 3 trẻ nhỏ tử vong). Và thật xót xa hơn, khi vị lãnh đạo phường Hoàng Liệt này còn cho biết, chính tại tòa nhà Nơ.9B trên, cách đây vài năm cũng xảy ra vụ tai nạn đau lòng tương tự khiến một trẻ bị tử vong.

Chung cư, nhà cao tầng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.  Ảnh minh họa: Thiện Hoàng.

Khi được hỏi: Nguyên nhân nào khiến số vụ tai nạn nhà cao tầng lại xuất hiện nhức nhối trên địa bàn trong thời gian qua, theo đại diện của UBND phường Hoàng Liệt cho biết, các vụ tai nạn trên đều xuất phát từ việc trẻ nhỏ trong lúc không thấy người thân đã ra khu vực lô gia, leo lên lan can lô gia tòa nhà (không có rào chắn), rồi không may rơi xuống đất dẫn đến tử vong. Những lô gia “thoáng” dạng này đã và đang xuất hiện ở hầu khắp 3 khu đô thị (khu Bắc Linh Đàm, Bán đảo Linh Đàm và Pháp Vân – Tứ Hiệp) với gần 50 tòa nhà cao tầng (chủ yếu trên 9 tầng) trên địa bàn. Chỉ một chút sơ ý, các gia đình để trẻ leo lên thành các lô gia này, tai nạn thương tâm rất dễ xảy ra.

Làm rõ trách nhiệm, tuân thủ quy chuẩn an toàn

Không thể phủ nhận việc xây dựng các khu nhà cao tầng đã đáp ứng nhu cầu ở của một bộ phận không nhỏ người dân, thế nhưng, nhìn vào thực tế hiện nay có một điều đáng lưu tâm đó là nguy cơ mất an toàn tại nhiều tòa nhà cao tầng dạng này luôn tiềm ẩn. Khảo sát tại một số khu đô thị, chung cư cao tầng như: Dịch Vọng – Cầu Giấy; Nam Trung Yên; Trung Hòa – Nhân Chính, Đại Kim…, chúng tôi không khỏi lo ngại trước việc, những nguy cơ mất an toàn luôn tiềm ẩn đi kèm với nhiều tòa nhà cao tầng ở đây.

Nói vậy cũng bởi, hầu hết lô gia các tòa nhà này đều được thiết kế khá thoáng, không hề có hệ thống bảo vệ phòng ngừa tai nạn. Thậm chí tại nhiều khu nhà, hệ thống cửa sổ các gian phòng chỉ lắp đặt hệ thống kính che chắn sơ sài, không có lưới sắt an toàn bảo vệ. Và, khi hệ thống cửa sổ (chủ yếu là bằng kính chắn gió) dạng này mở ra, một khoảng không mất an toàn theo đó cũng xuất hiện. Chỉ cần không để ý, đây rất dễ thành “lối dẫn” trẻ ngã xuống dưới..

Liên quan đến vấn đề trên, theo Tiêu chuẩn xây dựng VN 323:2004/BXD do Bộ Xây dựng ban hành đã quy định khá rõ. Đối với công trình nhà ở cao tầng, từ tầng 6 trở lên, không được thiết kế ban công, chỉ được thiết kê lô gia (không thiết kế chồm ra bên ngoài như ban công). Đáng chú ý, theo quy định này, lan can lô gia không được xây hở chân, và chiều cao tối thiểu là 1,2m. Chưa hết, đối với công tác đảm bảo an toàn cho các tòa nhà cao tầng, năm 2008, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Quyết định số 09/2008/QĐ-BXD về việc ban hành quy chuẩn xây dựng Việt Nam “Nhà ở và công trình công cộng an toàn sinh mạng và sức khỏe” kèm theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam 05:2008/BXD.

