Phòng ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng tại TP Hồ Chí Minh

Thứ Sáu, 07/05/2021, 07:27
Những năm qua, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, quản lý tài sản công ở TP Hồ Chí Minh rất phức tạp. Trong nhiều nguyên nhân có một phần buông lỏng quản lý của cơ quan thẩm quyền; chưa thực hiện công khai quy hoạch xây dựng chi tiết ở cơ sở xã, phường; chưa minh bạch trong các dự án đầu tư, liên doanh liên kết… dẫn đến việc một số cá nhân, doanh nghiệp vi phạm.


Vi phạm tràn lan, hậu quả khó xử lý…

Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2016-2020, công tác quản lý đất đai, công tác quản lý trật tự xây dựng (TTXD), quản lý tài sản công, nhà ở và thị trường bất động sản còn nhiều bất cập, vi phạm pháp luật trong xây dựng cơ bản, đất đai, tranh chấp về quyền lợi sở hữu chung - riêng giữa chủ đầu tư và người dân tại các chung cư diễn biến khá phổ biến. Các vi phạm xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực quản lý đất đai và TTXD liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước của cơ quan chức năng địa phương trên địa bàn TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè và một số quận, huyện khác…

Các vi phạm này xảy ra với nhiều hình thức như tách thửa không phù hợp quy hoạch đô thị, không xin ý kiến thỏa thuận Sở Quy hoạch - Kiến trúc, vi phạm trong chuyển mục đích sử dụng đất; tách thửa đất nông nghiệp hình thành đất ở có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật, tách thửa đất ở không phù hợp quy hoạch, không đúng quy chuẩn. Đồng thời, các vi phạm xây dựng không phép, sai phép và xử lý chưa dứt điểm; chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định, phân lô bán nền, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp lấn chiếm sông rạch, kênh, mương...

Những con đường làm tạm bợ và nền nhà trên đất nông nghiệp tại huyện Bình Chánh.

Về quản lý tài sản công, TP Hồ Chí Minh để xảy ra một số vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng liên quan đến nhiều cán bộ, công chức bị khởi tố. Trong đó, phải kể đến vụ sai phạm xảy ra tại khu đất “vàng” 8 – 12 Lê Duẩn; khu đất 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng; vụ cho thuê đất, bán chỉ định tại số 15 Thi Sách (cùng quận 1, TP Hồ Chí Minh); vụ hoán đổi nhà đất 57 Cao Thắng, quận 3, để lấy mặt bằng đường Hai Bà Trưng, quận 3; vụ việc xảy ra tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) và các đơn vị có liên quan, vụ chuyển nhượng dự án nhà ở Phước Long B, quận 9...

Trong giai đoạn 2016 - 2020, các cá nhân, doanh nghiệp Nhà nước do UBND thành phố và Thành ủy TP Hồ Chí Minh quản lý gồm: Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn - TNHH MTV, Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn – TNHH MTV, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV, IPC,… cũng có những vi phạm trong quản lý sử dụng nhà, đất, tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu Nhà nước; chuyển nhượng dự án, hoạt động đầu tư góp vốn, thoái vốn gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước; có những sai phạm, hạn chế, thiếu sót trong việc chỉ định thầu; công tác thiết kế - dự toán công trình... đã bị Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và cấp có thẩm quyền kiểm điểm và thi hành kỷ luật một số cán bộ lãnh đạo của các đơn vị.

Trong khi đó, nhiều cá nhân, doanh nghiệp bất động sản tư nhân cũng bị khởi tố vì lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, với các thủ đoạn lập dự án khu dân cư “ma” rồi rao bán lừa khách hàng thu về hàng tỷ đồng hoặc ký hợp đồng thỏa thuận để bán và thu tiền đối với những dự án chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép dẫn đến khiếu kiện, gây mất ANTT.  

Việc phân lô bán nền trên đất nông nghiệp trái pháp luật cũng diễn ra phức tạp; việc xây dựng không phép trên đất nông nghiệp chưa được xử lý triệt để, có sự tham gia công khai của môi giới, đầu nậu, xây dựng thuê không phép, thủ đoạn tinh vi để đối phó với chính quyền, đe dọa công chức khi làm nhiệm vụ kiểm tra xử lý.