Theo đó, đối với các tòa nhà cao từ 9 tầng trở lên, chiều cao tối thiểu bắt buộc của lan can là 1,4m. Đối với công trình cao tầng có trẻ em dưới 5 tuổi lui tới, lan can cầu thang cần đảm bảo: khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 100mm, không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua… Quy định là vậy, thế nhưng trên thực tế, nhiều nhà đầu tư khi tiến hành thi công xây dựng công trình, vì đặt mục tiêu “mỹ quan công trình” lên trên, nên đã phớt lờ các tiêu chuẩn ngặt nghèo về thi công, thiết kế - xây dựng công trình nhà cao tầng như cho lắp đặt hệ thống kính không rào chắn, lan can lô gia không cao…

Đứng trước những nguy cơ cận kề cũng như hậu quả nhãn tiền, tại nhiều tòa nhà, các gia đình cũng đã cho lắp đặt thêm hệ thống rào sắt để bảo vệ khoảng không lô gia, lan can. Tuy nhiên, việc lắp đặt chưa được thực hiện một các có hệ thống, tuân theo các quy chuẩn của công tác PCCC. Do vậy, việc lắp đặt hệ thống bảo vệ an toàn cho các tòa nhà theo đúng quy chuẩn cũng là vấn đề đòi hỏi các cơ quan chức năng lưu tâm, giải quyết.

Trở lại vụ việc thương tâm xảy ra tại Khu đô thị Bán đảo Linh Đàm, ông Tạ Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt cũng cho biết, trước những nguy cơ mất an toàn tiềm ẩn đi kèm với các công trình tòa nhà cao tầng trên địa bàn, qua các buổi làm việc với chủ đầu tư các tòa nhà, UBND phường đã nêu kiến nghị với chủ đầu tư về việc lắp đặt thêm hệ thống bảo vệ tại một số tòa nhà, song đến nay, việc này vẫn chưa được thực hiện. Và nguyên nhân rất có thể là do chủ đầu tư “ngại” công trình xây dựng của mình sau khi thiết kế thêm hệ thống bảo vệ có độ an toàn hơn sẽ bị “lệch” chuẩn thiết kế.

Nhìn những gì đã và đang tồn tại ở nhiều tòa nhà, chung cư cao tầng trên địa bàn thành phố như hiện nay, vấn đề tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh các vi phạm, khắc phục tồn tại - sự mất an toàn cần được các cơ quan chức năng hữu quan lưu tâm, triển khai. Có như vậy, những vụ tai nạn đau lòng tương tự mới không xảy ra.

Một số vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại các chung cư cao tầng

1. Chiều 1/7/2012, bé L., 5 tuổi khi chơi bên cửa sổ căn phòng tầng 15 tòa nhà cao tầng Hà Thành Plaza (Thái Thịnh, Hà Nội) đã bị rơi xuống tầng 5. Mặc dù người dân đã gọi xe cứu thương đến cấp cứu, song vì chấn thương quá nặng, cháu L không qua khỏi.

 2. Sáng 3/12/2011, chị Trần T.H. ở tầng 9 tòa nhà No.21 – Khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai, Hà Nội) sau khi đưa cô con gái 9 tuổi đến trường học, trở về nhà tá hỏa trước cảnh cậu con trai Lê M.Đ, 3 tuổi đã bị rơi từ ban công gian phòng xuống mái tầng 2 của tòa nhà và tử vong tại chỗ.

3. Sáng 28/6/2010, cháu Trần P.M.A., 3 tuổi là con anh Trần T.T. và chị Phạm M.T. ở tầng 5 chung cư N05, thuộc Khu đô thị mới Dịch Vọng – Cầu Giấy (Hà Nội) trong lúc ra khu vực ban công chơi. Trong lúc với tay lên lan can đùa nghịch, cháu A. đã bị ngã xuống đất dẫn đến tử vong.

4. Sáng 1/8/2007, người dân sinh sống quanh tòa nhà Nơ.9B, Khu đô thị Bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phát hoảng trước hình ảnh, một cháu bé, 4 tuổi bị rơi từng tầng 11 xuống sân. Ngay sau đó cháu bé đã bị tử vong do đa chấn thương. Nguyên nhân sau đó được xác định rất có thể cháu bé khi tỉnh dậy không thấy người nên chạy ra lan can để tìm và tai nạn xảy ra.

Trần Huy
.
.
.