Tình hình này xảy ra nhiều ở huyện Bình Chánh, công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, đất lấn rạch để cho thuê và bán nhà ở cho các hộ dân thu lợi bất chính. Tại xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, qua thanh tra đã phát hiện hàng chục ngàn mét vuông đất nông nghiệp được các chủ đầu tư phân lô, bán nền, xây dựng không phép hàng trăm căn nhà bán cho nhiều người sử dụng.

Cần có giải pháp để ngăn ngừa sai phạm

Thủ đoạn của các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản và một số cá nhân có dấu hiệu vi phạm về sử dụng đất đai, TTXD là rao bán, huy động vốn những dự án không có thật hoặc chưa đủ pháp lý, đất nông nghiệp, đất quy hoạch công trình công cộng… nhằm chiếm đoạt tài sản.

Vì sao những dự án không có thật, dự án không đủ pháp lý, đất nông nghiệp nhưng vẫn lừa được nhiều người? Đó chính là “nghệ thuật” làm dự án, phân lô, bán nền, xây dựng nhà xưởng trái phép… nhằm tạo lòng tin người mua. Và một đặc điểm không thể thiếu đó là bán giá rẻ và tạo hiệu ứng bằng cách dùng “cò” để “mồi chài”, “thổi giá”. Khi người mua hỏi tính pháp lý dự án thường được vẽ không có thật hoặc hứa hẹn đang xin giấy phép...

Đối với một số doanh nghiệp lớn liên kết, liên doanh với doanh nghiệp Nhà nước thực hiện việc đầu tư, góp vốn, rồi thoái vốn để thâu tóm tài sản công, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.

Bên cạnh đó, còn xảy ra nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến việc bán nhà ở hình thành trong tương lai. Thực tế trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã giao kết với khách hàng dưới các hình thức “giữ chỗ”, “hợp đồng đặt cọc”, “hợp đồng hứa chuyển nhượng, hứa nhận chuyển nhượng”, “hợp đồng góp vốn đầu tư”… nhưng chưa có hoặc chưa thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý theo quy định.

Do đó, khi phát sinh rủi ro, tranh chấp, thường là người mua nhà gánh chịu. Nhiều dự án tính pháp lý chưa rõ ràng (như chưa có giấy phép xây dựng), chưa đủ điều kiện giao dịch, kinh doanh (chưa có văn bản xác nhận đủ điều kiện huy động vốn) nhưng chủ đầu tư vẫn đưa ra giao dịch, ký hợp đồng với các hình thức nêu trên, dẫn đến có nhiều trường hợp sau khi nhận tiền góp vốn của khách hàng nhưng không triển khai thực hiện được dự án và dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện đông người gây mất an ninh trật tự.

Để giải quyết các tồn tại, hạn chế nêu trên, bên cạnh các kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về xây dựng với Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với UBND các quận, huyện tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý TTXD thông qua Quy chế phối hợp quản lý TTXD trên địa bàn thành phố và Kế hoạch liên tịch tăng cường công tác quản lý TTXD trên địa bàn quận, huyện đã được ký kết giữa Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện.

Rà soát, tổ chức thực hiện dứt điểm các quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn chậm thực hiện. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý TTXD nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các vi phạm TTXD…

Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết thời gian tới sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành, các địa phương tổng hợp, trình UBND thành phố đề xuất các cơ quan Trung ương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng, quản lý nhà ở, kinh doanh bất động sản nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về xây dựng, thực hiện tốt kiểm tra công tác quản lý, sử dụng nhà đất trên địa bàn thành phố.

Chỉ tính từ năm 2016-2020, Thanh tra Sở Xây dựng đã phối hợp với UBND cấp xã, cấp huyện, Ban quản lý các khu đô thị mới, khu chế xuất - khu công nghiệp thực hiện công tác kiểm tra 559.006 công trình, phát hiện tổng số 13.190 công trình vi phạm TTXD. Chánh Thanh tra Sở Xây dựng đã ban hành 7.824 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tham mưu Chủ tịch UBND thành phố ban hành 2.016 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và chuyển UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn lập biên bản xử lý 3.350 trường hợp vi phạm theo thẩm quyền…
Ngọc Như – Phú Lữ
.
.
.